Tăng giá bán bia, Sabeco lãi hơn 1.100 tỷ sau 3 tháng
Thu nghìn tỷ nhờ tăng giá bán bia
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý I.2017 vừa được Tổng CTCP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) công bố, trong quý I.2017, doanh thu thuần của công ty đạt 7.478 tỷ đồng, tăng 4.8% so với cùng kỳ năm 2016.
Ở chiều ngược lại, giá vốn hàng bán của Sabeco trong quý I.2017 cũng giảm hơn 250 tỷ đồng, từ 5.227 tỷ đồng trong quý I.2016 xuống còn 4.972 tỷ đồng, tương đương mức giảm 4.8%.
Hai yếu tố kể trên giúp lãi gộp của công ty đạt gần 2.506 tỷ đồng, tăng 32% so với con số 1.906 tỷ đồng cùng kỳ năm trước.
Ngoài ra, mức tăng 47% từ doanh thu tài chính trong khi chi phí tài chính giảm 44% so với cùng kỳ quý I năm 2016 cũng mang về cho Sabeco 133 tỷ đồng lợi nhuận, hơn hẳn mức 78 tỷ đồng cùng kỳ năm trước do Sabeco thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank.
Công ty liên doanh liên kết cũng mang về gần 29 tỷ đồng lợi nhuận, gấp 4,5 lần so với cùng kỳ năm 2016. Tương tự, một số hoạt động khác cũng mang về cho Sabeco 13,3 tỷ đồng lợi nhuận.
Dù chi phí bán hàng trong quý I.2017 của Sabeco đã tăng tới 73%, từ 619 tỷ đồng lên 1.071 tỷ đồng, do chi phí vận chuyển bốc vác tăng 375 tỷ đồng so với cùng kỳ. Ngoài ra, chi phí quảng cáo, tiếp thị tăng thêm 38 tỷ đồng, lên 361 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí quản lý doanh nghiệp cũng tăng thêm 10%, từ 148 tỷ đồng lên 163 tỷ đồng.
Tuy nhiên, Sabeco vẫn đạt lãi ròng 1.126,78 tỷ đồng, tăng hơn 18% so cùng kỳ 2016. Sau khi trừ đi các chi phí phát sinh trong kỳ và thuếp phải nộp, lợi nhuận sau thuế của Sabeco đạt 1.188 tỷ đồng, tăng 21% so với cùng kỳ quý I.2016.
Theo văn bản giải trình kết quả kinh doanh được Sabeco gửi tới Ủy ban chứng khoán Nhà nước và Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, doanh thu và doanh thu thuần trong quý tăng do có sự thay đổi về cơ cấu sản phẩm tiêu thụ và điều chỉnh tăng giá bán sản phẩm từ ngày 1.1.2017.
Mức tăng đột biến của doanh thu hoạt động tài chính cũng được phía Sabeco lý giải do công ty thực hiện thoái vốn khỏi Eximbank và ghi nhận cổ tức của các công ty con trong hệ thống.
Với kế hoạch lãi sau thuế 4.703 tỷ đồng, hiện Sabeco đã hoàn thành 25% chỉ tiêu đề ra.
Dấu hỏi những khoản đầu tư ngoài ngành
Báo cáo tài chính của Sabeco cho thấy, công ty có hơn 4.100 tỷ đồng đầu tư tài chính, công ty đã phải trích lập dự phòng hơn 462 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều khoản đầu tư vào các ngân hàng, công ty chứng khoán có nguy cơ thua lỗ.
Khoản trích lập dự phòng đầu tư ngoài ngành của Sabeco là hơn 490 tỷ đồng
Nổi bật trong số đó là khoản đầu tư 216,5 tỷ đồng vào Ngân hàng thương mại Cổ phần Phương Đông (OCB) đang khiến Sabeco phải trích lập dự phòng tới 154 tỷ đồng, chiếm trên 70% tổng số tiền đầu tư.
Tiếp đó, Sabeco cũng đang phải trích lập dự phòng tới 111 tỷ đồng sau khi đầu tư 136,2 tỷ đồng cho Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đông Á (DongA Bank).
Ngoài ra, Sabeco cũng đã đầu tư 52 tỷ đồng vào Quỹ đầu tư Chứng khoán Sài Gòn A2, và hiện đang phải trích lập dự phòng 33,7 tỷ đồng.
Tại Quỹ đầu tư Việt Nam đã trích lập 22 tỷ đồng dự phòng, chiếm hơn 43% số tiền đầu tư vào quỹ này. Sabeco cũng đầu tư 45 tỷ đồng vào Công ty chứng khoán Đại Việt và hiện đã dự phòng thua lỗ gần 16 tỷ đồng.