Đóng bao bì sản phẩm thức ăn chăn nuôi. Ảnh: Danh Lam/TTXVN
Chỉ trong 3 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã chi khoảng 22.000 tỉ đồng nhập thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu, tăng tới 41,6% so với cùng kỳ năm 2016. Việc tăng cường nhập khẩu giai đoạn này chủ yếu là để sản xuất và dự trữ nhằm tranh thủ mức giá nguyên liệu rẻ.
Còn theo con số mới nhất của Bộ NNPTNT, trong tháng 4, ước giá trị nhập khẩu nhóm mặt hàng thức ăn gia súc và nguyên liệu của nước ta đạt khoảng 290 triệu USD, đưa tổng giá trị nhập khẩu mặt hàng này 4 tháng đầu năm 2017 lên 1,19 tỷ USD, tăng 29,9% so với cùng kỳ năm 2016.
Thị trường nhập khẩu chính của nhóm mặt hàng này trong 3 tháng đầu năm 2017 là Achentina (chiếm 45,7% thị phần), tiếp đến là Hoa Kỳ (11,6%), Ấn Độ (chiếm 4,5% thị phần) và Trung Quốc (4,3%). Thị trường có tăng trưởng mạnh nhất so với cùng kỳ năm 2016 là thị trường Italia (tăng hơn 6 lần) tiếp đến là thị trường Ấn Độ (tăng 74,6%). Thị trường có giá trị giảm mạnh nhất là thị trường Áo, so với cùng kỳ năm 2016 thị trường này đã giảm 18,4%.
Ngoài việc nhập khẩu thức ăn gia súc và nguyên liệu, từ đầu năm đến nay khối lượng nhập khẩu đậu tương và ngô của nước ta cũng khá lớn. Theo đó, ước khối lượng đậu tương nhập khẩu trong tháng 4/2017 đạt 152 nghìn tấn với giá trị 68 triệu USD, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu đậu tương 4 tháng đầu năm 2017 đạt 289 nghìn tấn và 130 triệu USD, giảm 39,4% về khối lượng và giảm 31,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Trong 4 tháng đầu năm nước ta nhập khẩu 289.000 tấn đậu tương. Ảnh minh hoạ
Khối lượng ngô nhập khẩu trong tháng 4/2017 đạt khoảng 883 nghìn tấn với giá trị đạt 181 triệu, đưa khối lượng và giá trị nhập khẩu ngô 4 tháng đầu năm 2017 đạt 2,36 triệu tấn và 488 triệu USD, giảm 8% về khối lượng và giảm 3,6% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Braxin và Achentina là hai thị trường nhập khẩu ngô chính trong 3 tháng đầu năm 2017, chiếm lần lượt là 30,5% và 26,8% tổng giá trị nhập khẩu của mặt 12 hàng này. Đặc biệt, trong 3 tháng đầu năm 2017, khối lượng nhập khẩu ngô của thị trường Thái Lan tăng hơn 20 lần so với cùng kỳ năm 2016 nhưng giá trị lại chỉ tăng có hơn 2,4 lần.