Dân Việt

Ninh Bình: Độc đáo nghề đi vớt cua đồng, mỗi ngày kiếm 500.000 đồng

Quân Phạm 08/05/2017 13:00 GMT+7
Không mất nhiều chi phí, người làm nghề bắt cua đồng ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) chỉ cần tìm khu vực sông, rãnh, ao…có cua sinh sống để bắt và đem bán cũng kiếm được nửa triệu đồng mỗi ngày.

img

Anh Nguyễn Văn Thường (37 tuổi) đang bắt cua ở dòng mương trên địa bàn xã Đồng Hướng, huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Hiện nay, một số người sống bằng nghề bắt cua đồng ở huyện Kim Sơn (Ninh Binh) đang bước vào vụ thu hoạch mới. Đầu mùa cua đồng nhiều, cộng với giá cao, mỗi ngày mỗi người đi câu có thế kiếm được mấy trăm nghìn đồng.

Nghề bắt cua đồng là nghề truyền thống của nhiều gia đình huyện Kim Sơn (Ninh Bình). Công việc này diễn ra từ đầu hè cho đến hết mùa thu. Cua tự nhiên sinh sống ở đồng, ruộng, ao… chúng chủ yếu sống ở tầng đáy và vào các buổi sáng cua mới ngoi lên mặt nước. Dựa vào đặc tính này, những “thợ” bắt cua đồng biết chọn thời điểm để bắt được nhiều cua nhất. Cách bắt cua khá đơn giản, dụng cụ là một chiếc rổ tre lớn, rồi hớt vào các chỗ có bèo tây hay cỏ dại, sau đó giũ mạnh để cho cua rơi xuống rổ.

img

 Để theo nghề bắt cua, người dân ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình) chỉ cần bỏ chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng mua một chiếc rổ tre có đường kính khoảng hơn 1,5m là có thể hành nghề và kiếm hàng trăm nghìn đồng/ngày.

Theo kinh nghiệm của những người xúc cua đồng cho biết, muốn bắt được nhiều cua, nên đi vào buổi sáng, vì cua có đặc điểm hay ngoi lên lấy ô-xy vào thời điểm này, còn buổi chiều nắng nóng cua chìm xuống đáy sông. Với việc bắt cua như vậy, nếu chịu khó trung bình một người có thể bắt được 2-5kg cua mỗi buổi sáng. Hiện giá thu mua cua dao động từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg. Tính ra, một người có thể kiếm được từ 150.000 đến 400.000 đồng/ngày, cá biệt có những người bắt giỏi được nhiều cua có thể kiếm được hơn 500.000 đồng/ngày.

img

Các con cua đồng được người dân bắt ở các kênh, mương, ao hồ về bán cho các lái buôn ở huyện Kim Sơn (Ninh Bình).

Là một “thợ” cua chuyên nghiệp ở huyện Kim Sơn, anh Nguyễn Văn Thường (37 tuổi) ở xã Đồng Hướng đã hơn 20 năm gắn bó với cái nghề độc đáo này. Anh Thường tâm sự: “Nghề bắt cua không tốn nhiều thời gian và công sức, thu nhập cũng khá cao nên tôi thường chọn đi bắt vào lúc nông nhàn để kiếm thêm thu nhập. Nhờ có nghề này, tôi có tiền thêm tiền trang trải cho cuộc sống hàng ngày và nuôi 3 con ăn học tốt hơn”.

img

Ông Trần Văn Tưởng ở huyện Kim Sơn vui mừng với thành quả sau một buổi lao động.

Bà Phạm Thị Tân, một thương lái thu mua cua đồng ở huyện Kim Sơn cho hay: “Vào những ngày mùa hè nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ cua đồng tăng mạnh. Có thời điểm tôi thu mua hàng tạ cua cũng không đủ cung cấp cho thị trường”.

Hơn 30 năm làm nghề, ông Phạm Văn Tập (55 tuổi) ở xã Kim Tân được biết đến là “thợ” cua có tay nghề cao trong vùng. Trò chuyện với chúng tôi, ông Tập bảo: “Để bắt được cua đồng, người làm nghề này có nhiều cách bắt khác nhau, nhưng cách bắt phổ biến nhất ở đây là hớt cua. Để hành nghề, người dân chỉ cần bỏ chi phí khoảng vài trăm nghìn đồng mua một chiếc rổ tre có đường kính khoảng hơn 1,5m là có thể hành nghề và kiếm ăn được rồi”.“

Mấy năm nay, cua đồng được giá, lại có thương lái đến tận nhà thu mua, nên không lo đầu ra” – ông Tập chia sẻ.