Dân Việt

“Bóng hồng” nào được Phạm Xuân Ẩn cầu hôn ở Mỹ?

19/03/2014 20:54 GMT+7
Điệp viên tình báo Phạm Xuân Ẩn đã từng "phải lòng" và cầu hôn với một người phụ nữ trên đất Mỹ.
Khoảng thời gian thú vị nhất trong ngày của Ẩn là lúc ở tòa soạn Barnacle. Ông trở thành bạn thân của Rosann Rhodes, Rich Martin, Pete Conaty, Ross Johnson và Lee Meyer. Ông chính là người đã làm mai Rosann cho Rich, và sau đó hai người đã đính hôn.

Năm 1961, Rosann Martin viết thư cho Ẩn ở Sài Gòn, bảo rằng rất tiếc khi Ẩn không thể đi dự đám cưới của hai người, nhưng cô muốn Ẩn biết rằng "tấm hình của bạn đã được đưa vào bộ ảnh đám cưới ở trong mục Chúng tôi đã gặp nhau như thế".

Khi tôi nói chuyện với Rosann vào tháng 10 năm 2006, bà cho tôi biết Ẩn luôn "rất dễ chịu và có khiếu hài hước tuyệt vời".

Sau đó bà làm tôi sửng sốt khi kể, "Anh ấy từng cầu hôn với tôi. Tôi nhớ khoảnh khắc đó rất rõ. Lúc ấy chúng tôi đang ở trong lớp báo chí, đột nhiên anh ấy tiến đến và nói một cách trịnh trọng, 'Rosann, anh đã phải lòng em trong năm nay. Anh muốn cưới em, nhưng anh lo em sẽ không hạnh phúc khi đến nước anh sinh sống bởi ở đấy rất xa lạ. Mọi người chỉ đi xe đạp, bận đồ ngủ ra ngoài đường và treo quần áo ở cửa sổ. Anh thực sự muốn em nghĩ về điều đó'.

Tôi bị sốc nặng – bởi chúng tôi chưa từng hẹn hò. Hôm sau tôi bảo anh ấy rằng tôi không thể lấy anh ấy, thế rồi năm sau anh ấy giới thiệu tôi với Rich".

img
Phạm Xuân Ẩn chụp cùng Thống đốc Brown (cả 2 đều đứng giữa) và vợ chồng Rosann Rhodes - Rich Martin. Nguồn: Tư liệu cá nhân Phạm Xuân Ẩn.

Bên cạnh Rosann, Ẩn còn có tình cảm đặc biệt với Lee Meyer. Học trước Ẩn một năm tại Trường Orange Coast và đã có một năm làm cho tờ Barnacle, Lee trước đó từng làm phóng viên tại Trường trung học Pasadena và vào Đại học Thành phố Pasadena trước khi chuyển tới Trường Orange Coast.

Cô cũng từng làm cho hai tờ Sierra Madre News và Garden Grove Daily News. Ẩn ngay lập tức bị hút hồn trước một cô gái mà như ông miêu tả, "tóc vàng nhạt, đôi mắt xanh thông minh sau cặp kính dày, đầu óc nhanh nhạy với sự suy xét sắc sảo và tư duy sâu sắc".

Tháng 1 năm 1958, Lee bắt đầu làm chủ bút tờ Barnacle. Ẩn được cất nhắc từ người viết phóng sự lên làm biên tập viên trang 2, có nghĩa rằng ông và Lee sẽ làm việc cạnh nhau trong suốt học kỳ mùa xuân 1958.

Ẩn đã đưa vào một chi tiết quan trọng trong bản tin thông báo việc ông được thăng chức trên tờ Barnacle: "Ẩn Phạm, một sinh viên ngoại quốc đến từ Việt Nam, sẽ đảm nhận chức vụ biên tập viên trang 2. Trước đây Ẩn là phóng viên viết bài cho tờ Barnacle và là thành viên một ban kiểm duyệt tin tức tại quê hương anh ta". Chi tiết này chứa đựng cả một sự trớ trêu khi vào năm 1976, Ẩn đã từ chối lời đề nghị làm công việc tương tự cho chế độ mới.

