Dân Việt

Chính sách hỗ trợ xây nhà cho người có công: Nhiều hộ không dám nhận

10/05/2013 09:10 GMT+7
(Dân Việt) - Đó là thực trạng đang diễn ra ở nhiều địa phương khi người có công được hỗ trợ xây, sửa nhà ở theo Quyết định số 22/2013/QĐ-TTg.

Cái ăn còn thiếu

Ông Nguyễn Tứ (82 tuổi) ở xóm 1, thị trấn Vũ Quang (huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh) rưng rưng khi biết thông tin được hỗ trợ xây nhà. Ông nói: “Con trai tôi là Nguyễn Đình Thái (SN 1965) đi bộ đội làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào, đã hy sinh và được Nhà nước công nhận liệt sĩ. Giờ tôi già cả không thể làm được ruộng, sống nhờ tiền tuất liệt sĩ 1,1 triệu đồng/tháng. Cái ăn đang thiếu nói chi xây nhà”.

img 
Ông Nguyễn Tứ trước căn nhà có tuổi thọ gần 30 năm.

Căn nhà ông Tứ ở là nhà cấp 4 tuềnh toàng, làm từ năm 1986. Khi vợ ông còn sống, gia đình đã mong mỏi sửa lại được căn nhà nhưng chưa thực hiện được. Nghe thông tin được hỗ trợ, ông mừng lắm. “Nhưng khi biết số tiền được hỗ trợ xây nhà là 40 triệu đồng, còn sửa lại nhà là 20 triệu đồng thì tôi nghĩ mình khó được hưởng chính sách này. Vì bây giờ giá vật liệu cao, trong khi tiền dành dụm không có thì tôi không làm nổi”- ông Tứ giãi bày.

Theo Bộ Xây dựng cả nước hiện có tổng số 71.250 hộ gia đình chính sách cần hỗ trợ về nhà ở, có khoảng 49.870 hộ cần được hỗ trợ xây dựng mới nhà ở và khoảng 21.380 hộ cần được hỗ trợ sửa chữa nhà ở. Nguồn vốn ngân sách sẽ chi khoảng 2.423 tỷ đồng, trong đó ngân sách T.Ư bố trí khoảng 2.217 tỷ đồng, ngân sách địa phương bố trí khoảng 206 tỷ đồng. Quyết định có hiệu lực thi hành từ 15.6.

Ông Trần Việt Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Quang cho biết: Toàn huyện hiện có 189 trường hợp thuộc đối tượng người có công khó khăn về nhà ở. Điều đáng lo là đa số người có công có hoàn cảnh khó khăn, già yếu, bệnh tật không có điều kiện phát triển kinh tế, vì vậy nếu được hỗ trợ 20 - 40 triệu đồng mà không có nguồn nào ủng hộ thêm thì rất khó làm và sửa sang lại nhà.

Ông Nguyễn Đình Tuấn- Chủ tịch UBND xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh cũng chia sẻ: “Xã có đến 10 trường hợp là gia đình người có công cần làm nhà ở, các trường hợp này già cả neo đơn, bệnh tật. Trước Quyết định 22, Chính phủ cũng đã có nhiều chính sách hỗ trợ kinh phí nhưng họ không thể làm nổi. Vì vậy hàng năm xã kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp tài trợ xây nhà cho các đối tượng, nhưng con số này không được nhiều”.

Tại Quảng Trị, theo thống kê của Sở LĐTBXH cũng còn tới 1.247 gia đình chính sách thuộc diện cần được hỗ trợ, trong đó nhiều hộ sống ở những vùng thường xuyên bị ngập lũ và định cư ở các vùng sâu, vùng xa, nhà ở tạm bợ không đảm bảo khi gặp mưa bão. Những ngôi nhà này muốn sửa, cải tạo thì chi phí khá lớn nên nhiều gia đình dù trước kia có chính sách hỗ trợ cũng đành chịu vì không lo nổi số tiền còn lại.

Ông Hoàng Tuấn Anh - Phó Giám đốc Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Trị, cho biết: "Hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng là việc chúng tôi trăn trở bấy lâu nay. Hiện Quyết định 22 đã có mức hỗ trợ khá cao nhưng với nhiều gia đình, việc lo khoản tiền còn lại là khó khăn. Thời gian tới, Ban Quản lý Quỹ "Đền ơn đáp nghĩa" sẽ nỗ lực huy động mọi nguồn lực trong tỉnh và bên ngoài nhằm nhanh chóng hoàn thành công tác xây dựng nhà ở cho người có công”.

Cần sự chung tay, góp sức

Thực tế, trước Quyết định 22, Chính phủ đã có chính sách hỗ trợ xây nhà ở cho người có công với mức hỗ trợ từ 7-10 triệu đồng/hộ (chưa kể các khoản vay ưu đãi, tiền hỗ trợ của MTTQ, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa). Ngoài ra, các tỉnh cũng đã có những chính sách riêng hỗ trợ người có công trong tỉnh. Chẳng hạn như tại Quảng Nam, mỗi hộ gia đình chính sách nghèo đã được hỗ trợ tới 35 triệu đồng để xây nhà.

Ông Trần Văn Chiến-Trưởng phòng Người có công của Sở LĐTBXH tỉnh Quảng Nam, cho biết: “Đây là quyết định của UBND tỉnh Quảng Nam. Theo quyết định này, ngân sách hỗ trợ xây nhà mới cho người có công ở miền núi, hải đảo là 35 triệu đồng/nhà, ở đồng bằng 30 triệu đồng/nhà; sửa chữa nhà ở miền núi 18 triệu đồng/nhà, đồng bằng 15 triệu đồng/nhà.

Hiện chúng tôi đã hoàn thành giai đoạn I, xây mới được 2.568 nhà, sửa chữa 2.014 nhà, với tổng kinh phí đầu tư trên 96 tỷ đồng. Tỉnh đang chuẩn bị triển khai tiếp giai đoạn II thì nhận được thông tin từ Quyết định 22 của Chính phủ, nên việc thực hiện theo đề án của UBND tỉnh Quảng Nam đã dừng lại” - lời ông Chiến.

Được biết, số nhà người có công cần phải xây dựng và sửa chữa theo Quyết định 22 tại Quảng Nam là gần 15.000 nhà. “Chúng tôi sẽ tổ chức khảo sát thêm và báo cáo cụ thể số lượng nhà cho UBND tỉnh để việc triển khai thuận lợi hơn” - ông Chiến cho biết thêm.

Theo Bộ Xây dựng - cơ quan trình Chính phủ chính sách này thì các tỉnh khó khăn sẽ được ngân sách trung ương hỗ trợ 100% theo mức quy định. Và như vậy, UBND tỉnh có thể “rộng tay” hơn một chút khi huy động các nguồn lực hỗ trợ thêm. Với các tỉnh còn lại, ngân sách trung ương hỗ trợ từ 80-95% số tiền theo chính sách.

Ông Nguyễn Hùng Phong - Phó Chủ tịch thường trực Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam rất hoan nghênh quy định này. Theo ông Phong, những gia đình người có công chưa thể làm được nhà thì phần lớn do tuổi cao, bệnh tật, không có tiền tích lũy. “Ngân sách T.Ư hỗ trợ 80-100% thì địa phương sẽ nhẹ gánh để giúp các gia đình chính sách huy động nốt phần còn lại, bên cạnh đó còn có sự hỗ trợ của các Mạnh Thường Quân. Có vậy chính sách mới đạt hiệu quả nhân văn của nó.