Dân Việt

Chủ tịch NH Vietcombank: Giá cổ phiếu VCB vẫn khá cao

Trần Giang 29/04/2017 12:24 GMT+7
Ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank cho rằng, cổ phiếu VCB sau pha loãng vẫn cao hơn giá cổ phiếu của 3 ngân hàng lớn đi sau cộng lại.

Tại đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2017 của Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) vừa diễn ra, vấn đề nhiều cổ đông quan tâm chính là giá cổ phiếu VCB và vấn đề tăng vốn điều lệ thông qua việc bán cổ phần cho Quỹ đầu tư GIC.

Rất khó phát hành cổ phần cho GIC

Tính từ thời điểm 1 tháng trước khi có thông tin bán cổ phần cho Quỹ đầu tư GIC và sau thông tin cho đến thời điểm hiện tại thì cổ phiếu VCB luôn trong xu hướng giảm.

Hồi tháng 7.2016, cổ phiếu VCB giao dịch quanh mức giá 39.000 – 41.000 đồng/cổ phiếu, thì kể từ sau khi có tin cổ phiếu GIC muốn mua 7,73% cổ phần của Vietcombank thì giá cổ phiếu này giảm trong xu hướng giằng co. Chốt phiên giao dịch ngày 28.4, cổ phiếu VCB có giá 35.100 đồng/cổ phiếu.

Nguyên nhân cổ phiếu VCB giảm là do Quỹ đầu tư GIC chỉ chào mua cổ phần với giá 30.000 đồng/cổ phiếu, thấp hơn giá thị trường thời điểm đó. Trong năm nay, kế hoạch tăng thêm 3.597 tỷ đồng vốn điều lệ của Vietcombank vẫn có Quỹ đầu tư GIC. Vậy cổ phiếu VCB sẽ tiếp tục giảm trong thời gian tới và liệu việc phát hành cho Quỹ đầu tư GIC có được chấp thuận?

Ông Thành cho biết hiện kế hoạch phát hành cổ phần của Vietcombank cho Quỹ đầu tư GIC vẫn chưa nhận được phản hồi từ cơ quan quản lý. Lý do là quỹ này vẫn giữ nguyên giá chào mua ở mức giá 30.000 đồng/cổ phần, thấp hơn giá trên thị trường.

“Theo định hướng của Chính phủ, việc giảm vốn, thoái vốn của các doanh nghiệp có vốn Nhà nước phải đảm bảo giá chào bán dự kiến không thấp hơn giá định giá của tổ chức có chức năng cung cấp dịch vụ xác định giá trị doanh nghiệp và giá đóng cửa của phiên giao dịch trên HOSE ngày liên hệ trước ngày phát hành. Như vậy quỹ đầu tư GIC chưa đáp ứng được điều kiện tiên quyết như vậy, nên khả năng phê duyệt của cơ quan chức năng với giá chào mua đó là hơi khó”, ông Thành cho biết.

Lấy dẫn chứng về trường hợp cổ phiếu VNM, ông Thành cho biết, vừa rồi Vinamilk bán ra 5,4% cổ phần với mức giá lớn hơn giá được định giá và không thấp hơn giá sàn trước đó. Thời điểm đó, Vinamilk có giá 124.000 đồng/cổ phiếu nhưng được định giá là 144.000 đồng/cổ phiếu và nhà đầu tư vẫn mua.

“Do vậy, trường hợp của Vietcombank sẽ được cơ quan chức năng áp dụng tương tự. Tôi biết đây là việc khó khăn trong phát hành, nhất là giá chào mua thấp hơn giá trên sàn, dù là tổ chức nước ngoài cũng không phê duyệt. Và năm nay có thành công hay không còn tuỳ giá thị trường”, ông Thành cho biết thêm.

Ông Thành cho biết với thương hiệu và kế hoạch kinh doanh của Vietcombank thì đối tác sẽ tiếp tục quan tâm. Còn việc làm thế nào để thoả mãn điều kiện về giá thì chúng tôi xem tín hiệu thị trường để trình phương án thoả mãn điều kiện đó, đặc biệt là đối với cổ đông có năng lực tài chính. Hiện chúng tôi đang đàm phán với Quỹ đầu tư GIC và cơ quan quản lý về vấn đề này. Trong thời gian tới sẽ triển khai các hoạt động cụ thể để việc phát hành cổ phiếu tăng vốn thành công”, ông Thành nhấn mạnh.

img

Đại hôi đông cổ đông thường niên năm 2017 của Vietcombank (ảnh: MH)

Tuy vậy, ông Thành vẫn nhận định một cách chủ quan rằng giá hiện tại của cổ phiếu VCB là khá cao. “Giá cổ phiếu VCB sau pha loãng vẫn bằng giá 3 ngân hàng lớn đi sau cộng lại. Giá của VCB như vậy là khá cao”.

Lợi nhuận lên 9.200 tỷ đồng

Một trong những chỉ tiêu đáng lưu ý của Vietcombank, đó là lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 9.200 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận cao nhất trong hệ thống ngân hàng năm 2017.

Nói về con số lợi nhuận, ông Thành cho biết đây là mức lợi nhuận rất hấp dẫn. “Vì sao Vietcombank có thể tăng trưởng lợi nhuận như vậy? Đó là vì ngân hàng đã triển khai những giải pháp đồng bộ, nâng cao chất lượng tí dụng, tăng thị phần tại trở thương mại... Nếu nhìn  vào kế hoạch lợi nhuận của các ngân hàng trước có thể thấy kế hoạch lợi nhuận của nhiều ngân hàng không tăng, có ngân hàng chỉ tăng 3%, trong khi Vietcombank tăng 8%. Đây là nỗ lực của Vietcombank”, ông Thành phân tích.

Còn về tín dụng, ông Thành cho biết năm nay chỉ nên tăng 15% thôi. Thay vì tăng trưởng vào chiều rồng thì Vietcombank sẽ tăng trưởng vào chiều sâu.

“Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng còn liên quan đến hệ số an toàn vốn tối thiểu của Vietcombank hiện đang ở ngưỡng 9%. Nếu cứ đà tăng trưởng tín dụng cao là tăng trưởng nóng. Nên tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ nên 15%, huy động là 14% sẽ bền vững hơn. Còn về kế hoạch lợi nhuận, chắc chắn Vietcombank thực hiện được vì chất lượng tín dụng sẽ được kiểm soát và tập trung tăng nguồn thu từ dịch vụ và đầu tư”, ông Thành phân tích.