Trong năm đó thì Ẩn và Lee thực sự không rời xa nhau nửa bước. Lee mời Ẩn tới nhà vào dịp lễ Tạ ơn và Giáng sinh. Kể từ đấy, cứ đến mỗi mùa nghỉ lễ, gia đình Meyer lại gửi một món quà tới Hội Tim nước Mỹ với tên người gửi là Phạm Xuân Ẩn.

"Tôi đoán là bạn không thể hình dung tôi xúc động thế nào trước tấm chân tình của bạn khi bạn luôn tạo cho tôi có cảm giác như ở nhà trong những ngày xa quê hương", Ẩn đã viết cho Lee những lời như thế.

Thế rồi Ẩn phải lòng Lee. "Cô ấy biết tình cảm của tôi", Ẩn kể với tôi. "Tôi yêu cô ấy. Tôi không thể tỏ tình, nhưng tôi biết cô ấy cảm nhận được tình cảm của tôi". Bằng chứng duy nhất về tình cảm của Lee mà chúng ta có được đó là những thư điện tử hai người gửi cho nhau trong năm 2001, hai năm trước khi bà qua đời.

"Tôi thường xuyên nghĩ tới bạn, lo lắng không biết bạn có an toàn hay không và làm sao để tôi có thể biết được bạn bình an", Lee viết. "Tôi rất vui khi nhận thấy rằng khiếu hài hước của bạn vẫn còn vẹn nguyên trong những thư điện tử này. Bạn có nhớ một buổi tối khi bạn tới thăm gia đình tôi và sau đó tôi lái xe đưa bạn trở về cái khu ký túc xá nghiêm mật tại Trường Orange Coast, lúc ấy sương mù quá dày đặc đến nỗi bạn phải ra khỏi xe rồi đi bộ phía trước để tôi có thể lái xe theo sau? Vì một lý do nào đó mà tôi nhớ rất rõ, chứ không mù mờ như đám sương kia, về cái sự kiện ấy.

Tôi ngưỡng mộ bạn vô cùng vì khả năng thích nghi và việc có thể sống trong khu ký túc xá vốn được thiết kế cho những người vị thành niên, chứ không phải cho một gã đàn ông đã trưởng thành như bạn. Được học chung với một tâm hồn lịch lãm và có học thức như bạn đã giúp tôi làm giàu thêm những trải nghiệm của mình. Việc chúng ta được làm bạn tốt của nhau là một món quà đầy kinh ngạc đối với tôi".

Dưới sự dẫn dắt của Lee, Ẩn tỏa sáng trong vai trò một phóng viên, và cũng với sự cầm trịch của Lee, tờ Barnacle được Hiệp hội Báo chí Học đường xếp hạng nhất. Lee khuyến khích Ẩn viết những bài báo so sánh Việt Nam với Mỹ để các học viên tại Orange Coast có thể hiểu thêm về đất nước và văn hóa Việt Nam.

Bài báo đầu tiên của Ẩn dưới thời Lee làm chủ bút nhan đề "Thi tốt nghiệp – Vài điều về nỗi cực nhọc thi cử của sinh viên ở miền đất xa xôi", đã đưa ra sự so sánh tâm trạng căng thẳng mùa thi khiến sinh viên tại Việt Nam mất ăn mất ngủ với không khí học dồn mùa thi của sinh viên tại Orange Coast.

"Mỗi năm, khi những hàng phượng nở hoa đỏ rực tại Sài Gòn, sinh viên lại bắt đầu bàn luận về mùa thi", Ẩn viết bằng một bút pháp khá vụng về mà rồi đây ông nhanh chóng khắc phục.

Để giải tỏa căng thẳng mùa thi, sinh viên Sài Gòn thường uống nhiều cà phê, trà đặc và những thứ mà Ẩn gọi là "thuốc tỉnh táo" rất phổ biến tại Pháp và các xứ thuộc địa.

img
Phạm Xuân Ẩn ở ký túc xá trường Orange Coast. Nguồn: Jim Carnett, trường Orange Coast.

Tháng sau đó, Ẩn viết một bài báo bảo vệ cho những yêu cầu bắt buộc về chuẩn tiếng Anh hội thoại trình độ X tại Trường Orange Coast.

