Trong khi đó, giá tôm thẻ chân trắng, tôm sú nuôi thâm canh vẫn không tăng và chưa bằng phân nửa giá tôm biển nuôi quảng canh.
Giá tôm nuôi thâm canh thường thấp hơn nhiều so với nuôi quảng canh. Ảnh: Thái Phương
Tuy nhiên, muốn bán được giá đó thì nông dân phải thu hoạch sao cho tôm không bị chết khi bán. “Chỉ cần đặt lú là bắt được tôm sống, tươi rói và muốn bắt cỡ tôm nào thì lựa chọn cỡ lưới tương xứng. Sáng nay, tôi đặt được hơn 5kg tôm loại 13 con/kg, bán gần 2 triệu đồng. Nói thiệt nuôi tôm cả 20 năm nay mới bán được giá đó” - anh Nguyễn Văn Êm ở xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú phấn khởi.
Tuy tôm sú quảng canh hiện giá cao “kỷ lục” như vậy và trong thời gian thu hoạch vụ 1 của năm nhưng sản lượng thu hoạch không nhiều. Bởi, nếu nuôi tôm sú phải chăm sóc gần 5 tháng, dài gấp đôi tôm thẻ chân trắng và kéo dài như thế sẽ dễ gặp rủi ro trong điều kiện thời tiết, biến đổi khí hậu thất thường.
Theo một số thương lái, sở dĩ giá tôm cao như vậy là do nhu cầu chủ yếu từ các nhà hàng, ẩm thực. “Họ chỉ chọn mua tôm sống trong môi trường có oxy. Trong khi đó hầu hết dân miền biển thả tôm thẻ chân trắng nên muốn mua nhiều cũng không có mà mua. Khó khăn nữa là mỗi lần đi mua phải mang theo cả dụng cụ rọng tôm bằng oxy nên dù có nhiều tôm cũng không mua xuể” - ông Dương Văn Thơ, thương lái tại huyện Thạnh Phú cho hay.
Thông tin từ Sở NNPTNT, toàn tỉnh Bến Tre có hơn 35.000ha diện tích mặt nước được quy hoạch nuôi tôm, tổng sản lượng hơn 50 ngàn tấn/năm. Tuy nhiên, phần lớn người dân chọn nuôi tôm thẻ chân trắng.
“Hiện nay, chúng tôi đang cố gắng hỗ trợ để nông dân quay lại với mô hình nuôi tôm biển quảng canh, xen canh với lúa, phát triển diện tích nuôi tôm rừng. Dùng các kỹ thuật như nuôi tôm 2 giai đoạn, hỗ trợ nông dân chọn giống có chất lượng… nhằm giúp tăng năng suất từ 250kg/công/năm hiện nay lên 350kg/công/năm. Đồng thời, giúp nông dân tiếp cận thị trường tiêu thụ tốt thông qua việc xây dựng các chuỗi giá trị liên kết bền vững”, ông Nguyễn Văn Buội - Phó Giám đốc Sở cho biết.