Ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) chỉ ra những bất cập của Nghị định 202/2013/NĐ-CP (Ảnh: Quốc Hải)
Tại Hội thảo góp ý Dự thảo Nghị định về Quản lý Phân bón diễn ra sáng nay tại TP.HCM, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN&PTNT) cho biết, Nghị định 202/2013/NĐ-CP về Quản lý Phân bón đã bộc lộ nhiều bất cập, chưa đáp ứng với yêu cầu quản lý thực tế khiến cho tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xuất hiện tràn lan. Trong khi đó, phía các doanh nghiệp làm ăn chân chính cũng khổ “thấu trời” về quy trình, thủ tục.
Cụ thể, ông Trung chỉ ra 6 điểm bất cập trong quản lý phân bón theo Nghị định 202 năm 2003 gồm:
Thứ nhất là bất cập về quản lý theo tiêu chuẩn - quy chuẩn. Chính những bất cập này tạo điều kiện cho các sản phẩm phân bón phát triển ồ ạt, thiếu định hướng dẫn tới mất cân đối giữa phân bón vô cơ và hữu cơ; không kiểm soát được chất lượng, thị trường tràn lan phân bón giả, kém chất lượng, nhiều sản phẩm không công bố hợp chuẩn, hợp quy vẫn lưu thông trên thị trường… Đồng thời, do cơ chế quản lý chú trọng về hậu kiểm, lực lượng kiểm tra còn mỏng, không kiểm soát được nên số lượng các cơ sở sản xuất phân bón bùng nổ rất nhiều. Tính đến thời điểm 1.1.2017, cả nước có 6.052 sản phẩm phân bón được thống kê nhưng trên thực tế có khoảng 10.000 sản phẩm.
“Hiện nay, việc quản lý buôn bán phân bón bị buông lỏng do không quy định các cơ sở kinh doanh có giấy phép kinh doanh dẫn đến tình trạng kinh doanh phân bón tràn lan, buôn bán nhỏ lẻ bùng nổ. Đây cũng là kẽ hở gây ra tình trạng phân bón giả, kém chất lượng”, ông Trung nói.
Thứ hai là bất cập trong vấn đề khảo nghiệm. Những quy định về khảo nghiệm theo Nghị định 202 còn thiếu tính pháp lý, chưa đầy đủ. Việc đánh giá kết quả kiểm nghiệm không đảm bảo tính khách quan. Đặc biệt là tình trạng làm giả hồ sơ, số liệu kết quả kiểm nghiệm cũng tràn lan.
“Thời gian qua, chúng tôi cũng nhận được nhiều bộ hồ sơ kiểm nghiệm mà kết quả được đánh giá khá dễ dàng, không loại trừ khả năng đây đều là những bộ hồ sơ làm giả kết quả kiểm nghiệm”, ông Trung dẫn giải.
Thứ ba là bất cập trong quy định về sản xuất phân bón. Chưa nói đến các yếu tố khác, chỉ nói đến việc hiện có quá nhiều cơ sở sản xuất phân bón “mọc” ra. Theo thống kê, hiện có tới 577 cơ sở sản xuất phân bón nhưng bên Bộ Công Thương vẫn còn khoảng 150 bộ hồ sơ xin giấy phép thành lập, bên Bộ NN&PTNN cũng có chừng ấy nữa. Nếu những hồ sơ này đủ điều kiện cấp giấy phép thì sắp tới có thể chúng ta có trên 800 cơ sở, nhà máy sản xuất phân bón nữa.
Thứ tư là bất cập trong buôn bán phân bón. Về vấn đề này tôi phải thừa nhận sự bất lực của cơ quan quản lý nhà nước vì thực tế cả 2 Bộ cũng không xác định được cả nước có bao nhiêu cơ sở buôn bán phân bón.
Toàn cảnh buổi hội nghị góp ý dự thảo
Thứ năm là bất cập trong quy định về trình diễn, đặt tên sản phẩm, quảng cáo... dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp “cuốc, xẻng” lợi dụng tên tuổi các thương hiệu phân bón nổi tiếng để đặt tên gây nhầm lẫn, công dụng trên sản phẩm cũng không đúng như công bố... gây thiệt hại cho cả những DN làm ăn chân chính lẫn người nông dân.
Cuối cùng là bất cập về quy định sử dụng phân bón. Trong Nghị định 202 cũng chưa có quy định rõ ràng về nguyên tắc sử dụng phân bón khiến việc sử dụng không đúng gây ảnh hưởng đến môi trường, đất đai...
Đồng tình với 6 bất cập này, ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho hay, với sự phức tạp của thị trường phân bón hiện nay, việc xây dựng nghị định mới là vô cùng quan trọng và khi lấy ý kiến xong (trong tháng 5 này), đến tháng 6.2017 thì Bộ NN&PTNT sẽ hoàn thiện trình Chính phủ ban hành nghị định mới. Nếu được thông qua thì sẽ áp dụng ngay mà không cần chờ thông tư hướng dẫn.
“Nghị định mới dự kiến sẽ phân cấp rất mạnh về cho các địa phương, trách nhiệm quản lý nhà nước về phân bón từng cấp, ngành, cơ quan cụ thể hơn. Chẳng hạn như sẽ giao cho địa phương chịu trách nhiệm thanh tra, kiểm tra phân bón trên địa bàn và chịu trách nhiệm về tình trạng phân bón giả, kém chất lượng xảy ra trên địa bàn”, ông Doanh nhấn mạnh.