Dân Việt

Liên kết phát triển hoạt động KH&CN vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên

Minh Phong 09/05/2017 17:26 GMT+7
Tại TP.Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) vừa phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng tổ chức Hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên lần thứ XIV.

Hội nghị nhằm đánh giá hiệu quả và những đóng góp của hoạt động KH&CN đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong Vùng giai đoạn 2015 – 2017.

Đồng thời trao đổi kinh nghiệm về công tác tổ chức quản lý KH&CN của các địa phương, từ đó định hướng cho phát triển KH&CN của Vùng giai đoạn 2018 – 2020 sát với tình hình thực tế.

img

Một gian hàng sản phẩm KH&CN được trưng bày tại Hội nghị.

KH&CN nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo địa phương

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Quốc Khánh nhận định, Vùng Nam Trung bộ và Tây Nguyên là vùng có điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên phong phú, có nhiều lợi thế về phát triển kinh tế biển, khai thác và chế biến khoáng sản, phát triển năng lượng tái tạo; là vùng có hệ sinh thái đa dạng với nhiều loại cây trồng, vật nuôi, đánh bắt hải sản, du lịch,..

Trong giai đoạn 2015 – 2017, thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội nói chung và chính sách phát triển KH&CN nói riêng, hoạt động KH&CN toàn vùng trong thời gian qua đã có nhiều kết quả rất đáng khích lệ, đóng góp thiết thực cho sự phát triển kinh tế - xã hội trong Vùng.

Báo cáo của Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN cho biết, trong 2 năm qua hoạt động KH&CN đã có nhiều chuyển biến tích cực, cụ thể trong lĩnh vực Khoa học xã hội và nhân văn đã tạo được cơ sở lý luận và tổng kết được thực tiễn trong quản lý kinh tế - xã hội, phát triển nguồn nhân lực, phát huy giá trị văn hóa truyền thống, tham mưu cho các cấp ủy Đảng, Chính quyền hoạch định chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng trên địa bàn.

Tính đến nay, các Sở KH&CN các tỉnh đã triển khai thực hiện trên 448 nhiệm vụ KH&CN trên các lĩnh vực. Trong đó, khoa học tự nhiên 52 nhiệm vụ, khoa học kỹ thuật và công nghệ 94 nhiệm vụ, khoa học y dược 56 nhiệm vụ, khoa học nông nghiệp 117 nhiệm vụ, khoa học xã hội nhân văn 108 nhiệm vụ. Đã thực hiện nghiệm thu và bàn giao kết quả nghiên cứu trên 180 nhiệm vụ cho các Sở, ngành, địa phương và các đơn vị liên quan tổ chức ứng dụng.

Theo đó, tại khu vực Nam Trung bộ, việc đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong việc nuôi trồng, đánh bắt và chế biến thủy sản như dánh bắt và chế biến cá ngừ đại dương, nuôi tô sú, tôm hùm, cua biển, rong biển,…thành các sản phẩm đủ tiêu chuẩn phục vụ xuất khẩu. Việc áp dụng các kết quả nghiên cứu ứng dụng đã góp phần tăng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng thủy sản của Vùng, tạo nhiều công ăn việc làm, xóa đói, giảm nghèo và từng bước làm giàu cho người dân.

Tại khu vực Tây Nguyên, đẩy nhanh các tiến bộ kỹ thuật trong canh tác và nghiên cứu giống cây trồng, vật nuôi mới phù hợp với điều kiện của Vùng, nhất là đối với các loại cây trồng là sản phẩm chủ lực như cao su, hồ tiêu, cà phê, chè, bơ,… việc áp dụng KH&CN đã đưa năng suất và chất lượng nâng lên rõ rệt so với trước đây. Bên cạnh cây trồng thì trong Vùng cũng đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong nuôi cá nước lạnh nhập ngoại có giá trị kinh tế cao như cá tầm, cá hồi; nông nghiệp ứng dụng công nghệ cũng phát triển rất nhanh ở nhiều địa phương.

Tăng cường liên kết vùng

Bên cạnh những kết quả đạt được thì hoạt động KH&CN còn gặp một số khó khăn, tồn tại. Ông Trần Quốc Khánh nhận định, nhiệm vụ KH&CN chủ yếu là hoạt động nghiên cứu ứng dụng từ nguồn ngân sách nhà nước, chưa thu hút được nguồn lực xã hội đầu tư cho KH&CN, đặc biệt là các doanh nghiệp chưa chú trọng và đầu tư cho KH&CN, đổi mới công nghệ, chưa quan tâm đúng mức trong việc ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất.  

Thị trường KH&CN chưa phát triển, chưa tạo được động lực cho các tổ chức KH&CN, doanh nghiệp KH&CN phát triển. Hoạt động KH&CN ở cấp cơ sở còn gặp nhiều khó khăn cả về kinh phí cũng như nguồn nhân lực. Hoạt động KH&CN cấp huyện và một số ngành, doanh nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, thiếu cán bộ chuyên trách về KH&CN cấp huyện.

Để giải quyết những khó khăn, tồn tại nêu trên, Thứ trưởng Trần Quốc Khánh đề nghị củng cố, sắp xếp lại và phát triển các tổ chức KH&CN công lập theo hướng mỗi ngành, mỗi lĩnh vực có những đơn vị trọng điểm đủ sức giải quyết những nhiệm vụ KH&CN của ngành, lĩnh vực; bảo đảm chức năng nhiệm vụ không chồng chéo, mang tính mạng lưới và hệ thống để phát huy sức mạnh.

Khuyến khích thành lập các doanh nghiệp KH&CN và thành lập quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp để huy động nguồn vốn doanh nghiệp đầu tư phát triển KH&CN. Ngoài ra, cần tăng cường tiềm lực KH&CN; Phát triển thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN; Phát huy vai trò các tổ chức xã hội trong hoạt động KH&CN; Hợp tác về KH&CN;…