Dân Việt

Bi kịch xã xuất ngoại mang "ết" về

15/01/2013 13:00 GMT+7
(Dân Việt) - Phần lớn người dân xã biển Vinh Xuân (Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) phải tha hương làm thuê. Nhiều người sau một thời gian kiếm sống đã lê tấm thân tàn về quê do mắc HIV/AIDS, rồi làm lây lan cho nhiều người...

Nhà có 4 người mắc "ết"

Cái rét như cắt da khiến thân thể già nua của bà Võ Thị Lớn (87 tuổi) ở thôn Kế Võ bị hành hạ bởi những cơn đau xương khớp. Ở cái tuổi "gần đất xa trời" như bà người ta được con cháu phụng dưỡng, còn bà hàng ngày vẫn phải bươn chải kiếm tiền nuôi 2 đứa cháu nhiễm HIV. Trong ngôi nhà "rách xơ mướp" rộng chưa đầy 10m2, bà vừa trò chuyện với chúng tôi vừa khóc nghẹn. Những nếp nhăn chằng chịt trên khuôn mặt khắc khổ của bà xô nhau ép ra những giọt nước mắt buồn tủi.

img
Tuổi cao sức yếu nhưng bà Võ Thị Lớn vẫn phải tần tảo nuôi 2 đứa cháu mắc "ết".

Cuộc sống ở quê phải chạy ăn từng bữa nên anh Nguyễn Hữu M (SN 1970) - con trai bà Lớn - phải sang Lào làm thuê ngay sau khi cưới vợ. Nhờ chịu khó nên những ngày tảo tần nơi đất khách giúp M kiếm được ít tiền gửi về nuôi vợ và mẹ già. Tuy nhiên, trong một lần bị bạn bè lôi kéo, M quan hệ với gái mại dâm ở Lào rồi bị lây nhiễm HIV. Không biết mình mắc căn bệnh thế kỷ, nên những lần về thăm nhà, M đã làm lây nhiễm sang vợ mình là chị Võ Thị B (SN 1971).

Khi sức khỏe đã suy kiệt, M lê tấm thân tàn về quê rồi đi bệnh viện khám mới biết mình đã mắc HIV giai đoạn cuối. Lúc này, chị B cùng 2 con trai là Nguyễn Hữu Ph (SN 1996) và Nguyễn Hữu B (SN 1998) hoảng hốt đến cơ sở y tế xét nghiệm thì kết quả cả 3 mẹ con đều bị mắc HIV. Chỉ một thời gian ngắn sau đó, anh M khuất núi. 4 năm sau, 2 đứa con dại của vợ chồng anh cũng đội tang mẹ khi tuổi đời còn rất nhỏ. Từ đó, bà Lớn phải thay vợ chồng con trai tần tảo nuôi 2 đứa cháu mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

"Mấy ngày ni trời rét, thân thể tui đau nhức nên không mần chi ra tiền. Hai đứa cháu mắc bệnh hiểm, áo quần không đủ ấm, tui trông mà chảy nước mắt"- bà Lớn nói nghẹn lời. Hiện 2 đứa cháu của bà Lớn một đứa học lớp 10, đứa còn lại học lớp 8. "Tụi cháu muốn được kéo dài sự sống và tiếp tục học chữ để sau ni kiếm được việc làm phụng dưỡng bà. Nhưng hoàn cảnh như ri không biết ngày mai sẽ ra sao" - em Nguyễn Hữu Ph tâm sự với cặp mắt đỏ hoe.

Nỗi đau lan rộng

Cái chết của vợ chồng anh M là những cái chết vì "ết" đầu tiên ở Vinh Xuân. Sau ngày cặp vợ chồng nghèo này khuất núi, hàng loạt gia đình có người đi Lào làm thuê ở xã biển này mới giật mình lo lắng. Rồi họ hoang mang khi thấy người thân của mình sau một thời gian xuất ngoại trở về với thân thể tàn tạ vì đau ốm, uống đủ loại thuốc vẫn không khỏi. Những triệu chứng ấy giống vợ chồng anh M trước ngày tạ thế nên nhiều gia đình khuyên người thân của mình đi xét nghiệm. Kết quả xét nghiệm khiến nhiều gia đình đau đớn, tuyệt vọng.

Bên tuyến tỉnh lộ chạy qua thôn Xuân Thiên Hạ, có một ngôi nhà cấp bốn xập xệ đóng cửa kín mít. Một ông cụ chống gậy bước khập khiễng trên đường, nói ngôi nhà này bỏ hoang nhiều năm rồi. "Đó là nhà anh Phạm Ch, cả vợ lẫn chồng đều đã chết vì "ết", con cái phiêu bạt mỗi đứa một nơi" - ông cụ kể bằng giọng ngắt quãng sau tiếng thở dài. Cũng như rất nhiều đàn ông trong thôn, anh Ch phải sang Lào kiếm miếng ăn cho gia đình. Sau một thời gian nai lưng làm thuê nơi đất khách, anh Ch trở về quê với thân thể tiều tụy, lở loét.

