Hải Phòng là địa phương có hàng loạt trung tâm dạy nghề đã và đang tham gia dạy nghề cho lao động nông thôn, như: Trung tâm Dạy nghề huyện Vĩnh Bảo, Trường Trung cấp nghề An Dương, Trường Cao đẳng nghề Bắc-Nam; Trung tâm Dạy nghề Phú Cường... cùng 10 trung tâm dạy nghề công lập thuộc quận, huyện, 3 trung tâm giáo dục thường xuyên. Tuy nhiên, Hải Phòng vẫn tiếp tục xúc tiến “xin” kinh phí đầu tư xây dựng 2 trung tâm dạy nghề thuộc huyện đảo Cát Hải và quận Kiến An.
Dạy nghề cho nông thôn thanh niên tại Trường dạy nghề QK3, Hải Phòng. |
Tương tự, Vĩnh Phúc cũng đã có hệ thống trung tâm dạy nghề hùng hậu nhưng trong quý IV này, Sở LĐ-TB&XH tỉnh vẫn thẩm định và đề nghị UBND tỉnh ra quyết định thành lập 4 trung tâm dạy nghề cấp huyện là: Sông Lô, Tam Dương, Tam Đảo, Yên Lạc.
Tỉnh Thái Bình đang hướng dẫn, thẩm định hồ sơ thành lập Trường Trung cấp nghề thủ công mỹ nghệ và trung tâm dạy nghề cấp huyện tại Tiền Hải, Kiến Xương. Trong năm 2011, dự kiến kinh phí đầu tư cơ sở vật chất dạy nghề lên tới 41 tỷ đồng.
Tại Ninh Bình, UBND tỉnh đang tập trung đầu tư xây dựng Trường Trung cấp nghề Nho Quan, trung tâm dạy nghề huyện Gia Viễn, Hoa Lư. Tỉnh này cũng vừa hoàn tất việc xây dựng trung tâm dạy nghề huyện Yên Khánh...
Tuy nhiên, trong khi nhiều trung tâm dạy nghề đang được xúc tiến thành lập thì vẫn có tình trạng trung tâm dạy nghề đã không đảm bảo được chất lượng đào tạo, đào tạo không đúng nhu cầu thị trường.
Theo Ban chỉ đạo T.Ư thực hiện Quyết định 1956/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, việc đầu tư, nâng cấp các trung tâm dạy nghề là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, góp phần củng cố năng lực đào tạo thường xuyên cho nông dân.
Việc xây dựng cần có trọng tâm và có các phương án xây dựng thành trung tâm dạy nghề kiểu mẫu, đạt hiệu quả chứ không đầu tư tràn lan.
Vì vậy, việc thẩm định sẽ phải rất kỹ càng, tránh trường hợp các trung tâm dạy nghề đã có hoạt động không hiệu quả mà vẫn thành lập trung tâm mới.
Hồng Phúc