Từ kinh nghiệm hành chính và quân sự trong thời gian làm việc cho TRIM và CATO, Ẩn thấy rằng những điều kiện về tiếng Anh hội thoại cơ bản, vốn bị chế nhạo là chỉ dành cho "lũ đần", là một công cụ kỳ diệu cho vai trò lãnh đạo của Mỹ. "Đặc biệt là tại những nước mới độc lập ở châu Á, châu Phi và Trung Đông", Ẩn viết.

Ông giải thích rằng người Việt Nam "rất khát khao học tiếng Anh và luôn nỗ lực để trở nên thành thạo" nhưng lại không có điều kiện để học. "Bất cứ trường tiếng Anh tư thục nào muốn thuê bất kỳ người Mỹ nào vào dạy hội thoại cho học viên trung cấp đều phải trả 3 đôla mỗi giờ".

Ẩn dẫn ra một câu chuyện mà mình từng chứng kiến: "Có lần tôi đang tham gia tuyển chọn các sỹ quan tốt nghiệp từ Hội Việt Mỹ để đưa sang Mỹ tu nghiệp. Đại tá Jameson bước vào, chìa ra một ngân phiếu ghi 7.500 đôla rồi bảo: Ẩn, anh xem tấm séc này để thấy chúng tôi đã trả cho giáo viên của những học viên sĩ quan này bao nhiêu tiền, và sau đó hãy trả lời tôi là có bao nhiêu trong số những người đến phỏng vấn ở đây đáp ứng được yêu cầu về tiếng Anh?".

Trên thực tế, rất ít người nói tiếng Anh giỏi như Ẩn bởi giáo viên của họ không có phương pháp sư phạm tốt để có thể dạy hiệu quả. Chính "phương pháp học vẹt" trong các giờ tiếng Anh đã khiến các sĩ quan Việt Nam chán nản và thất vọng.

Người Việt ít có cơ hội để đọc sách giáo khoa của Mỹ hoặc gặp giảng viên chuyên nghiệp như trong các lớp tiếng Anh trình độ X tại Orange Coast, nơi mà hội thoại và ngữ cảnh luôn được chú trọng. Ẩn đã tiến tới đề nghị Cơ quan Thông tin Mỹ (USIS) và các tổ chức đào tạo của Mỹ tại Việt Nam đưa chuẩn tiếng Anh X vào dạy cho người Việt "bởi vì nó giúp người Mỹ ở Việt Nam xóa tan định kiến nói trên cũng như nâng cao uy tín cho tiếng Anh của Mỹ".

Tháng sau, Ẩn viết về các biện pháp ăn kiêng để giảm cân và sự mê muội điên cuồng của những phụ nữ trẻ về việc giữ dáng. "Phụ nữ trẻ ở Sài Gòn, Việt Nam, rất sợ bị béo. Quan niệm truyền thống về vẻ đẹp của người Á Đông là phụ nữ phải mảnh mai như cành liễu.

Người ta cho rằng thể hình lý tưởng là những bộ xương khẳng khiu như cành mai, còn da thịt thì ép sát vào xương như con hạc, như người ta thường nói "mình hạc xương mai". Phụ nữ Sài Gòn chẳng những bỏ bữa hoặc ăn kiêng mà họ còn sử dụng các biện pháp nguy hiểm như uống giấm và các loại chất a xít để giảm cân. Nhiều cô nàng gầy gò đến mức nếu họ tới Orange Coast để học thì những cơn gió Santa Ana sẽ thổi họ bay về Sài Gòn mất".

Ẩn kết thúc bằng lời khuyên hãy tuân thủ chế độ ăn uống cân bằng và khoa học đồng thời kêu gọi các sinh viên tham gia "Câu lạc bộ kiểm soát calori" dưới sự giám sát của y tá Martha Buss tại Trường Orange Coast.

Có lẽ đóng góp cho tờ Barnacle mà Ẩn tâm đắc nhất chính là bài viết về phim Người Mỹ trầm lặng sản xuất năm 1958. Trong phim, Audie Murphy đóng vai một người Mỹ tự do đầy lý tưởng đã đến Đông Dương vào năm 1952 để đề xuất "giải pháp thứ ba" bên cạnh nền thực dân của Pháp và sự nổi dậy của Cộng sản.

