Với những mặt hàng thực phẩm khác, nửa chợ trên cũng bán rẻ hơn nửa chợ dưới rất nhiều
Nếu sống ở Hà Nội, đa phần người tiêu dùng khi đi chợ mua thực phẩm, dù ở đầu chợ hay cuối chợ, đều là do quen chỗ, quen người, chứ chẳng ai chọn mua vì giá ở đầu chợ rẻ hơn giá ở cuối chợ và ngược lại.
Bởi, các chợ truyền thống ở Hà Nội thường có đặc điểm, với mỗi mặt hàng dù không có quy định, nhưng các tiểu thương đều tự động “niêm yết” chung một giá. Rất khó tìm được mặt hàng nào mà tiểu thương này với tiểu thương khác ở cùng một chợ bán chênh nhau vài trăm đồng hay vài ngàn đồng.
Thế nhưng, trong hàng trăm khu chợ truyền thống tại Thủ đô, chợ Đại Từ (Hoàng Mai) lại khác biệt.
Nếu đi chợ buổi chiều, các bà nội trợ cũng chẳng bao giờ thấy được sự lạ ở đây. Thế nhưng, nếu có thời gian đi vào buổi sáng, lướt qua hết các hàng bán thực phẩm thì sẽ “mặt chữ o, miệng chữ a”. Bởi, cùng buôn bán ở chợ Đại Từ, nhưng giá các mặt hàng thực phẩm ở nửa chợ trên thường được tiểu thương bán rẻ chỉ bằng 2/3, thậm chí rẻ bằng 1/2 so với nửa chợ dưới.
Đơn cử, ở nửa chợ trên, giá thịt ba chỉ là 60.000 đồng/kg, sườn 70.000 đồng/kg, vai sấn 55.000 đồng/kg,... thì ở nửa chợ dưới, giá ba chỉ là 80.000 đồng/kg, sườn 100.000 đồng/kg, vai sấn 80.000 đồng/kg. Hay như thịt bò, bắp bò nửa chợ trên bán 250.000 đồng/kg thì nửa chợ dưới bán tới 300.000 đồng/kg.
Tương tự, với các mặt hàng hoa quả, hải sản, thịt gia cầm, giá ở nửa chợ trên thường bán rẻ hơn nửa chợ dưới từ 10.000-30.000 đồng/kg, tùy loại.
Sở dĩ, người dân cũng như tiểu thương tại ngôi chợ này gọi “nửa chợ trên” và “nửa chợ dưới” là bởi, nền chợ không bằng phẳng, nửa chợ trên có nền cao hơn nửa chợ dưới. Chính từ sự khác nhau của nền chợ ấy mà giá bán của các mặt hàng tại ngôi chợ cũng không giống nhau.
Vừa bảo chủ sạp ở nửa chợ trên bán cho 5 lạng thịt ba chỉ, bà Nguyễn Thùy Dương nhà ở phố Đại Từ, chia sẻ: “Thịt ba chỉ này giá 60.000 đồng/kg, mua 5 lạng hết đúng 30.000 đồng. Nhưng đây là mua ở những hàng trên này thôi, chứ tôi chỉ cần bước xuống những hàng thịt dưới kia, khoảng cách chưa đầy chục mét, đã phải mua với giá 80.000 đồng/kg”.
Còn nửa chợ dưới giá thịt lợn dao động ở mức 80.000-100.000 đồng/kg tùy loại
Bà Dương kể, khi mới về đây sinh sống, mỗi lần đi chợ cứ tiện phi xe vào khu bên dưới mua thực phẩm với giá cả khá đắt đỏ. Sau một thời gian, dịp cuối tuần rảnh rỗi, bà đi chợ buổi sáng, lượn hết một vòng chợ xem hàng hóa thực phẩm tươi ngon thì phát hiện ra, giá thực phẩm ở nửa chợ trên có giá rẻ hơn nửa chợ dưới rất nhiều.
“Ban đầu tôi sinh nghi và nghĩ, hay là hàng ôi thiu, hàng kém chất lượng nên giá mới rẻ vậy? Song, mua thử về ăn thì thấy thực phẩm ở nửa chợ trên ngon chẳng kém gì ở nửa chợ dưới”.
Tuy nhiên, bà Dương cho hay, muốn mua được thịt cá, hoa quả,... giá rẻ ở nửa chợ trên thì phải mua vào buổi sáng, vì nửa chợ trên chỉ họp vào buổi sáng, trong khi nửa chợ dưới họp cả ngày từ sáng tới tối. Những người có thói quen đi chợ buổi chiều sẽ không biết được buổi sáng giá thực phẩm ở hai nửa chợ lại khác nhau lớn thế.
Thừa nhận điều này, chị Phạm Thị Lý, tiểu thương bán thịt lợn tại nửa chợ trên của chợ Đại Từ, cho biết, đúng là chợ phân ra làm hai nửa, nửa chợ trên chỉ họp vào buổi sáng và giá cả thường rẻ hơn nửa chợ dưới họp cả ngày. Chuyện này đã tồn tại ở chợ hàng chục năm nay.
Chị Lý nói, ở chợ Đại Từ, các ki ốt bán thực phẩm tiểu thương đều phải thuê với giá 2 triệu đồng/kg. Đây là mức giá chung nên không có chuyện vì không mất tiền hay thuê được với giá rẻ nên hàng hóa thực phẩm bán giá cũng rẻ theo.
Nguyên nhân khiến giá thực phẩm hai đầu chợ khác nhau đơn giản chỉ là bởi tiểu thương ở nửa chợ trên hầu hết là dân tỉnh lẻ hay ở các huyện ngoại thành, thực phẩm được lấy tận gốc bán tận ngọn, không qua các khâu trung gian và chợ đầu mối nên giá bán rẻ hơn.
Như chị Lý quê ở Phủ Lý (Hà Nam), sáng sớm chở thịt lợn từ quê ra chợ này bán, đến trưa lại chạy xe về quê. Còn nửa chợ dưới, tiểu thương bán cả ngày nên lấy hàng từ chợ đầu mối, giá bao giờ cũng cao hơn, chị Lý giải thích.