Giá cà phê tăng nhẹ không đáng kể
Trên thị trường nông sản, giá cà phê nội địa trong ngày hôm qua chỉ tăng nhẹ hoặc không đổi. Cụ thể, giá cà phê tại Đăk Lăk và Gia Lai tăng nhẹ 100 đồng/kg, dao động từ 43.500 - 44.000 đồng/kg; giá cà phê tại Kon Tum và TP Hồ Chí Minh lại tăng 200 đồng, lần lượt là 43.600 đồng/kg và 45.400 đồng/kg. Tại các tỉnh khác, giá không đổi so với ngày cuối cùng của tuần trước.
Chốt phiên giao dịch ngày 8.5, giá cà phê Tây Nguyên dao động trong khoảng 43.000 – 44.100 đồng/kg, và giá cà phê robusta loại 1 tại TP Hồ Chí Minh là 45.400 đồng/kg.
Giá cà phê tại thị trường Việt Nam. Nguồn: tintaynguyen.com
Trong khi đó, ở tuần trước, mặc dù là phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ lễ, nhưng giá cà phê trong nước đã tăng mạnh tới 1.000 đồng/kg và tiếp tục tăng đến 44.500 đồng/kg ở phiên tiếp theo rồi mới giảm trở lại. Đáng chú ý, cà phê robusta Việt Nam loại 2, 5% hạt đen và vỡ được chào bán ở mức cộng 40 - 50 USD/tấn so với hợp đồng kỳ hạn tháng 7 trên sàn ICE London, trong khi một tuần trước đó mức trừ lùi là 25 - 35 USD/tấn.
Diễn biến giá cà phê tuần từ 1.5 - 6.5. Nguồn: vinanet.vn
Ở Việt Nam, tồn kho cà phê robusta tại các kho quanh TPHCM vẫn còn lớn, ước chừng trên 400.000 tấn. Giao dịch mua bán xuất khẩu tại Việt Nam trong thời gian qua rất yếu do giá hai bên mua bán không gặp nhau, giá nội địa cao nên đã có hiện tượng người mua trữ hàng tại kho nội địa bán ngược lại ăn chênh lệch giá.
Về dự báo giá cà phê tuần này, chuyên gia phân tích độc lập Nguyễn Quang Bình cho rằng, không có sức mua xuất khẩu, giá sẽ khó lên 45 triệu đồng/tấn nếu lấy mặt bằng cuối tuần qua là 44.000 đồng/kg tại nhiều nơi ở Tây Nguyên, vùng cà phê trọng điểm của cả nước.
Thực tế cho thấy, giao dịch cà phê tại thị trường Việt Nam thời gian qua không mấy sôi động, ít có hợp đồng mua bán lớn, giá cà phê nội địa ở mức cao nên đã có hiện tượng người mua trữ hàng tại kho nội địa bán ngược lại để ăn chênh lệch giá.
Trên thị trường thế giới, các quỹ đầu tư trên sàn arabica New York từ bỏ vị thế dư mua sang vị thế dư bán. Tính đến ngày khóa sổ mới nhất 2.5, giới đầu tư tăng lượng dư bán từ 8.745 lô lên 12.654 lô, tương đương với 215.624 tấn. Vì vậy theo chuyên gia Nguyễn Quang Bình, nếu vị thế dư bán tiếp tục tăng, không có gì khó hiểu khi giá arabica sẽ tiếp tục giảm sâu về 132 – 130 US cent/pound.
Đối với giá robusta, các yếu tố kỹ thuật đang hỗ trợ cho đà tăng giá. Trên thị người nguồn cung hàng thực, Indonesia đang ra hàng mạnh. Tin thị trường cho hay hàng ngày có chừng 1.500 tấn robusta được kéo về cảng xuất khẩu chính Lampung. Giao hàng lên tàu trong tháng 04/2017 của nước này ước 25.000 tấn, trong đó có 10.000 tấn của vụ cũ.
Giá hồ tiêu trong nước và thế giới cùng giảm
Giá thu mua hồ tiêu ngày hôm qua 8.5 tại hầu hết các tỉnh đều không đổi so với cuối tuần trước. Riêng giá tại Bà Rịa – Vũng Tàu và Đồng Nai giảm thêm 100 đồng/kg, sau khi đã giảm liên tiếp trong hai ngày cuối tuần trước.
Giá hồ tiêu tại thị trường Việt Nam. Nguồn: tintaynguyen.vn
Theo thông tin từ Bộ NN&PTNT, khối lượng tiêu xuất khẩu tháng 4 năm 2017 ước đạt 24.000 tấn, với giá trị đạt 133 triệu USD, đưa khối lượng xuất khẩu tiêu 4 tháng đầu năm 2017 ước đạt 75.000 tấn và 456 triệu USD, tăng 9% về khối lượng nhưng giảm 17,9% về giá trị so với cùng kỳ năm 2016.
Giá tiêu xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2017 đạt 6.328 USD/tấn, giảm 24,5% so với cùng kỳ năm 2016. Các thị trường xuất khẩu tiêu lớn nhất của Việt Nam trong 3 tháng đầu năm 2017 là Hoa Kỳ, Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, Pakistan, Ấn Độ và Đức với 41% thị phần. Ba tháng đầu năm 2017, các thị trường có giá trị xuất khẩu tiêu tăng mạnh là Thái Lan (49,6%), Pakistan (37,9%) và Anh (37,2%).
Tại Ấn Độ, giá hồ tiêu chốt tuần trước cũng giảm sâu vì nguồn cung trên thị trường tăng mạnh. Trong đó, giá hồ tiêu kỳ hạn giảm về 540 - 552 rupee/kg với 43 tấn tiêu của vùng Wayanad và các cao nguyên khác được giao dịch trên sàn. Giá tiêu giao ngay cũng giảm 200 rupee xuống 53.700 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 55.700 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc).