Không ngờ và choáng váng
Cầm tờ thông báo buộc phải di dời ra khỏi huyện Bình Chánh trước tháng 6.2017, bà Nguyễn Thị Hoa, chủ một cơ sở mua bán ve chai trên đường Vĩnh Lộc, xã Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, vẫn không tin rằng có ngày mình phải rơi vào cảnh ngộ như thế.
Hàng vạn người đang sinh sống bằng nghề mua bán phế liệu ở TP.HCM đa ng lo lắng trước viễn cảnh nghề này sẽ bị dẹp giống như ở Bình Chánh. Ảnh: TL
Bà Hoa kể, hơn mười năm đẩy xe đi mua ve chai dạo, nhịn ăn, nhịn mặc, tích cóp từng đồng cho đến cuối năm 2016 mới dành dụm được số vốn để mở cái cơ sở mua bán phế liệu hiện tại. “Với cái thông báo này thì tôi chắc chắn đi ăn mày rồi. Thuê mảnh đất ký hợp đồng năm năm với chủ nhà, bỏ ra cả trăm triệu đầu tư thành cơ sở trừ vào tiền thuê nhà. Giờ đây vốn chưa lấy lại được, hàng thì tồn cả đống mà hai tháng nữa phải ra đi thì không chết chắc là còn gì”, bà Hoa nói như khóc và với bà thì sao cũng được, nhưng hai đứa nhỏ mới đưa từ quê vào Bình Chánh học cấp 3 lấy đâu ra tiền.
Đa số các chủ cơ sở mua bán phế liệu ở huyện này đều thuộc diện “có đồng nào xào đồng đó” chớ không khấm khá gì. Xóm phế liệu ở huyện này – dọc đường Nguyễn Văn Linh, xã Bình Hưng, huyện Bình Chánh, ghé vào đâu hỏi ai cũng như đưa đám. “Họ dời một cơ sở nhưng thực chất là xử “mất việc” cả chục người từ bà con đến gia đình tôi”, ông Hào, một cơ sở thu mua phế liệu trên đường Nguyễn Văn Linh, kêu trời.
Ban đầu chỉ có ông Hào mua bán phế liệu, sau thấy nghề này cũng sống được ở đất Sài Gòn nên ông đã vận động cả vợ, con lẫn bà con ngoài Thanh Hoá vào cùng hùn hạp làm. Giờ cơ sở chưa kịp phát triển thì lại đối diện với nguy cơ bị di dời. “Tiền hợp đồng thuê đất mất, khách mối mất... thì lấy đâu ra vốn để làm lại. Như vậy chẳng phải tôi “giết” gia đình mình và giết luôncả bà con dòng tộc”, ông Hào chua chát.
Thông tin này từ Bình Chánh mấy ngày qua cũng lan nhanh đến các quận nội thành, gây ra làn sóng hoang mang. Như “phố ve chai” trên đường Trần Văn Quang, phường 10, quận Tân Bình cũng đang đứng ngồi không yên, bởi họ sợ biện pháp “cứng rắn” sẽ được học tập thì coi như cả phố ve chai... lên đường!
Vì ô nhiễm môi trường?
Trả lời các cơ quan truyền thông, bà Nguyễn Kim Mai, phó phòng tài nguyên và môi trường huyện Bình Chánh, cho rằng kế hoạch trục xuất vựa ve chai, cơ sở tái chế phế liệu được lên từ nhiều năm trước chứ không phải bất ngờ thông báo.
Theo thống kê của UBND huyện Bình Chánh thì toàn huyện có tổng cộng 487 cơ sở kinh doanh mua bán, tái chế phế liệu, trong đó, địa phương đã ra “tối hậu thư” cho 361 cơ sở phải rời đi trước tháng 6.2017; đến năm 2020 sẽ trục xuất toàn bộ.
Trả lời câu hỏi, sau khi trục xuất, chính quyền có quy hoạch cho các cơ sở trên về nơi hoạt động riêng biệt hay không? Bà Mai cho biết các cơ sở vừa nhận thông báo vì không có giấy phép hoạt động nên cấm hẳn. Hơn nữa, qua rà soát trên địa bàn huyện thì không còn chỗ cho các cơ sở trên. Riêng cụm công nghiệp Lê Minh Xuân (nơi chuyên thu gom các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm – PV) hiện không còn đất để cho thuê. Và nếu còn mặt bằng thì các cơ sở ve chai, phế liệu không thể hoạt động vì mặt bằng lớn, chi phí thuê cao. “Hiện địa phương chỉ có thể hướng dẫn và tạo điều kiện cho những chủ cơ sở phải di dời chuyển đổi ngành nghề mà thôi”, bà Mai nói.
Nói về lý do ban hành “tối hậu thư” với các phương tiện truyền thông, ông Nguyễn Văn Phụng – bí thư huyện Bình Chánh cho biết thời gian qua vấn đề ô nhiễm từ các cơ sở trên được cho là nhức nhối ở địa phương. Việc di dời là để bảo vệ môi trường và để bảo đảm vấn đề quy hoạch và các tiêu chí để địa phương đạt nông thôn mới.
Người trong cuộc và các địa phương khác nói gì?
Theo bà Hoa, cơ sở của bà chỉ mua giấy vụn, vỏ lon và không tiến hành súc rửa túi nilông, thùng phuy nên không thể cho rằng gây ô nhiễm. Việc bắt buộc di dời vì cho rằng cơ sở bà gây ô nhiễm là không ổn!
Tương tự, không ít cơ sở mua bán phế liệu trên đường Nguyễn Văn Linh thì cho rằng, chính quyền huyện Bình Chánh buộc các cơ sở chế biến phế liệu rời đi thì hợp lý, chứ bắt các vựa thu mua ve chai “ra đi” thì xem ra quá mạnh tay, bởi việc thu mua ve chai đâu có gây ô nhiễm môi trường. “Tôi không hiểu sao huyện Bình Chánh đưa ra thông báo không cho cơ sở của tôi hoạt động trong khi ở nội thành họ đâu có đuổi. Khu vực chúng tôi hoạt động nằm xa dân cư, có chỗ đậu xe tải làm sao gọi là ảnh hưởng tiếng ồn, môi trường được? Vậy xin chính quyền hãy xem lại mà “nương tay” cho chúng tôi”, ông Hào khẩn thiết xin xem xét.
Về quan điểm của các địa phương khác, qua tìm hiểu, chúng tôi được biết ở Tân Bình, Tân Phú hay Bình Thạnh, quan điểm của quận là di dời các điểm chế biến phế liệu ra khỏi địa bàn, còn các cơ sở thu mua phế liệu vẫn được tạo điều kiện cho hoạt động, bởi thực tế các điểm thu mua phế liệu ít gây ô nhiễm môi trường và hơn cả còn tạo được công ăn việc làm cho rất nhiều lao động nghèo ít vốn lấy nghề mua ve chai dạo làm kế sinh nhai.