Lâm cảnh nợ nần
Theo ông Nguyễn Kim Đoán - Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, sau thời gian cầm cự với khủng hoảng giá lợn, khá nhiều người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh đang đứng trên bờ vực phá sản. “Nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã treo chuồng vì không còn sức giữ đàn. Không ít chủ trại heo quy mô lớn cắn răng đem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất sổ đỏ thế chấp cho ngân hàng, đại lý cám” – ông Đoán nói.
Ông Nguyễn Thế Giang – một nông dân trồng xoài ở xã Phú Lý (Vĩnh Cửu) - khu vực trồng xoài bị thiệt hại nặng do mưa trái mùa. Ảnh: T.Đ
Theo ông Nguyễn Thành Vinh – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, thời gian qua, người nuôi lợn trên địa bàn tỉnh phải chịu mức lỗ bình quân 1 triệu đồng/con lợn xuất chuồng. Vụ nuôi vừa qua, Đồng Nai có khoảng 1,7 triệu con lợn. Mức đề xuất để UBND tỉnh xem xét hỗ trợ đối với diện tích các loại cây công nghiệp và cây ăn quả lâu năm bị thiệt hại trên 70% là 4 triệu đồng/ha; đối với những vườn cây bị thiệt hại 30 - 70%, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/ha. |
Cầm cự nửa năm nay, ông Nguyễn Văn Bàng - chủ trại nuôi lợn tại xã Hàng Gòn (thị xã Long Khánh), “bay đứt” hàng trăm triệu đồng do giá lợn rớt không phanh. Ông buộc phải cầm sổ đỏ vay vốn ngân hàng duy trì đàn. Theo ông Bàng, nhiều trại trong khu vực này phải treo chuồng vì không còn vốn để duy trì đàn. Nhiều hộ chăn nuôi bị đại lý cám siết lợn, siết sổ đỏ trại nuôi vì không đủ sức trả nợ.
Hiện tượng mưa trái mùa diễn ra từ đầu năm 2017 đến nay gây ra thiệt hại lớn cho các loại cây trồng chủ lực của tỉnh, như: điều, xoài, thanh long… Thống kê của Sở NNPTNT Đồng Nai cho thấy, mưa trái mùa đã làm hơn 40.300ha cây trồng trong tỉnh bị giảm năng suất từ 30% trở lên, ước tính thiệt hại khoảng 1.400 tỷ đồng.
Anh Trương Văn Sáng (ấp Bàu Phụng, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) – đang trồng 1,7ha xoài cho biết, những năm trước, vào mùa vụ chính gia đình anh thu khoảng 30 tấn xoài với thu nhập khoảng 250 triệu đồng. Tuy nhiên, từ đầu vụ đến nay vườn xoài của anh mới thu được 8 triệu đồng mà cây đã hết trái. “Với thu nhập như vậy, tôi không biết lấy đâu ra tiền để trả khoản nợ 50 triệu đồng tiền phân bón và tiền vay ngân hàng cũng sắp đến kỳ phải trả” – anh Sáng than thở.
“Giải cứu” nông dân
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh đã có buổi làm việc với Sở NNPTNT tỉnh về việc rà soát, đánh giá thiệt hại để đề xuất hướng hỗ trợ lên UBND tỉnh. Theo ông Chánh, Sở NNPTNT và các địa phương phải tiến hành thống kê, kiểm định, tính toán chính xác để việc hỗ trợ công bằng và đúng đối tượng.
Ông Võ Văn Phi – Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu cho biết, mưa trái mùa gây thiệt hại nặng nề tại 2 xã Mã Đà và Phú Lý, chủ yếu là cây xoài và điều. Huyện đang cho thống kê thiệt hại của nông dân để thống nhất mức hỗ trợ.
Còn Phó Giám đốc Sở NNPTNT Trần Đình Minh cho biết hiện Sở đã tổng hợp báo cáo cũng như các đề xuất hỗ trợ cho các hộ nông dân bị thiệt hại. Trong đó, ưu tiên các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và gia đình chính sách. Các hộ được đề xuất hỗ trợ phải đáp ứng các tiêu chí như: Thiệt hại xảy ra khi đã thực hiện đầy đủ, kịp thời các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với thiên tai theo sự hướng dẫn, chỉ đạo của cơ quan chuyên môn; sản xuất không trái với quy hoạch, kế hoạch và hướng dẫn sản xuất nông nghiệp của địa phương.
Lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai đã thống nhất với đề xuất cần có một phần kinh phí hỗ trợ vaccine tiêm phòng đối với người nuôi lợn trong thời điểm khó khăn hiện tại. Tuy nhiên, theo ông Chánh, để tránh tái lập tình trạng rớt giá đã diễn ra với nhiều mặt hàng nông sản thời gian qua, Sở NNPTNT cần có các giải pháp hữu hiệu hơn trong việc triển khai chủ trương xây dựng chuỗi liên kết và vận động nông dân tham gia.
“Phải kêu gọi bà con tham gia vào các chuỗi liên kết. Phải làm cho bà con hiểu không thể đứng ngoài cuộc chơi, phải liên kết để có thị trường tiêu thụ ổn định” – ông Chánh kết luận.