Dân Việt

Lại điệp khúc đòi tăng giá điện

10/05/2013 06:38 GMT+7
(Dân Việt) - Nếu không tăng giá điện thì không thể đảm bảo được an ninh năng lượng quốc gia, không thể thu hút được đầu tư vào ngành điện... "Điệp khúc" này lại một lần nữa được gióng lên...

"Điệp khúc" này lại một lần nữa được gióng lên tại diễn đàn về năng lượng do Bộ Công Thương, Hiệp hội Năng lượng VN tổ chức tại Hà Nội, hôm qua (9.5).

Ông Trần Viết Ngãi- Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng VN một lần nữa khẳng định rằng, giá điện, than, khí của VN hiện đang quá thấp so với giá thế giới. Giá điện thế giới từ 8-9 cent, trong khi giá điện của VN chưa đến 6 cent/kWh. Giá thành cao, trong khi giá bán thấp nên EVN lỗ "triền miên", lũy kế đến nay đã lên đến 40.000 tỷ đồng, không có khả năng trả.

img
Theo nhiều chuyên gia, thiếu vốn đến mức ngành điện đòi tăng giá là vô lý (ảnh minh họa).

Không đồng tình với ý kiến này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong nói thẳng: Giá điện bình quân mà các hộ gia đình VN phải trả hiện nay không hề thấp, và càng không thấp nếu so sánh cả mức sống của người dân VN với nhiều nước so sánh. Ông Phong nói: "Chưa bao giờ giá điện giảm mà chỉ có tăng đã cho thấy giá điện VN rất "bất cập", trong khi giá cả khác trên thị trường cả trong nước và quốc tế đều có lúc lên lúc xuống.

Ông Vũ Xuân Thuyên-chuyên gia cao cấp Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng: Nếu cứ giá điện của ta thấp hơn giá thế giới là tăng lên thì cần gì quy định, quyết định nào của Chính phủ và các bộ ngành. Giá điện cần phải được xem xét trên tổng thể trong nền kinh tế, đời sống của cả xã hội, không phải cứ nói thấp một cách thiếu căn cứ là tăng lên.

Theo ông Phong, giá điện trung bình mà người tiêu dùng phải trả hàng tháng hiện nay khoảng 2.000-2.500 đồng/kWh, tương đương tới 9 - 10 cent/kWh và hơn thế chứ không phải gần 6 cent như tính toán của ngành điện và các tổ chức, bộ ngành liên quan. "Người ta đã lấy giá tiền của 50 kWh đầu tiên để tính giá điện bình quân mà người tiêu dùng phải trả là chưa đầy đủ và trung thực, nên "cái giá 6 cent/kWh" thực ra chỉ được tính cho 50kWh đầu tiên. Trong khi, rất ít có gia đình chỉ dùng 50kWh trong mỗi tháng.

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cũng cho rằng, vì để có vốn đầu tư mà "đòi" tăng giá điện là không hợp lý trong tình hình hiện nay. Ngành nào cũng vậy, không riêng gì ngành điện muốn đầu tư, họ phải dùng vốn tự có, vốn tích lũy từ tiết kiệm hoặc vay ngân hàng… "Ngành điện đang độc quyền lại đòi tăng giá điện để có điều kiện tăng vốn tích lũy và đầu tư, thu hút đầu tư là khó chấp nhận"-ông Doanh nói.

Tại diễn đàn này, các ý kiến vẫn cho rằng, giá điện, than, khí đều phải được điều chỉnh tăng lên nữa thì mới đảm bảo được năng lượng cung ứng cho nền kinh tế. Ông Ngãi đưa một ví dụ, Tập đoàn Than - Khoáng sản VN được giao đầu tư 4 dự án điện theo quy hoạch điện 7, nhưng đang phải "bó tay" do không có vốn đầu tư. "Ngành than đang bên bờ vực thẳm"- ông Ngãi ví von. Bởi hiện than lộ thiên đã khai thác hết, giờ chỉ còn than ở độ sâu 400-500m, khai thác được thì chi phí rất lớn. Than xuất khẩu giờ cũng khó vì không ai mua và chỉ bán được cho Trung Quốc với giá giảm bằng 1/2 trước kia.

Ngành dầu khí cũng chỉ có vài dự án điện có tiến độ tương đối tốt, còn lại nhiều dự án cũng đang khó khăn về vốn. Với tình trạng thiếu 2,4 tỷ kWh cho mùa khô như hiện nay, nếu không có các dự án điện khí để "cứu nguy" thì toàn khu vực ĐBSCL và miền Nam sẽ "gay go".