Edward Lansdale được cho là nguyên mẫu của nhân vật chính trong phim, Alden Pyle. Lansdale cũng là cố vấn của bộ phim, vốn khác xa nguyên bản cuốn sách của Graham Greene. Bộ phim được đề tặng Ngô Đình Diệm.

Trong trường hợp này, Ẩn dường như đang làm xiếc trên dây, bởi ông vừa viết về bộ phim, vừa nghĩ về người bạn Lansdale, và có lẽ cũng có chút lo lắng rằng người ta có thể quy chụp ông thân Cộng vì những điều ông viết ra…

Người Mỹ trầm lặng một lần nữa lại được dựng thành phim vào năm 2002, với các ngôi sao Michael Caine và Brendan Fraser. Phillip Noyce, đạo diễn người Úc của bộ phim, trung thành với nguyên tác của Greene, ngoại trừ hai thay đổi lớn, trong đó có việc nhập hai nhân vật thành một để tạo ra người trợ lý của Fowler, tên là Hinh (do Tzi Ma thủ vai) – lấy cảm hứng từ điệp viên nhị trùng Phạm Xuân Ẩn.

Trong phim Hinh là sát thủ cực kỳ nguy hiểm và là điệp viên theo chủ nghĩa dân tộc dưới vỏ bọc là một trợ lý vô dụng của Caine. Bộ phim đã được chiếu ra mắt ở Việt Nam để báo chí viết bài ca ngợi.

Có lẽ bài báo dí dỏm nhất của Ẩn trong năm ấy là bài viết về căn phòng ký túc xá của người bạn thân và là đồng nghiệp tại tờ Barnacle, Ross Johnson. Phòng của Ross được bài trí theo kiểu nhiệt đới, với hàng rào bằng sậy, mái lợp tranh và tre bao quanh tường.

Có ba tấm ảnh treo trên tường, chụp cảnh hươu và cọp ở trong rừng. Để làm cho căn phòng có vẻ giống thật, Ross nuôi một chú gà con. Cậu mở nhạc xứ nhiệt đới suốt ngày. "Tôi rất nhớ nhà mỗi lúc bước vào phòng của Ross", Ẩn viết. Nhưng căn phòng này còn thiếu một thứ, đó là một người bạn chung phòng:

"Ross, cậu hầu như có mọi thứ ở đây, nhưng cậu vẫn cần thêm một ai đó để chia sẻ giấc mơ này với cậu. Mong rằng nội quy của Trường Orange Coast sẽ được nới lỏng trong một tuần để người bạn này có thể tới thăm căn phòng của Ross".

Ẩn là một sinh viên giỏi, học kỳ nào cũng được tuyên dương và tham gia nhiều chương trình học khác nhau, như lịch sử, chính trị học, kinh tế, tâm lý, và khoa học xã hội. Lúc còn học tại Orange Coast, ông đã vận động để lập một câu lạc bộ du học sinh, với các thành viên đến từ Philippines, Trung Quốc, Nicaragua, Nhật Bản, Bỉ, Pháp, Canada và Ba Lan.

Ông là một trong chín sinh viên được Trường Orange Coast chọn đi dự Hội thảo các vấn đề thế giới nhân Ngày Thế giới tại Los Angeles. Một trong những chủ đề được thảo luận trong ngày này là "Liệu Cộng sản có chiến thắng tại Đông Nam Á?".

Ông là một trong sáu đại biểu từ Câu lạc bộ Quốc tế của Trường Orange Coast tham dự Diễn đàn Khu vực Long Beach thuộc Câu lạc bộ Quan hệ Quốc tế về chủ đề "Nước Mỹ đóng góp vào sự tiến bộ thế giới". Ẩn cũng dự một hội nghị báo chí tại Đại học Redlands và có mặt trong đoàn đại biểu của Barnacle dự Đại hội các Nhà xuất bản quốc gia tiểu bang California ở San Francisco.

(Trích đăng từ tập sách Điệp viên Hoàn hảo X6)