Giá hồ tiêu trong nước và thế giới đều trong xu hướng giảm từ cuối tháng 4 đến nay. Ảnh minh hoạ
Giá hồ tiêu sẽ còn biến động mạnh
Sau đợt tăng 4 ngày liên tiếp, ngày 6.5, giá hồ tiêu tại các vùng nguyên liệu lớn trong nước lại quay đầu giảm. Theo đó giá tiêu tại Tây Nguyên và Đông Nam Bộ dao động từ 95.000 – 99.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm 2.000 đồng/kg so với ngày 5.5.
Theo Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nguyên, hiện nay, giá hồ tiêu ở các tỉnh trong khu vực như Đăk Lăk, Gia Lai liên tục giảm sâu và chỉ còn 95.000 đồng/kg, tại Đăk Nông là 97.000 đồng/kg. Mức giá này đã giảm 15.000 – 17.000 đồng/kg so với cuối tháng 2.2017 và giảm khoảng 122.000 đồng/kg so với năm 2013. Đây là mức giảm sâu nhất trong 5 năm trở lại đây và chỉ bằng 50% so với thời hoàng kim của giá tiêu.
Theo dự báo của các chuyên gia cũng như Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam, giá hồ tiêu trong thời gian tới rất khó có thể lấy lại đà tăng trưởng mạnh mẽ, bởi giá hồ tiêu thế giới cũng đang trong xu hướng giảm.
Bên cạnh đó, việc người dân các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nguyên đổ xô trồng hồ tiêu làm cho diện tích loại cây này tăng mạnh, đã khiến cho nguồn cung dồi dào. Khi thị trường không còn bị áp lực thiếu hụt hàng hoá, các nhà đầu cơ, doanh nghiệp cũng sẽ lợi dụng cơ hội đó để ép giá thu mua đối với người trồng tiêu.
Trong quy hoạch phát triển hồ tiêu Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn 2030 của Bộ NNPTNT, diện tích hồ tiêu cả nước duy trì ổn định ở mức 50.000ha, sản lượng đạt 140.000 tấn/năm. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016 cả nước đã có tới gần 110.000ha hồ tiêu, cao gấp hơn 2 lần so với quy hoạch.
Nông dân xã Ea Bhôk, huyện Cư Kuin (Đăk Lăk) làm cỏ cho vườn hồ tiêu. Ảnh: Báo Đăk Lăk
Theo phân tích của một doanh nghiệp chuyên tham gia xuất khẩu hồ tiêu, khi Việt Nam mới có 50.000ha, lượng hồ tiêu của Việt Nam chiếm 30% sản lượng quốc tế và chiếm 50% lượng hồ tiêu thương mại toàn cầu, tức là cứ 2kg hồ tiêu buôn bán trên thế giới thì có 1kg sản xuất ở Việt Nam.
Vì thế, nếu sản lượng hồ tiêu của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi một yếu tố nào đó như hạn hán, sâu bệnh… thì giá sẽ bị đẩy lên. Ngược lại, khi Việt Nam có tới hơn 100.000ha hồ tiêu, các công ty thương mại sẽ căn cứ vào đó để tính lượng hồ tiêu mà Việt Nam sản xuất và xuất khẩu.
“Năng suất trung bình của hồ tiêu Việt Nam là 2,6 tấn/ha, sau khi trừ đi diện tích hồ tiêu mới trồng chưa cho thu hoạch thì sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm nay tối thiểu khoảng 200.000 tấn. Như vậy, áp lực thiếu hụt nguồn cung hồ tiêu của thế giới không còn, và căn cứ trên yếu tố này, giá hồ tiêu sẽ giảm”, ông S. – chủ một doanh nghiệp xuất khẩu hồ tiêu nói.
Bán hay giữ hồ tiêu?
Trước đó, VPA cũng dự báo, niên vụ 2016-2017, dù sản lượng hồ tiêu ở một số địa phương giảm do bệnh và ảnh hưởng của hạn hán nhưng tổng sản lượng hồ tiêu của cả nước có thể vẫn tăng ít nhất 15%, theo đó sản lượng hồ tiêu của Việt Nam sẽ vào khoảng 180.000 tấn.
Theo VPA, giá hồ tiêu trên thị trường sẽ không thể tăng mãi mà đến một mức nào đó sẽ phải giảm. Vấn đề còn lại là với vị thế là một cường quốc trồng và xuất khẩu hồ tiều số 1 thế giới, Việt Nam sẽ làm gì để kiểm soát giá hồ tiêu trên thị trường mới là điều quan trọng.
Cách làm lâu nay của nông dân là khi giá hồ tiêu giảm, họ sẽ trữ lại, chưa bán ra vội. Lúc đó, thị trường sẽ không có thêm nguồn cung, giá hồ tiêu sẽ phải ổn định, không thể giảm thêm. Sau đó, khi thấy giá ở mức có lợi, nông dân, doanh nghiệp mới bán ra. Đó là lý do vì sao những năm qua, có những tháng thời điểm giá hồ tiêu trên thị trường giảm nhưng nhìn vào số liệu của cả một năm thì giá hồ tiêu của Việt Nam đều có xu hướng tăng lên.
Hiện tại, các tỉnh Tây Nguyên đã thu hoạch gần xong vụ hồ tiêu 2016 – 2017 nhưng vì giá nội địa và nước ngoài đều xuống thấp, do đó nhiều người đã không vội bán ngay mà đem hàng cất trữ, chờ giá lên.
Hiện nay, các tỉnh Tây Nguyên có trên 72.000ha cây hồ tiêu, tăng hơn 17.000ha so cùng kỳ này năm ngoái, trong đó, Đăk Lăk là địa phương có diện tích cây hồ tiêu nhiều nhất với trên 28.000ha, Đăk Nông gần 25.000ha, Gia Lai khoảng 16.000ha. Việc phát triển diện tích hồ tiêu ồ ạt đã dẫn đến tình trạng dịch bệnh tràn lan, gây thiệt hại cho nhiều vườn tiêu. Trong năm 2016, các tỉnh Tây Nguyên cũng đã có hàng ngàn ha cây hồ tiêu bị sâu bệnh hại. Trong đó, tỉnh Đăk Lăk có 2.776ha bị sâu bệnh hại, tỉnh Đắk Nông có 2.349ha cây hồ tiêu bị nhiễm bệnh… |