Dân Việt

Điểm giống nhau bất ngờ của Kim Jong-un và Trump

Phương Đăng (theo CNN) 27/04/2017 20:00 GMT+7
Căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên không ngừng leo thang đẩy các bên liên quan tới bờ vực chiến tranh. Tuy nhiên, theo CNN, mặc cho Mỹ và Triều Tiên liên tục lên gân, cảnh báo chiến tranh nhưng thực tế đều cả Tổng thống Donald Trump lẫn nhà lãnh đạo Kim Jong-un đều có một điểm chung đó là cả hai đều không muốn xung đột.

img

Bất chấp những tuyên bố hùng hồn, cả nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un lẫn Tổng thống Mỹ Donlad Trump đều gặp nhau ở một điểm chung đó là không muốn chiến tranh.

Hàn Quốc là nước phải đối mặt với các mối đe dọa đến từ Triều Tiên lâu dài nhất. Họ hiểu những lần hăm dọa ầm ĩ. Họ cũng biết rằng, sự hăm dọa về xung đột, chiến tranh diễn ra định kỳ. Cư dân Hàn Quốc nằm trong tầm bắn của pháo binh Triều Tiên, nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn.

Ngoài mặt, chính phủ Nhật Bản tỏ ra họ đang gấp rút chuẩn bị cho một cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo đến từ Triều Tiên. Tokyo đã ban hành một hướng dẫn công dân trong trường hợp Triều Tiên bắn tên lửa tấn công Nhật Bản.

Ở xa Triều Tiên hơn nhưng mạnh miệng hơn, Washington liên tục cảnh báo về một cuộc chiến tranh với chế độ Kim Jong-un. "Tất cả các tùy chọn vẫn ở trên bàn trong đó bao gồm lựa chọn quân sự" là tuyên bố được Nhà Trắng lặp đi lặp lại.

Đáp lại, Triều Tiên nhiều lần tuyên bố sẵn sàng phát động một cuộc tấn công phủ đầu nhắm vào lục địa Mỹ. Cuộc diễu hành quân sự ở Bình Nhưỡng hôm 15.4 trong đó Bình Nhưỡng khoe một loạt tên lửa đạn đạo liên lục địa là động thái nhằm cho cả thế giới thấy rằng nước này sẵn sàng cho một cuộc chiến.  

Tuy nhiên, theo CNN, cả Mỹ và Triều Tiên đều không sẵn sàng cho chiến tranh. Chính quyền Kim Jong-un không chịu từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân là nhằm để duy trì sự sống còn của chế độ. Nếu họ phát động chiến tranh với Mỹ, đồng nghĩa với việc chế độ Bình Nhưỡng cũng sẽ sụp đổ.

Trong khi đó, chính quyền Donald Trump cũng nhận thức rõ rằng, Triều Tiên không phải alf Syria. Một cuộc chiến tranh Triều Tiên thứ 2 chắc chắn sẽ là một cuộc chiến đẫm máu và không thể dự đoán trước.

Trong mọi kịch bản chiến tranh, Mỹ và các đồng minh bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc có thể sẽ giành phần thắng, nhưng họ cũng sẽ phải trả một cái giá đắt đến mức không thể chịu nổi.

Melissa Hanham, nghiên cứu viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Không phổ biến vũ khí James Martin, cho rằng ngay cả khi đòn tấn công phủ đầu của Mỹ vô hiệu hóa được các vũ khí hạt nhân của Triều Tiên, Bình Nhưỡng vẫn sở hữu hỏa lực phi hạt nhân hùng hậu cùng đội quân thường trực đông đảo có thể gây hậu quả rất nặng nề cho Seoul.

Việc thủ đô Seoul của Hàn Quốc chỉ nằm cách khu phi quân sự khoảng 50 km là một trong những rào cản lớn nhất ngăn liên quân Mỹ - Hàn có hành động quân sự trực tiếp đối với Triều Tiên. Đô thị sầm uất và đông dân nhất Hàn Quốc này nằm gọn trong tầm bắn của hàng nghìn khẩu pháo hạng nặng Triều Tiên bố trí dọc biên giới.

Theo ông Pollack, các chiến lược gia Mỹ đã cân nhắc nhiều kế hoạch tấn công quân sự vào Triều Tiên kể từ sau khi cuộc chiến trên bán đảo này kết thúc. Tuy nhiên, tất cả các bản đánh giá kế hoạch tác chiến đều có một kết luận giống nhau: "Không có cách hay ho nào để thực hiện điều này, chấm hết".

"Tất cả các kế hoạch tác chiến đều cho kết quả là Mỹ và Hàn Quốc sẽ 'thắng trận', nhưng với cái giá đắt đến mức khủng khiếp cho Hàn Quốc", ông Pollack nói, nhấn mạnh rằng đây là nền kinh tế lớn thứ 11 thế giới và là nơi sinh sống của hơn 25 triệu dân.