Dân Việt

Khắp nơi cầu cứu giải cứu thịt lợn, Hà Tĩnh còn tồn hơn 43.500 con

Quỳnh Nga- Lam Khê- Dũ Tuấn 07/05/2017 13:15 GMT+7
Gần 3 tháng nay người chăn nuôi lợn ở Hà Tĩnh “dở khóc, dở cười” vì giá cả rơi không phanh. Không ít hộ chăn nuôi phải tự mổ lợn để bán với hy vọng vớt vát được phần nào. Riêng tỉnh Hà Tĩnh hiện còn tồn tới 43.500 con lợn thương phẩm trong chuồng chưa xuất được.

Tại thời điểm này, giá lợn hơi trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh liên tục giảm mạnh. Cụ thể, giá lợn giảm từ 48.000 đồng/kg xuống còn 30.000 đồng/kg (đối với lợn siêu nạc) và từ 45.000 đồng/kg xuống còn 23.000 đồng/kg (đối với lợn cỏ). Giá lợn hơi giảm đã ảnh hưởng không nhỏ đến chăn nuôi của bà con nông dân, nhất là các hộ nuôi nhỏ lẻ.

img

Đàn lợn đến thời kỳ xuất chuồng chưa tiêu thụ được của chị Bùi Thị Ngân ở xóm Kỳ Sơn, xã Thạch Đài. Ảnh: Quỳnh Nga

Đầu năm 2016, chị Bùi Thị Ngân ở xóm Kỳ Sơn, xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà cùng 10 hộ dân trong xóm đầu tư trang trại chăn nuôi khép kín, có xây hầm biogas với quy mô nuôi 100-200 con. Trao đổi với phóng viên chị Ngân buồn rầu: “Gia đình tôi vay hơn 200 triệu đồng đầu tư chuồng trại, mới đầu nuôi giá cả ổn định. Chưa được bao lâu thì giá lợn hơi “rớt” còn 23.000 đồng/kg. Lứa này gia đình tôi mua 100 con lợn giống, mỗi con từ 1,4-1,6 triệu đồng, sau 5 tháng nuôi mỗi con bán được chưa đầy 2 triệu đồng. Tính ra trung bình 1 con gia đình tôi lỗ 1 triệu đồng”.

Còn anh Võ Văn Hợi (53 tuổi) ở xóm Yên Thành, xã Cẩm Yên, huyện Cẩm Xuyên cho biết: “Gần 3 tháng nay tôi phải cho lợn ăn cầm chừng. Giá lợn rớt thảm nhưng giá thức ăn không giảm người gia đình tôi gặp khó khăn, nợ ngân hàng hơn 100 triệu nay lại nợ tiền cám hơn 80 triệu đồng”.

Theo các hộ chăn nuôi, hiện giá lợn giảm thương lái không thu mua hoặc có mua giá rất thấp, khiến nhiều hộ nuôi lợn đành làm việc bất đắc dĩ là tự mổ lợn đưa đi bán hy vọng vớt vát phần nào. Chị Nguyễn Thị Hà ở xã Cẩm Quang huyện Cẩm Xuyên cho hay: “Hơn 1 tháng nay, cứ đến phiên chợ là gia đình tôi mổ lợn đưa đi bán”.

img

Nhiều hộ chăn nuôi lợn nhỏ lẻ ở huyện Thạch Hà phải tự mổ lợn đi bán hy vọng cứu vớt được phần nào. Ảnh: Quỳnh Nga

Ông Trương Quang Anh- Chủ tịch UBND xã Thạch Đài, huyện Thạch Hà cho biết: “Hiện nay, trên địa bàn xã có gần 1.000 con lợn của các hộ dân nuôi nhỏ lẻ, từ 20-50 con/hộ. Trong đó, có một số hộ chăn nuôi nhiều như chị Bùi Thị Ngân, Nguyễn Thị Tam với quy mô trên 100 con. Hiện nay, giá lợn đang rớt giá sâu đã ảnh hưởng lớn đến nhiều hộ chăn nuôi”.

Bà Nguyễn Thị Tâm ở xóm Kỳ Sơn, xã Thạch Đài cho biết: “Lợn đến kỳ xuất chuồng nhưng không thấy thương lái ngó ngàng gia đình tôi như ngồi trên đống lửa đành phải mổ lợn mang ra chợ nhờ bà con mua giúp. Đây là giải pháp cực chẳng đã mới phải làm may ra vớt vát được phần nào”.

Theo ông Đặng Ngọc Sơn- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh: Thời điểm này, tổng đàn lợn thịt đến kỳ xuất chuồng trên địa bàn toàn tỉnh Hà Tĩnh khoảng hơn 80.000 con, trong đó tồn đọng ở cơ sở chăn nuôi gia công quy mô lớn là 43.500 con lợn thương phẩm và 40.000 con từ cơ sở chăn nuôi quy mô vừa và nhỏ. 

"Trước khó khăn của người chăn nuôi lợn tỉnh Hà Tĩnh đã tìm giải pháp tiêu thụ cho người chăn nuôi, ngoài kêu gọi doanh nghiệp tiêu thụ thì tỉnh yêu cầu các huyện thị sớm có chính sách “giải cứu” bằng cách thành lập các cửa hàng  tiêu thụ thịt lợn"- ông Sơn cho biết.

Trong khi đó, tại Bình Định- nơi có đàn lợn đứng thứ 5 trên toàn quốc với số lượng trên 850.000 con, giá lợn hiện cũng chỉ giảm quanh mức 20.000 đồng/kg hơi. Trước thực trạng này, tỉnh Bình Định đang lên “chiến dịch” giúp nông dân “giải cứu” thịt lợn.

Ông Phan Trọng Hổ- Giám đốc Sở NNPTNT Bình Định cho biết: “Trên cơ sở Chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Sở NNPTNT Bình Định đã đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các Sở, ngành, tổ chức hội đoàn thể và địa phương có giải pháp khẩn cấp, triển khai hỗ trợ tiêu thụ thịt lợn cho người chăn nuôi gặp khó khăn…”.

img

 Tỉnh Bình Định sẽ xây dựng khoảng 36 điểm bán thịt lợn bình ổn giá để giải quyết khó khăn trước mắt cho người chăn nuôi. Ảnh: Dũ Tuấn

Theo ông Hổ, hiện nay Bình Định là tỉnh có đàn lợn đứng thứ 5 trên toàn quốc với tổng đàn khoảng trên 850.000 con. Thế nhưng, giá heo hơi lại đang giảm ở mức bình quân 20.000 đồng/kg (giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm trước-PV) trong khi đó, xuất hiện tình trạng 1 số xe tải chở heo từ các tỉnh phía Bắc vào Bình Định và lấy thương hiệu của huyện Hoài Ân (Bình Định) để bán ra thị trường, điều này khiến người nông dân gặp khó khăn.

“Bất hợp lý là giá heo hơi bình quân chỉ khoảng 20.000 đồng/kg nhưng giá thịt lại ở mức rất cao, từ 60.000-80.000 đồng/kg thịt, chênh lệnh quá lớn. Lý giải điều này, người giết mổ thì cho rằng người trung gian (tiểu thương) đi mua nâng giá, còn tiểu thương thì cho rằng cơ sở giết mổ nâng giá… Vì vậy, từ đầu tuần sau, tỉnh Bình Định sẽ xây dựng khoảng 36 điểm bán thịt lợn bình ổn giá. Bỏ qua khâu trung gian, từ trang trại, cơ sở giết mổ sẽ bán trực tiếp đến tay người tiêu dùng tại các điểm này. Vì vậy giá thịt sẽ giảm xuống, khi đó mức tiêu thụ của người dân sẽ tăng lên và giải quyết được khó khăn trước mắt cho các trang trại tồn đọng heo”- ông Hổ cho hay.

img

Giá lợn hơi chỉ ở mức 20.000 đồng/ kg, người nuôi heo tại tỉnh Bình Định đang gặp khó khăn. Ảnh: Dũ Tuấn

Trước thực trạng giá lợn xuống thấp, người chăn nuôi lâm vào cảnh thua lỗ, ông Trần Châu- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định đã yêu cầu các đơn vị liên quan, khảo sát giá lợn hơi thực tế, tính toán khung giá thành thịt heo các loại sau khi giết mổ để đưa ra quy định mức khung giá thịt lợnphù hợp. Trên cơ sở đó, Ban quản lý các chợ, các siêu thị cần công khai giá bán thịt heo tại quầy bán thịt lợn để người tiêu dùng biết, hỗ trợ mua.

UBND tỉnh Bình Định đã đề nghị các doanh trại quân đội, công an, các doanh nghiệp,  trường học… có bếp ăn tập thể quan tâm hỗ trợ, giúp người chăn nuôi tiêu thụ sản phẩm thịt heo trong bữa ăn hàng ngày. Ngân hàng Nhà nước cho chủ trương để các ngân hàng thương mại, ngân hàng chính sách xã hội có phương án khoanh nợ, giãn nợ, cho vay lãi suất ưu đãi cho người chăn nuôi.