Dân Việt

Những câu hỏi lớn quanh vụ Trump bất ngờ sa thải giám đốc FBI

Tổng thống Mỹ Donald Trump gây ra một cú sốc lớn ở Washington vào ngày 9.5 khi sa thải Giám đốc FBI James Comey, người đang chỉ đạo điều tra về mối liên hệ giữa ông Trump và Nga. Theo đó, vụ sa thải bất ngờ này đang đặt ra nhiều câu hỏi lớn trong dư luận.

img

Sóng gió đang bủa vây Tổng thống Mỹ Donald Trump sau khi ông bất ngờ sa thải  Giám đốc FBI James Comey

Nhà Trắng đã thông báo rằng, quyết định sa thải Giám đốc FBI James Comey của ông Trump có sự khuyến nghị của cả Tổng chưởng lý Jeff Sessions, Phó Tổng chưởng lý  Rod Rosenstein.

Lý do dẫn đến việc ông Comey bị sa thải mà Nhà Trắng viện dẫn là do cách xử lý kém của FBI trong vụ bê bối email liên quan đến ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Hillary Clinton năm ngoái. Nhưng lý do đó không đủ để thuyết phục dư luận. Dưới đây là một số câu hