Vẽ tranh trên chất liệu da người
Quệt vệt mực cuối cùng vào bức họa lớn trên da thịt cô gái xinh đẹp, anh thở hơi dài, ngắm nghía một lượt rồi bước ra ngoài đầy vui vẻ. 7 năm trong nghề, trăm lần như một, anh đều mang gương mặt mãn nguyện ấy mỗi khi vẽ xong một bức tranh trên chất liệu da người.
Body painting- loại hình nghệ thuật ít gây đau đớn mà vẫn phong cách
Dù body painting chưa phổ biến tại Việt Nam, số người thật sự gắn bó với công việc này rất ít nhưng anh Huỳnh Thanh Trung (TP.HCM) vẫn quyết tâm theo đuổi nó.
7 năm trước, vì niềm đam mê đặc biệt với màu sắc, hình khối, hoa văn… bị thu hút bởi từng chi tiết nhỏ trên mọi đồ vật, anh quyết định bỏ công việc đang “ăn nên làm ra” để theo nghề vẽ. Chỉ có điều, chất liệu anh chọn để vẽ rất đặc biệt, không phải giấy, vải… mà là cơ thể người.
Mỗi nét vẽ anh đều tự mày mò học hỏi. Từng nhiều lần thực hành vẽ vời trên chính cơ thể mình nhưng đến khi thực sự chạm bút vào da thịt người khác, anh vẫn run rẩy.
“Ấy là khi tôi mở ảnh viện. Nhiều cô gái muốn chụp ảnh gợi cảm, lưu giữ nét đẹp xuân thì nhưng lại luôn yêu cầu phải gợi cảm mà không gợi dục. Tôi liền đề nghị họ vẽ body painting, tôi chính là người vẽ và cũng là người chụp luôn”, anh kể.
Với một thầy giáo dạy make-up lành nghề, việc tiếp xúc với mẫu nữ không còn e ngại, dè dặt. Thế nhưng, khi đứng trước một cô gái “trần như nhộng”, không chỉ ngắm mà còn phải quan sát thật kỹ tỷ lệ cơ thể, từng nốt ruồi, vết sẹo ở những điểm nhạy cảm nhất, họa sĩ Sài thành vẫn toát mồ hôi.
Họa sĩ Sài thành cần 4 đến 6 tiếng để hoàn thành một tác phẩm
Lần đầu phóng bút trên đường cong cơ thể thanh nữ, anh không tránh khỏi cảm giác hồi hộp và lo lắng, nét vẽ cũng vì thế có chút ngập ngừng, không được mượt và gọn như hiện tại.
"Cái khó của body painting là vẽ trên đường cong cơ thể và mặt phẳng không đều nhau. Mỗi cơ thể có độ nhạy cảm khác nhau, khi cọ vẽ tiếp xúc với da sẽ có những phản xạ ở những trạng thái khác nhau. Bởi vậy, người vẽ phải thực hiện thao tác chuẩn xác, nhanh gọn, ít sai sót và phải linh hoạt điều tiết từng nét cọ khi vẽ trên da người" -Huỳnh Thanh Trung- |
Thế nhưng, sau 7 năm làm nghề, thực hiện hàng trăm bức họa trên cơ thể thiếu nữ, anh đã tôi luyện được đôi tay, ánh mắt một cách điêu luyện. Mối quan tâm hàng đầu của anh không phải là cơ thể mẫu mà là tấm da nõn nà của họ, nơi anh sẽ thực hiện những tác phẩm để đời.
Mẫu ở trần trước mặt nhưng không chút cảm xúc
Một họa sĩ body painting “lão làng” từng nói, làm nghề này cần có cái tâm, mà tâm phải tịnh, phải vượt qua được bản năng của người đàn ông trước cơ thể ngọc ngà của thiếu nữ. Nhưng với anh Trung, việc “cầm lòng” trước một cơ thể đẹp không khó khăn và to tát đến vậy.
