Dành trên 2% ngân sách nhà nước cho KH&CN
Trong quá trình phát triển và hội nhập, TP.HCM luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, KH&CN, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết, KH&CN là nền tảng để phát triển kinh tế thành phố từ chiều rộng sang chiều sâu trong bối cảnh nước ta đang tiến nhanh vào kỷ nguyên số với xu thế phát triển KH&CN và kinh tế tri thức. Lựa chọn phát triển KH&CN là con đường ngắn nhất để nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng lực cạnh tranh, giúp Thành phố hội nhập nhanh hơn, sâu hơn và toàn diện hơn vào nền kinh tế thế giới.
Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong và Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh ký kết Chương trình phối hợp.
Trong suốt thời gian qua mặc dù ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng Thành phố vẫn ưu tiên bố trí trên 2% tổng chi ngân sách hàng năm (1.000 tỷ đồng) cho đầu tư và phát triển KH&CN. Đồng thời, củng cố và hoàn thiện cơ chế liên kết hợp tác giữa Nhà nước – nhà khoa học – doanh nghiệp, giữa Khu Công nghệ cao với các trường đại học, khu chế xuất và khu công nghiệp, trong đó lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho hoạt động KH&CN, lấy đổi mới công nghệ, ứng dụng và phát triển công nghệ mới làm đòn bẩy cho sự tăng trưởng kinh tế.
Đặc biệt, thực hiện chủ trương Chính phủ kiến tạo, liêm chính, đồng hành cùng doanh nghiệp, Thành phố đang hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp, hỗ trợ kinh phí các dự án khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo thuộc 4 ngành công nghiệp trọng yếu và 9 nhóm ngành dịch vụ chủ yếu; định hình cơ chế hình thành Quỹ đầu tư mạo hiểm trong lĩnh vực KH&CN.
Giai đoạn 2011 – 2015, lĩnh vực KH&CN Thành phố tăng 16,9%/năm, cao nhất trong 9 ngành dịch vụ chủ yếu; tốc độ năng suất lao động tăng 5,6%, cao gấp 1,3 lần cả nước; đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng kinh tế đạt 33,1% cao hơn mức bình quân cả nước 29%, trong đo KH&CN chiếm khoảng 70%.
Ngoài ra, việc phát triển KH&CN đã giúp các sản phẩm thiết bị, công nghệ chuyển giao cho doanh nghiệp rẻ hơn 20 – 60% so với giá nhập khẩu, trung bình 1 đồng vốn ngân sách hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu thiết kế tương ứng thu hút vốn tối thiểu 1,4 đồng vốn đầu tư của doanh nghiệp từ xã hội và giúp tiết kiệm 7,8 đồng phí mua thiết bị ngoại nhập.
7 nội dung hợp tác phát triển KH&CN
Theo Chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2017-2020, hai bên sẽ phối hợp triển khai 7 nội dung chính.
Thứ nhất, xây dựng Quy chế phối hợp tham vấn, hướng dẫn, ban hành những cơ chế, chính sách thí điểm nhằm kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, thúc đẩy lĩnh vực KH&CN và ĐMST phát triển.
Thứ hai, hai bên xây dựng Chương trình hợp tác Phát triển tiềm lực KH&CN giữa Khu CNC Hòa Lạc và Khu CNC TPHCM, đặc biệt hợp tác về đào tạo nhân lực công nghệ cao, ươm tạo doanh nghiệp công nghệ cao, quản lý và chuyển giao công nghệ để nhằm phát huy tối đa điểm mạnh của các bên.
Thứ ba, phối hợp nghiên cứu đề xuất cơ chế, giải pháp đầu tư, nâng cấp sàn giao dịch công nghệ TP.HCM thành sàn giao dịch công nghệ quốc gia; phát triển Trung tâm Thông tin KH&CN của Sở KH&CN TP.HCM thành Trung tâm Thông tin KH&CN phía Nam.
Thứ tư, hai bên sẽ phối hợp xây dựng và phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tại Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đó, hỗ trợ đào tạo cán bộ lãnh đạo của Sở KH&CN, Sở Kế hoạch và đầu tư Thành phố về quản trị Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp sáng tạo; Chuyển giao một phần các công cụ, phương pháp, kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tăng trưởng cao và đơn vị cung cấp dịch vụ hỗ trợ khởi nghiệp từ các đơn vị, dự án ODA do Bộ chủ quản.
Thứ năm, triển khai chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ trong doanh nghiệp; phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp, Viện nghiên cứu, trường đại học, thông qua các chương trình đào tạo. Cụ thể, hợp tác chuyên môn nhằm đảm bảo hoạt động thực thi quyền sở hữu trí tuệ; hỗ trợ các cá nhân, tổ chức trên địa bàn Thành phố trong việc xác lập quyền đối với các sáng chế; hỗ trợ khai thác, áp dụng vào thực tiễn cho một số sáng chế tiêu biểu của Thành phố.
Thứ sáu, phối hợp phát triển chương trình đổi mới thiết bị, công nghệ cho các doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM.
Thứ bảy, hợp tác phát triển trong lĩnh vực phát triển công nghiệp vi mạch. Hai bên sẽ phối hợp triển khai chương trình phát triển công nghiệp vi mạch TP.HCM thông qua các Chương trình Quốc gia do Bộ KH&CN chủ trì.
Động lực mới cho TP.HCM
Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh nhận định, trong quá trình phát triển và hội nhập, TP.HCM luôn là một trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, dịch vụ của cả nước; là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, một trong ba vùng kinh tế trọng điểm lớn nhất nước.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ KH&CN và TP.HCM đã có sự phối hợp chặt chẽ qua nhiều nhiệm kỳ và hiện nay, sự phối hợp được đặt ra trong bối cảnh mới, khi cả nước đang ưu tiên, tập trung đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng chuyển từ chiều rộng sang chiều sâu, trong đó có nguồn nhân lực chất lượng cao, đổi mới sáng tạo.
“Lãnh đạo TP.HCM đã quyết định, không chỉ đầu tư từ nguồn lực 2% Ngân sách Nhà nước mà còn có các nguồn lực khác. Đây là điều kiện thuận lợi để KH&CN phát triển, để TP.HCM tiếp tục là đơn vị đầu tàu cả nước về kinh tế - xã hội ở mức độ mạnh mẽ hơn”, Bộ trưởng Bộ KH&CN nhấn mạnh.
Còn Chủ tịch UBND Nguyễn Thành Phong cho rằng: “Đây không chỉ là buổi ký kết hợp tác đơn thuần, mà còn mang đến cho Thành phố một động lực mới để hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu chủ yếu phát triển kinh tế - văn hóa – xã hội Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Thành phố lần thứ X đã đề ra”.
Chủ tịch UBND TP.HCM tin rằng việc ký kết Chương trình hợp tác sẽ là khuôn khổ để hai bên trao đổi, phôi hợp thực hiện, là nền tảng quan trọng để Thành phố hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ do Chính phủ đề ra. Đồng thời sẽ tạo xung lực mới, có sức lan tỏa mạnh, giải phóng mọi tiềm năng, khai thác có hiệu quả các nguồn lực để Thành phố phát triển nhanh và bền vững, giải quyết được những bức xúc, trăn trở của người dân hiện nay.