Đó là câu hỏi được rất nhiều người đặt ra sau khi thông tin ông Vũ Huy Hoàng - người vừa bị xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương đề nghị cấp thẻ an ninh để vào khu vực cách ly sân bay tiễn người thân.
Câu chuyện thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận, bởi có nhiều vấn đề cần được “giải mã” trong vụ việc tưởng nhỏ này.
Thứ nhất, việc ông Vũ Huy Hoàng vừa bị kỷ luật còn chưa ráo mực, bàn dân thiên hạ đều biết rõ ông có nhiều vi phạm tới mức đã bị Ban Bí thư Trung ương Đảng cách chức Bí thư Ban cán sự đảng Bộ Công Thương (nhiệm kỳ 2011-2016).
Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng ra Nghị quyết xóa tư cách nguyên Bộ trưởng Công Thương của ông Vũ Huy Hoàng.
Như vậy, ai cũng hiểu ông Vũ Huy Hoàng đã không còn là “nguyên Bộ trưởng” nữa, vậy tại sao Bộ Công thương vẫn có công văn ghi ông Hoàng với tư cách trên để đề nghị giải quyết?
Có vẻ như Bộ Công thương “chả cần quan tâm” đến kết luận kỷ luật của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thì phải, nhất là khi vẫn đàng hoàng gửi văn bản đi các cơ quan chức năng để bảo lãnh với chế độ VIP?
Việc làm công văn đề nghị này của Bộ Công Thương như một sự thách thức kỷ cương, dư luận, đồng thời, tạo ra sự bất công với những người khác ngay trong chính Bộ này.
Điều đặc biệt nữa là chính Bộ Công Thương cũng hiểu rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc để ông Vũ Huy Hoàng vào khu vực cách ly sân bay là một vấn đề rất phức tạp, nhạy cảm, nhất là khi có thông tin cho biết, ông Vũ Huy Hoàng vẫn còn giữ hộ chiếu ngoại giao.
Biết rõ, thế nhưng Bộ này vẫn làm công văn đề nghị cùng lúc nhiều đơn vị chức năng: An ninh Sân bay Nội Bài, Công an Cửa khẩu Nội Bài, Hải quan sân bay, Cảng vụ Hàng không miền Bắc, Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và cả Tổng công ty Hàng không Việt Nam giải quyết việc cấp thẻ an ninh cho ông Hoàng, một việc làm quả thực là ngạc nhiên.
Bằng chứng chứng minh Bộ Công Thương hiểu rõ hơn ai hết sự nhạy cảm và cả những khả năng có thể xảy ra khi ông Hoàng được phép có mặt tại khu vực cách ly trong giai đoạn này chính là cam kết trong công văn của Bộ là “sẽ có người của Bộ đi kèm ông Vũ Huy Hoàng”.
Ông Vũ Huy Hoàng (ngoài cùng bên trái, áo trắng) tại sân bay.
Biết là có thể gây ra những rắc rối ngoài ý muốn bởi khi ông đã vào khu cách ly, là đã vượt qua hàng rào an ninh rồi mà vẫn cố tình ký văn bản đề nghị, thì quả là khó hiểu với Bộ Công thương.
Về phía ông Vũ Huy Hoàng, hành động “là lạ” như vậy của ông cũng khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Ông thừa biết việc cấp thẻ an ninh cho ông lúc này là rất phức tạp, vậy có cần thiết có mặt để tiễn người thân đến mức phải để Bộ Công thương làm công văn gửi tới 6 đơn vị thuộc các ngành khác nhau đề nghị giải quyết như thế hay không?
Nhiều người không khỏi băn khoăn, một người như ông có sẵn sàng làm một việc quá phiền phức chỉ để giải quyết cho một việc không thật quan trọng như vậy?
Trong bối cảnh ông vừa bị kỷ luật, một số người liên quan đến các vụ việc vi phạm nghiêm trọng ở Bộ Công thương đang bị điều tra đã trốn đi nước ngoài, thì đề nghị của ông không thể không gây nên sự e ngại, thậm chí nghi ngờ.
Vì thế, một người bình thường cũng có thể đặt câu hỏi: Việc làm này chỉ thể hiện một “thói quen quan chức” muốn có sự ưu tiên, ngoại lệ như khi ông còn đương chức, hay còn có lý do gì?
Lẽ nào ông không nhớ mình đã hoàn toàn trở thành một người dân bình thường như hàng triệu người khác sau án kỷ luật còn đang làm nóng dư luận?
Trong trường hợp ông Vũ Huy Hoàng không có ẩn ý gì khi xin thẻ an ninh vào khu vực cách ly, thì tiếc thay chính ông đã tự đặt mình vào hoàn cảnh trớ trêu.
Nguỵ Vũ Đế có câu “Đi ở ruộng dưa thì không nên dừng lại sửa dép, ở dưới cây mận thì không nên sửa nón” vì làm như vậy sẽ dễ bị ngờ là hái trộm dưa, trộm mận.
Vì thế lẽ ra, khi đã ở trong hoàn cảnh tế nhị, thì những người khôn ngoan, minh bạch càng phải cẩn thận giữ mình, tránh để sinh ra những nghi ngờ không hay cho bản thân nhưng tiếc thay ông Hoàng đã không chọn như vậy...