Suốt 7 năm liền làm nghề, từng ngắm “no mắt” vẻ đẹp xuân thì của các cô gái nhưng anh Trung chưa bao giờ bị cám dỗ bởi nó. Những ý tưởng về bức tranh sắp thực hiện đã choán hết tâm trí anh.
Mỗi lần vẽ, anh đều có cảm giác tươi mới
“Vẽ body painting khó lắm, cơ thể không giống bất cứ chất liệu nào, nó luôn động nên cần có sự tương tác qua lại giữa nội dung với mẫu… Khi vẽ, họa sĩ phải tập trung vào các họa tiết, màu sắc và chăm chút từng nét vẽ. Đầu chứa từng đó thứ rồi, còn chỗ nào cho ý nghĩ kia nữa?”, anh nói.
Anh thường bắt đầu một tác phẩm bằng việc trang điểm, làm tóc cho mẫu. Lúc này, anh thường tranh thủ nói chuyện với họ để xóa đi sự dè dặt, ngại ngùng.
Cho đến khi các cô gái trút bỏ lớp áo cuối cùng, giữa họ chỉ còn một điểm chung duy nhất là cảm hứng về bức họa.
“Họ xem tôi như một người anh trai. Chúng tôi nói về bức họa, về cuộc sống và khi tác phẩm hoàn thành, được nhìn ngắm nó, chúng tôi đều có chung một niềm xúc động”, anh chia sẻ.
Mỗi tác phẩm body painting đều là một thử thách khó nhằn
Họa sĩ Sài thành cần từ 4 đến 6 giờ để hoàn thành một tác phẩm, phụ thuộc vào chủ đề đơn giản hay phức tạp. Trong khoảng thời gian ấy, anh luôn tạo cho mình phong thái làm việc thoải mái, còn bản năng của một người đàn ông anh luôn để nó… tự nhiên.
Bởi theo anh, khi làm việc một cách nghiêm túc thì người họa sĩ sẽ biết giới hạn mình được chạm đến và không bao giờ bước qua.
Cái đẹp là vô chừng
7 liền gắn bó với nghề nhưng mỗi lần vẽ trên chất liệu da người, anh đều có cảm xúc tươi mới. Anh Trung đặc biệt thích vẽ tranh phong cảnh, vẽ các họa tiết và hoa văn cách điệu từ thiên nhiên.
Với anh, ý tưởng trong cuộc sống để chuyển thành một tác phẩm body painting là vô bờ bến nên anh chẳng bao giờ có “cơ hội” chán nghề.
“Điểm thú vị của nghệ thuật này là khả năng biến một người thành một nhân vật khác, đặt vào một bối cảnh khác mà trong cuộc sống họ không có được. Nhiều cô gái nói với tôi, họ tìm thấy chính mình trong tác phẩm và đó là lúc họ cảm thấy mình thật nhất”, anh Trung nói.
Anh Trung luôn có cảm giác tươi mới khi thực hiện một tác phẩm mới
Người ta nói, một bức họa trên da người phải có sự hài hòa từ kiểu tóc, cách trang điểm cho đến bố cục ảnh… nhưng với anh Trung, không có tiêu chuẩn nào cho cái đẹp.
7 năm qua, anh chỉ vẽ theo sở thích và cố gắng khiến cho mỗi nét vẽ thật mềm mại, gọn gàng và khi hoàn thành, tác phẩm có thể truyền tải được một điều gì đó mà người mẫu mong muốn. Còn vẻ đẹp thì “xin dành cho công chúng thưởng lãm”.
***
Những cô gái muốn lưu giữ nét đẹp xuân thì, sẵn sàng khỏa thân để họa sĩ vẽ lên da thịt. Họ có cảm xúc ra sao khi thực hiện những tác phẩm ấy?
Cùng đón đọc bài tiếp theo vào lúc 18h00 ngày 09/05/2017
Trong hơn 2 năm làm nghề xăm, anh chàng 26 tuổi đã có hơn 30 lần xăm vào điểm “nhạy cảm” của thiếu nữ.