Triều Tiên đã xây dựng mối quan hệ cân bằng với Nga và Trung Quốc trong nửa thập kỷ qua. Ảnh minh họa.
Theo Reuters, khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un gửi thiệp chúc mừng năm mới âm lịch năm nay, tấm thiệp đầu tiên được gửi đến Tổng thống Nga Vladimir Putin, chứ không phải nhà lãnh đạo Trung Quốc .
Cách đây vài ngày, trong một động thái hiếm hoi, Triều Tiên đã công khai chỉ trích đích danh Trung Quốc thay vì chỉ bóng gió là "nước láng giềng" như các lần chỉ trích trước đây. Theo bài viết đăng tải bởi hãng thông tấn Triều Tiên (KCNA), Trung Quốc gần đây có dấu hiệu làm tổn hại đến lợi ích chiến lược của Triều Tiên khi ngày càng xích lại gần hơn với Mỹ.
“Một chuỗi những hành động ngớ ngẩn và liều lĩnh của Trung Quốc càng làm cho tình hình trở nên căng thẳng và xấu đi nhanh chóng”, KCNA viết. “Trung Quốc tốt nhất là nên nghĩ đến những hậu quả thảm khốc vì hành động làm xói mòn nền tảng của quan hệ đồng minh Triều Tiên-Trung Quốc”.
Trong bối cảnh đó, Nga nổi lên trở thành đối tác hàng đầu giúp Triều Tiên vượt qua khó khăn khi bị cộng đồng quốc tế cô lập.
Theo Reuters, nếu như Trung Quốc có dấu hiệu lắng nghe Mỹ để hạn chế việc xuất khẩu dầu mỏ sang Triều Tiên, Nga nổi lên trở thành đối tác thay thế tiềm năng.
Nga đang là đối tác thay thế Trung Quốc cung cấp nhiên liệu cho các máy bay ở Triều Tiên.
Moscow đã xuất sang Triều Tiên 36.000 tấn sản phẩm từ dầu mỏ trong năm 2015. Con số này vẫn còn khiêm tốn so với mức 270.000 tấn từ Trung Quốc nhưng mọi chuyện có thể thay đổi, Reuters cho biết.
Nga đã trở thành đối tác hàng đầu trong việc cung cấp nhiên liệu cho máy bay ở Triều Tiên, sau khi Trung Quốc ngừng các hoạt động này hai năm trước.
Theo Reuters, Nga vẫn đang tích cực vận chuyển một lượng lớn dầu mỏ từ Vladivostok đến các cảng biển phía đông Triều Tiên.
Bên cạnh đó, một dịch vụ phà hoạt động vào tuần tới được kỳ vọng sẽ vận chuyển 200 hành khách và 1.000 tấn hàng hoá 6 lần một tháng giữa Triều Tiên và cảng Vladivostok của Nga.
Đầu năm nay, các quan chức chính phủ Nga đã thăm Bình Nhưỡng để thảo luận về hợp tác trong vận tải đường sắt. Một tuyến đường sắt do Nga xây dựng kết nối thị trấn biên giới phía đông Nga là Khasan và cảng Rajin của Triều Tiên đã được sử dụng để chở than đá, kim loại và các sản phẩm từ dầu mỏ.
“Triều Tiên không lo ngại việc Trung Quốc gia tăng cấm vận vì vẫn còn có Nga ở bên”, Leonid Petrov, một chuyên gia về Triều Tiên tại Đại học Quốc gia Úc nói.
Ông Petrov nói thêm: “Bình Nhưỡng đã xây dựng mối quan hệ cân bằng với cả Bắc Kinh và Moscow trong nửa thập kỷ qua, để hai nước này cạnh tranh với nhau giành tầm ảnh hưởng với Triều Tiên”.
Cố lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-il gặp Tổng thống Vladimir Putin tại Vladivostok năm 2002.
Khu vực Vladivostok của Nga là nơi có cộng đồng người Triều Tiên ở nước ngoài sinh sống đông nhất trên thế giới. Họ thường gửi về quê hương số ngoại tệ lên tới hàng ngàn USD mỗi tháng.
Một người đàn ông Triều Tiên sống ở Vladivostok chia sẻ với Reuters rằng, anh ta đã ở đây 11 năm và chỉ thỉnh thoảng mới về thăm vợ con. Mỗi tháng, anh ta gửi về nhà khoảng 500 USD.
Giống như những người Triều Tiên yêu nước khác, người đàn ông này đeo huy hiệu khắc hình cố lãnh tụ Kim Nhật Thành trên ngực áo. “Ít nhất là ở đây, tôi có thể kiếm ra tiền gửi về gia đình”.
Cho đến nay, Nga vẫn phớt lờ lời kêu gọi cắt đứt quan hệ tài chính với Triều Tiên của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Moscow cũng dùng quyền phủ quyết ở Liên Hợp Quốc ngăn chặn những dự thảo gây bất lợi cho Bình Nhưỡng.
Samuel Ramani, chuyên gia về Nga tại Đại học Oxford nhận định, hỗ trợ Bình Nhưỡng cũng mang lại lợi ích cho chính Moscow. Điều này phản ánh “Nga là đối tác trung thành với các quốc gia chống lại tầm ảnh hưởng từ phương Tây”.
"Nga có mối liên hệ kinh tế chặt chẽ với các nước khác có mâu thuẫn với phương Tây, như Iran, Venezuela và Syria. Do đó, mối quan hệ Nga-Triều Tiên mang ý nghĩa biểu tượng chiến lược", ông Ramani nói thêm.
Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết ngày 4.5 rằng Triều Tiên vừa có một tuyên bố “hiếm gặp” khi trực tiếp chỉ trích...