Dân Việt

Ngành lợn có hi vọng gì từ thị trường Trung Quốc?

Theo dự báo, do thị trường Trung Quốc tạm thời thiếu hụt nguồn cung nội địa trong ít nhất 6 tháng khi các trang trại chăn nuôi mới chưa đi vào vận hành nên cơ hội với con lợn Việt Nam là khá nhiều trong 6 tháng cuối năm 2017 và những tháng đầu năm 2018.

img

Một trang trại chăn nuôi heo ở Đồng Nai. Ảnh: TL

Năm 2016, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc công bố kế hoạch 5 năm lần thứ 13 cho ngành nông nghiệp. Theo đó, một trong những nội dung chính của kế hoạch này là cải thiện việc bảo vệ môi trường bằng cách di dời các trang trại chăn nuôi heo gần nguồn cung cấp nước và khu đông dân cư. Như vậy, các trang trại chăn nuôi heo của Trung Quốc sẽ hầu như không còn được phát triển tại các tỉnh phía Đông Nam mà dịch chuyển sang khu vực phía Tây và Đông Bắc.

Vùng Đông Bắc cũng là vùng vành đai trồng bắp lớn nhất của Trung Quốc nên việc dịch chuyển các trang trại chăn nuôi về vùng này được xem là tạo điều kiện giảm giá thức ăn chăn nuôi do bắp là mặt hàng chiếm tỷ trọng tới 70% trong chăn nuôi heo tại Trung Quốc.

Ngay trong những tháng đầu năm 2017, những trang trại chăn nuôi heo nằm trong vùng kiểm soát phát triển (vùng Đông Nam và các tỉnh lân cận thủ đô Bắc Kinh) buộc phải di dời hoặc phá hủy. Những con số báo cáo ban đầu cho thấy, việc di dời hoặc phá hủy các trại trong vùng kiểm soát phát triển có thể làm giảm đàn heo thịt khoảng 3,6 triệu con. Tại những vùng có kinh tế phát triển như Giang Tô (Jiangsu) hay Chiết Giang (Zhejiang), đàn heo đã giảm khoảng 50%. Trong năm 2017, những vùng vốn chăn nuôi heo lớn của Trung Quốc như Quảng Đông, Sơn Đông hay Giang Tô cam kết sẽ xóa bỏ toàn bộ các trại chăn nuôi heo.

Theo số liệu từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng đàn heo nái của Trung Quốc sụt giảm khá mạnh trong năm 2015 và 2016 do ảnh hưởng của dịch bệnh, thời tiết và những kiểm soát chặt chẽ của chính phủ nước này về vấn đề môi trường. Trong năm 2016, đàn heo nái của Trung Quốc chỉ còn 40 triệu con, giảm hơn 10 triệu con (tương đương 20%) so với mức đỉnh đạt được vào năm 2013. Việc giá thịt heo tăng mạnh trong năm 2015, 2016 và giá thức ăn chăn nuôi xuống thấp đã từng khiến thị trường kỳ vọng đàn heo nái của Trung Quốc sẽ hồi phục trở lại trong năm 2017.

Tuy nhiên, do những tác động từ kế hoạch năm năm lần thứ 13 về việc dịch chuyển vùng chăn nuôi heo nói trên, Bộ Nông nghiệp Mỹ dự báo, đàn heo nái của Trung Quốc năm 2017 sẽ tiếp tục sụt giảm, còn khoảng 38 triệu con.

img

Sản lượng thịt heo xẻ tại Trung Quốc năm 2017 cũng được dự báo giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 2012 do giảm cả về đàn nái lẫn đàn thịt. So với năm 2016, sản lượng thịt xẻ của Trung Quốc giảm khoảng 3,9% (tương đương mức giảm gần 2,1 triệu tấn).

Việc sản lượng thịt xẻ tại Trung Quốc giảm mạnh kể từ năm 2015 kéo giá thịt heo nội địa tăng cao đã khiến cho nhập khẩu thịt đông lạnh của nước này tăng mạnh trong năm 2016 và có thể cả năm 2017. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc, nhập khẩu thịt heo đông lạnh của nước này trong năm 2016 đạt hơn 1,6 triệu tấn, tăng gấp 2,1 lần so với năm 2015. Xu hướng tăng nhập khẩu thịt heo đông lạnh vẫn được duy trì trong năm 2017 khi lượng nhập khẩu hai tháng đầu năm đạt hơn 220.000 nghìn tấn, tăng gần 30% so với cùng kỳ 2016.

Hiện Trung Quốc chủ yếu nhập khẩu thịt heo đông lạnh từ các nước khu vực EU, Mỹ và Canada. Tuy nhiên, từ năm 2016 trở lại đây, nước này cũng  bắt đầu đẩy mạnh nhập khẩu thịt heo từ Brazil.

Vốn là loại thịt được tiêu thụ nhiều nhất tại Trung Quốc (chiếm tỷ trọng 60%) nhưng tiêu thụ thịt heo tại Trung Quốc kể từ năm 2014 trở lại đây có xu hướng giảm do tầng lớp dân cư có thu nhập trung bình và cao chuyển sang sử dụng thịt bò, thịt cừu và hải sản thay thế cho thịt heo. Do đó, mặc dù sản lượng thịt nội địa của Trung Quốc tiếp tục giảm trong năm 2017 nhưng với sự tăng lên trong nhập khẩu thịt và sự suy giảm của tiêu thụ thịt heo thì giá thịt heo tại Trung Quốc được dự báo sẽ khó tăng đột biến như năm 2014 và 2015.

Giá heo hơi tại Trung Quốc cũng diễn biến theo tình hình trên: tăng mạnh kể từ đầu năm 2015 đến giữa năm 2016 sau đó quay đầu giảm mạnh.

Nguồn cung thịt suy giảm đã đẩy giá heo hơi tại thị trường Trung Quốc tăng liên tục kể từ đầu năm 2015 và đạt đỉnh vào tháng 6-2016. Tại thời điểm tháng 6-2016, giá heo hơi tại Trung Quốc đạt 20,58 nhân dân tệ/ki lô gam (tương đương gần 70.000 đồng/ki lô gam), tăng tới gần 70% so với đầu năm 2015. Tuy nhiên, kể từ tháng 7-2016 trở lại đây, giá heo hơi tại Trung Quốc liên tục giảm do nhập khẩu thịt heo đông lạnh tăng mạnh, bù đắp cho sự thiếu hụt từ nguồn cung nội địa. Tính đến hết tháng 3-2017, giá heo hơi tại Trung Quốc chỉ còn 16,78 nhân dân tệ/kg (tương đương 56.000 đồng/ki lô gam), giảm tới gần 20% so với mức đỉnh được thiết lập vào tháng 6-2016.

Xu hướng giảm giá thịt heo tại Trung Quốc vẫn đang tiếp tục trong tháng 4-2017 khi nguồn cung thịt ra thị trường tăng trong khi nhu cầu tiêu thụ chậm lại. Từ đầu năm 2017, do có nhiều trại heo lớn tại Trung Quốc bị buộc phải phá hủy hoặc di dời ra khỏi những vùng bị kiểm soát phát triển nên nguồn cung thịt ra thị trường tăng khá mạnh.

Cơ hội cho Việt Nam?

Bối cảnh Trung Quốc như vậy là cơ hội để ngành chăn nuôi heo của chúng ta phát triển bền vững trong những năm tới nếu có bước chuẩn bị phù hợp, bởi lẽ:

Thứ nhất, như thực tế một thập kỷ trở lại đây cho thấy, thị trường thịt heo Trung Quốc bất ổn chính là nguyên nhân gây bất ổn cho thị trường thịt heo Việt Nam.

Khi nguồn cung của thị trường Trung Quốc bị thắt chặt, giá thịt heo tăng cao, các thương nhân nước này nhanh chóng đẩy giá mua thịt heo của Việt Nam và đây là tín hiệu để người nông dân Việt Nam tăng đàn. Việc đàn heo của nước ta hai năm vừa qua tăng đột biến từ 1 triệu và 1,2 triệu con như các số liệu thống kê cho thấy đã chứng minh điều này.

Thế nhưng, do giữa hai nước chưa có thỏa thuận về việc thịt heo Việt Nam có thể xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc, cho nên khi các nhà quản lý Trung Quốc kiểm soát gắt gao việc xuất khẩu tiểu ngạch như hiện nay thì người chăn nuôi heo ở ta lao đao. Nếu không có gì thay đổi, năm nay và ít nhất là cả năm 2018 sẽ là giai đoạn tổng đàn heo của Việt Nam đi xuống, hoặc ít nhất là “giậm chân tại chỗ” giống như các giai đoạn 2005-2008, hoặc 2011-2014.

Do vậy, nếu đàm phán thành công để Việt Nam có thể xuất khẩu thịt heo chính ngạch sang Trung Quốc thì chúng ta sẽ gỡ được “nút thắt” để ngành chăn nuôi heo nước ta có thể phát triển nhanh và bền vững trong nhiều năm tới, thoát khỏi tình trạng chỉ xuất khẩu (chính ngạch sang các nước khác) ì ạch ở mức 20.000-30.000 tấn/năm trong gần ba thập kỷ qua.

Thứ hai, câu hỏi đặt ra tiếp theo là nếu như xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc được thì liệu thịt heo “Made in Vietnam” có khả năng cạnh tranh được với các đối thủ đáng gờm, chủ yếu đến từ châu Âu và Bắc Mỹ hay không.

Câu trả lời là hoàn toàn có thể, bởi hai lý do:

Một là, tuy bị thất thế về giá thức ăn chăn nuôi so với châu Mỹ do phải nhập khẩu nguyên liệu từ chính châu Mỹ (châu Âu chủ yếu sử dụng lúa mì có giá cao hơn nhiều), nhưng bù lại, chúng ta có lợi thế không phải bàn cãi là chi phi lao động rẻ hơn nhiều và chi phí vận chuyển, bảo quản thấp hơn hẳn.
Hai là, người Trung Quốc có tập quán chuộng thịt tươi và chuộng... heo mỡ, như vậy thì các đối thủ cạnh tranh của chúng ta phải... chào thua.

Bên cạnh yêu cầu hàng đầu về chất lượng sản phẩm, yếu tố thị trường gần, có thể điều tiết nhập khẩu linh hoạt, đồng thời đáp ứng đúng thị hiếu cũng mang lại lợi ích rất khó có thể bỏ qua của quốc gia nhập khẩu.

Do vậy, một khi tháo được “nút thắt” xuất khẩu chính ngạch, thịt heo “Made in Vietnam” có thể thua kém phần nào ở phân khúc thịt đông lạnh cho các bữa ăn công nghiệp, nhưng có lợi thế tuyệt đối ở nhóm đối tượng tiêu dùng hộ gia đình. Nếu Trung Quốc chỉ nhập của ta khoảng một phần năm nhu cầu thôi thì cũng đã đủ để ngành chăn nuôi heo trong nước phát triển mạnh hơn hẳn.

Nguyễn Đình Bích