Ông Tạ Văn Tường – Giám đốc Trung tâm phát triển chăn nuôi Hà Nội (Sở NNPTNT Hà Nội) cho biết tại Hội nghị triển khai các giải pháp ổn định chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội tổ chức sáng nay (27.4).
Hội nghị diễn ra trong không khí hết sức căng thẳng.
Hốn chôn lợn nhiều như nghĩa trang
Ông Tường cho hay: “Giá lợn xuống thấp quá nhiều khiến các trang trại thay vì đưa lợn ra lò mổ để giết thịt, họ đã tự giết mổ ngay tại trang trại để giảm chi phí. Người nuôi giờ không quan tâm đến lợn nữa, lợn con chạy lung tung ra ngoài đường cũng mặc kệ, ai lấy thì lấy. Hôm qua tôi đi thăm các trạng trại nuôi lợn, nhiều trang trại nuôi đã phải cắm hết sổ đỏ để duy trì nuôi lợn mà lợn vẫn chưa bán được, tình hình đang rất khó khăn cho người nuôi”.
Mổ xẻ nguyên nhân giá lợn thấp, ông Tường cho rằng: “Vì lợn dư thừa quá lớn trong dân, tiêu thụ trong nước chủ yếu dùng thịt nóng, lợn phải mổ trong ngày, nên giá bán ở chợ giảm”.
Theo ông Tường, thói quen tiêu dùng phải được thay đổi, thế giới toàn dùng thịt lạnh (mát), thịt cấp đông và chế biến nhiều sản phẩm đa dạng. Thịt nóng dễ tồn tại và phát triển vi khuẩn, cấp đông sẽ loại trừ dịch bệnh, khống chế vi khuẩn”.
Cũng đề cập đến tình trạng này, ông nguyễn Hưng Thỉnh – Chủ trại nuôi lợn xã Thọ Lộc (huyện Phúc Thọ) băn khăn hỏi: “Vì sao lại có tình trạng cung vượt cầu, phải chăng do Nhà nước không có quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết, không cung cấp thông tin cho bà con về định hướng thị trường, kế hoạch sản xuất trong năm. Lợn trong dân dư thừa mà DN vẫn nhập khẩu thịt lợn, tại sao lại như thế?”.
Ông Thỉnh chua xót nói thêm: “Lợn đã ăn nát sổ đỏ, lợn đã ủi cả két tiền của người nuôi rồi. Hiện nay bà con đã chán nuôi lợn, không có tiền mua thức ăn cho lợn, để lợn con chạy đầy đường”. Tương tự, ông Đinh Xuân Thủy – Chủ hộ nuôi lợn xã Hồng Quang, huyện Ứng Hòa cho biết: “Từ tháng 1 đến nay gần như các trại lợn giống đóng băng, không bán được con nào. Một con lợn giống 15kg giá 300.000 đồng. Các hố chôn lợn giờ nhiều như nghĩa trang, vì lợn con không nuôi được, cũng không bán được, các hộ chăn nuôi đã cạn tiền cả rồi. Giờ chỉ mong nhà nước hỗ trợ lãi suất tiền vay để chúng tôi bớt khó khăn, tiếp tục duy trì sản xuất”.
Hiện giá lợn tại chợ ở Hà Nội cũng đang lao dốc nhanh chóng.
Với mức giá thấp như vậy, chỉ trong 6-8 tháng tới, nguồn lợn ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ sẽ không còn nữa, người nuôi sẽ bỏ chuồng vì không đủ sức để tái đàn, lúc đó tình trạng khan hiếm thịt lợn sẽ xảy ra. “Hiện nay số lượng lợn nái còn nhiều nên lượng cung dư thừa vẫn còn kéo dài. Trong những tháng tới tình hình chăn nuôi sẽ còn khó khăn hơn nữa khi bước sang mùa hè nóng nực, người tiêu dùng sẽ ít ăn thịt hơn, thay vào đó họ sẽ chuyển sang ăn các sản phẩm khác như hải sản, thịt gà, vịt” – ông Tường nhận định.
Ông Tạ Văn Tường: Giá lợn có nơi chỉ còn 10.000-12.000 đồng/kg.
Với tình trạng bi đát này, nguy cơ bùng phát đại dịch trong thời gian ngắn tới là rất cao. Theo lý giải của ông Tường, người nuôi giờ không còn tiền để nuôi lợn, họ sẽ không tiêm vắc xin phòng bệnh cho lợn, chăn nuôi buông thả, thậm chí bỏ đói lợn, dịch bệnh sẽ bùng phát”.
Đối mặt với dịch bệnh
Trong tình cảnh bi đát, ngành chăn nuôi lợn sẽ phải đối mặt với những nguy cơ về dịch bệnh. Ông Nguyễn Trọng Long – Hợp tác xã chăn nuôi Hoàng Long, huyện Thanh Oai lo ngại: “Giá lợn hơi thấp nên người nuôi sẽ tìm cách giảm chi phí bằng việc giảm tiêm vaccine phòng bệnh, giảm quan tâm chăm sóc đàn lợn. Cứ như thế thì nguy cơ bùng phát dịch bệnh sẽ rất nhanh và khó kiểm soát”.
Để viễn cảnh này không xảy ra, ông Nhữ Đình Tú – Tổng Giám đốc Công ty CP Lebio cho rằng: “Tôi đề nghị các cấp, ngành đề xuất Chính phủ hỗ trợ vaccine miễn phí cho các hộ nuôi. Tôi cũng là một người nông dân nên cảm thấy rất chua xót, cay đắng khi chứng kiến thảm cảnh này. E rằng giá này chưa phải là đáy, có thể sẽ tiếp tục giảm nữa”.
Về giải pháp lâu dài để ổn định sản xuất chăn nuôi lợn, ông Nguyễn Huy Đăng – Phó Giám đốc Sở NNPTNT Hà Nội cho rằng: “Cần tăng cường công tác sản xuất giống, nâng cao năng suất chăn nuôi, giảm thảm giá thành và từng bước đưa sản xuất con giống là sản phẩm chủ lực của ngành để vừa cung cấp giống cho thành phố và các tỉnh khác. Trong thời gian tới, cần tập trung xây dựng một số cơ sở chăn nuôi, sản xuất giống theo hình tháp 4 cấp từ cụ kỵ - ông bà - bố mẹ - thương phẩm”.
Để ổn định tình hình, theo ông Tường, trước mắt các hộ chăn nuôi cần giảm nhanh đàn lợn nái, các trang trại chăn nuôi quy mô lớn cần loại ngay lợn nái kém chất lượng, năng suất sinh sản thấp (số lợn nái kém chất lượng hiện nay chiếm khoảng 30-40% tổng đàn nái). Đối với Hà Nội, cần giảm đàn lợn nái xuống còn 180.000-200.000 con. Đồng thời khuyến cáo cơ sở chăn nuôi loại thêm lợn con sơ sinh có trọng lượng thấp dưới 0,8kg/con, sức khỏe kém. Các DN giết mổ, chế biến cần hợp tác chặt chẽ hơn với trại chăn nuôi để thực hiện hợp đồng giết mổ, chế biến cấp đông sản phẩm chăn nuôi. Tăng cường chế biến, đa dạng hóa sản phẩm thức ăn từ lợn, tăng sức tiêu thụ của thị trường trong nước, tăng cường giết mổ cấp đông lợn sữa để xuất khẩu hoặc tiêu thụ thị trường nội địa. |