Nhà anh Dũng ở đường Lò Lu, Long Trường, Long Phước, quận 9, hiện nay tấp nập khách mua đất. Cũng vậy, những ngày này ở các con đường ngang thuộc xã Vĩnh Lộc A và B luôn tấp nập khách mua, giá đất nông nghiệp nhưng lại đạt đến mức gần 7 triệu đồng/m2. “Hình như họ không sợ cái dớp dỡ nhà, đập nhà xây trái phép trên đất nông nghiệp ở huyện này trước đây”, ông Thành, một phó trưởng ấp ở xã Vĩnh Lộc A nói và chia sẻ thêm xã này đã thực sự trở thành “chợ” đất, bất kể ngày nào người săn và cò cứ rầm rập kéo nhau ra chỉ trỏ và quyết định cái rụp nếu đồng ý. Đúng là mua đất như mua rau.
Đường Lò Lu, Long Trường, Long Phước, Q9, hiện nay tấp nập khách mua đất. Ảnh: T.L
Không thua gì mấy “chợ” đất nông nghiệp Bình Chánh, ở Hóc Môn, chỉ cần đi qua các xã Tân Sơn Nhì, Xuân Thới Thượng, ai cũng dễ dàng nhận thấy đã có một cái “chợ” đất nông nghiệp họp ở khắp các tuyến đường. Không tăng mạnh như Bình Chánh hay quận 9, nhưng đất nông nghiệp ở Hóc Môn đang tăng gần như gấp đôi so với những ngày trước đó. Hiện bình quân 1m2 đất nông nghiệp ở hai xã trên đã được đẩy lên 1 triệu đồng/m2.
Đất nông nghiệp ở Cần Giờ hiện cũng đã nhập cuộc gây sốt sau hàng chục năm im hơi lặng tiếng. “Chợ” đất hình thành trải khắp từ chân phà Bình Khánh cho đến cây cầu số 5 trên con đường Rừng Sác. “Không mua bây giờ là ân hận đó các chế, các hia”, Nguyễn Thị Lợi, một môi giới bất động sản làm việc ở một công ty trên địa bàn quận 9, nhưng rất rành rẽ khi bật mí: “Chợ” đất sẽ hình thành rộng khắp ở Cần Giờ tới đây.
Nông dân bỏ cày, làm “cò”
Trong vai người nhập cư nghèo tìm đất nông nghiệp cất nhà “liều”, sáng 29.4, chúng tôi đến ngã ba Võ Văn Vân – Liên Ấp 123 (xã Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh) mới dừng xe đã có ít nhất bốn “cò” đất lao vào hỏi thăm và đòi tư vấn. Khổ thay, qua cách tiếp cận khách, cách tư vấn thì không khó nhận ra những “cò” này vốn là nông dân ở địa phương đang lao vào cơn sốt đất, những mong trở thành “cò” chuyên nghiệp để đổi đời.
Thế nhưng, giờ đất “nước đã trong nên cò không thể béo như trước đây”. Bằng chứng là theo bà Hoa, một “cò” môi giới đất ở xã Vĩnh Lộc B thì sau hơn bốn tháng hành nghề bà chỉ thành công được một lô giá 500 triệu đồng, kiếm được đúng chục triệu.
Không riêng gì “cò” Hoa, rất nhiều “cò” vốn là nông dân vì quá ham với lời lãi trong các phi vụ mua bán đất nông nghiệp ở Bình Chánh, Hóc Môn mà bỏ bê ruộng vườn, nhà cửa lao vào bất kể sống chết, bất kể mình không có một chút kinh nghiệm nào về đất đai, mà chỉ có một lợi thế duy nhất khi làm “cò” là rành đường ngang, ngõ tắt trên địa bàn. “Tưởng ngon ăn, ai ngờ giờ tiến thoái lưỡng nan”, “cò” Thanh ở xã Bình Lợi, Bình Chánh, nói. Số là hồi đầu năm 2017, vô tình chỉ được cho một người săn đất mua bán thành công lô đất nông nghiệp gần 10.000m2 và được “lại quả” gần 50 triệu đồng, “cò” Thanh liền nghĩ kế đổi đời. Theo đó, “cò” Thanh đã quyết rời mảnh vườn trong xóm để ra ngoài mặt đường thuê căn nhà nhỏ làm “văn phòng chỉ trỏ”. Thế nhưng, từ đó đến nay đã bốn tháng, chỉ trỏ nhiều nhưng chẳng thấy “bén duyên” nên “cò” Thanh đang lay lắt chưa biết tính sao, trong khi mảnh vườn thì đã kịp hoang phế.
Quá nhiều hệ luỵ
Giới am hiểu luật đất đai đã cảnh báo với các nhà đầu tư rằng, khó khăn lớn nhất khi mua đất nông nghiệp là việc chuyển đổi lên thổ cư khá phức tạp, đó là chưa nói ở nhiều nơi như Bình Chánh, Hóc Môn theo quy hoạch có rất nhiều xã thuộc diện đất dự trữ nông nghiệp nên rất khó chuyển đổi. Muốn lên thổ cư một diện tích đất nông nghiệp không phải chuyện dễ.
Còn các chuyên gia bất động sản thì thẳng thắn đưa ra lời khuyên một khi muốn đầu tư đất nông nghiệp vùng ven, nếu không nắm được thông tin quy hoạch sử dụng đất sẽ là một thiệt thòi lớn. Theo đó, để đảm bảo an toàn cho suất đầu tư, người mua đất nông nghiệp cần tìm hiểu trước về quy hoạch, về chứng nhận quyền sử dụng đất và chi phí chuyển đổi mục đích sử dụng để tránh những trục trặc hoặc thua lỗ không đáng.
Theo sau cơn sốt đất nông nghiệp, ngoài hệ luỵ liên quan đến các “cò” đất vốn là nông dân bỏ bê rưộng vườn lao vào, thì các chủ đất cũng đang dần bỏ bê mảnh vườn, miếng ruộng của mình với tâm lý đất đang bán nên không canh tác, đang là nỗi lo hiển hiện. Chẳng thế mà những ngày này, đi sâu vào các con kênh thuỷ lợi trên đường Vườn Thơm, xã Bình Lợi, Bình Chánh thì ai cũng dễ dàng nhận thấy hàng trăm hecta đất đang bị bỏ hoang để chờ bán. Người dân nơi đây giờ ít lo canh tác để mưu sinh, mà chỉ tập trung vào chuyện đi thăm dò giá đất để sao mình bán không bị hớ. “Nhìn cảnh này mà tôi lo một ngày người nông dân bán đất xài hết tiền thì biết lấy cái nghề gì mưu sinh. Lo vì đất nông nghiệp mà buôn bán trao đổi qua tay kiểu thương mại như bây giờ thì sẽ thành đất hoang”, ông Nguyễn Thanh Duy, một cán bộ ngành lao động thương binh xã hội, nói.