Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain
Mỹ nên thể hiện rõ với Trung Quốc rằng Trung Quốc sẽ bị "trừng phạt" trong quan hệ với Washington nếu không kiềm chế Triều Tiên, Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain nói hôm qua 26.4.
"Trên thực tế, trong những năm qua, chúng ta chưa nhìn thấy hành động gì từ Trung Quốc. Họ đã ủng hộ Triều Tiên. Họ có thể đóng cửa nền kinh tế Triều Tiên trong vòng một hoặc hai tuần nếu họ muốn.
“Suy nghĩ một bán đảo Triều Tiên thống nhất là mối đe dọa với Trung Quốc là một suy nghĩ vô lý và thái quá", ông McCain, Chủ tịch Ủy ban Quân vụ Thượng Viện Mỹ, nói.
McCain cũng nói thêm rằng Trung Quốc là giải pháp ngắn hạn cho vấn đề Triều Tiên.
"Việc Mỹ và Triều Tiên đối đầu không mang lại lợi ích gì cho Trung Quốc. Vì vậy, tôi hy vọng mối quan hệ giữa Tổng thống Trump và lãnh đạo Trung Quốc sẽ mang lại một số lợi ích trong việc phá vỡ nguy cơ đe dọa Mỹ đang ngày càng gia tăng”, ông nói.
Trung Quốc nên hiểu rằng Mỹ "không thể chịu được việc Triều Tiên có những khả năng như hiện nay", theo McCain.
Mỹ liên tục kêu gọi Trung Quốc kiềm chế Triều Tiên
Kể từ cuộc hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của ông Trump và ông Tập hồi đầu tháng, Trump đã nhiều lần kêu gọi Trung Quốc tăng áp lực lên Triều Tiên. Trump cũng đưa ra viễn cảnh về một thỏa thuận thương mại tốt hơn với Mỹ nếu Trung Quốc giải quyết được vấn đề.
Trung Quốc là đồng minh quan trọng của Triều Tiên và là nhà cung cấp thực phẩm và nhiên liệu chính. Nhưng gần đây, Trung Quốc không thực sự muốn phải sử dụng tầm ảnh hưởng của mình với Bình Nhưỡng vì lo ngại việc “ép buộc” Triều Tiên quá mức có thể dẫn đến sự bất ổn ở quốc gia cô lập và tổn hại đến lợi ích Trung Quốc.
Các nhà phân tích đang đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể gây áp lực với Bình Nhưỡng đến mức nào. Họ nói rằng Trung Quốc từng gia tăng áp lực lên Triều Tiên trong quá khứ, đặc biệt là khi Bình Nhưỡng thử nghiệm hạt nhân và tên lửa hay các hành động khiêu khích khác, nhưng chưa bao giờ gây ra tổn hại thực sự, theo hãng tin Yonhap của Hàn Quốc.
Bị Triều Tiên đe dọa, Trung Quốc không hề “nao núng”, thậm chí còn răn đe lại quốc gia cô lập này.