Nghĩ chồng đổ bệnh do lao lực quá sức, chị Võ Thị L - vợ anh, mua đủ loại thuốc men cho chồng nhưng vô ích. Nghe tin một số người ở xã xuất ngoại làm thuê trở về bị mắc "ết" vì quan hệ với gái mại dâm, chị L đưa chồng đi khám thì kết quả chồng chị bị mắc HIV giai đoạn cuối. Nỗi đau gấp bội khi sau đó kết quả xét nghiệm cho thấy chị L bị nhiễm HIV từ chồng mình. Cách đây 4 năm, sau khi chồng qua đời một thời gian ngắn, chị L cũng bị căn bệnh thế kỷ vật ngã. Phải đội tang cha mẹ khi tuổi đời còn nhỏ và trước sự kỳ thị của hàng xóm, 3 người con của vợ chồng anh Ch bỏ quê đi biệt xứ.

Cạnh nhà anh Ch là ngôi nhà của anh Phạm S - em ruột anh Ch. Ngôi nhà này từ nhiều năm nay chỉ có 2 đứa trẻ và một bà cụ 82 tuổi sinh sống. Anh S cũng chết vì mắc "ết" như anh trai mình sau khi sang Lào làm thuê. Sau ngày anh S chết, vợ anh là chị Hồ Thị Th cùng người con gái đầu bỏ quê đi biệt xứ, để lại hai đứa con nhỏ và bà mẹ chồng đã già nua.

Ngoài các trường hợp chết vì "ết" như vợ chồng anh Ch, anh S, ông Nguyễn Ngọc Từ - Trưởng thôn Xuân Thiên Hạ còn kể cho chúng tôi nhiều trường hợp khác ở thôn đã qua đời vì căn bệnh thế kỷ sau khi xuất ngoại làm thuê. "Đến nay thôn đã có 7 trường hợp chết vì HIV trong số hơn 10 trường hợp mắc bệnh. Những trường hợp mắc "ết" ở đây chúng tôi chủ yếu nắm được khi họ tử vong" - ông Từ cho biết. Lần theo sự chỉ dẫn của ông Từ, chúng tôi chứng kiến nhiều gia đình khánh kiệt, ly tán vì căn bệnh thế kỷ ở thôn. Tại các thôn Kế Võ, Xuân Thiên Thượng… cũng có nhiều người mắc và chết vì HIV/AIDS do xuất ngoại làm thuê.

Tiến thoái lưỡng nan

Nói về nguyên nhân khiến người dân ở thôn ồ ạt xuất ngoại làm thuê để rồi nhiều người rước căn bệnh thế kỷ về quê, ông Nguyễn Ngọc Từ bảo mọi chuyện bắt đầu từ việc cuộc sống ở quê quá khó khăn. "Ruộng đất ở đây ít ỏi và toàn là cát bạc màu, bị nhiễm mặn, đã vậy việc sản xuất phụ thuộc hoàn toàn vào thiên nhiên vì không có công trình thủy lợi. Nghề biển cũng không sống được nên kinh tế bà con rất khó khăn. Vì rứa mà hiện toàn thôn có khoảng 500 người sang Lào và vào các tỉnh miền Nam kiếm sống" - ông Từ nói.

"Sự khắc nghiệt của thiên nhiên khiến người dân nơi đây không thể vươn lên bằng sản xuất nông nghiệp. Phong trào ly hương giúp nhiều gia đình có cái để đắp đổi qua ngày nhưng cũng kéo theo rất nhiều hệ lụy đau lòng" -

Người dân ồ ạt ly hương mưu sinh khiến thôn Xuân Thiên Hạ cũng như các thôn khác của xã Vinh Xuân nhiều năm nay chủ yếu còn lại người già, phụ nữ và trẻ nhỏ. Nhiều người già, phụ nữ ở đây kể trong nước mắt rằng việc chồng con tần tảo nơi đất khách quê người khiến họ luôn lo lắng đến mất ăn mất ngủ.

"Không lo sao được khi mà hàng loạt người dân địa phương, trong đó có chồng tui, sau một thời gian phiêu bạt xa xứ đã trở về quê với căn bệnh thế kỷ và làm lây lan sang vợ con mình" - chị Phạm Thị T (thôn Xuân Thiên Hạ) - người có chồng vừa qua đời vì "ết" sau khi sang Lào làm thuê - tâm sự.

Ông Trần Văn Đê - Chủ tịch UBND xã Vinh Xuân cho biết, phong trào người dân trên địa bàn đi làm thuê nơi xa, nhất là sang Lào, có từ năm 1990 và rộ lên những năm 2006 trở lại đây. Đến thời điểm hiện tại, toàn xã có gần 3.000 người ly hương làm thuê, chiếm hơn 1/3 dân số của xã. Từ khi người dân đổ xô ly hương kiếm sống, nhất là đi Lào, trên địa bàn xã xuất hiện nhiều người mắc và chết vì HIV. Đến thời điểm hiện tại, theo số liệu mà xã nắm được, địa phương đã có 14 người mắc HIV, trong đó rất nhiều người đã tử vong.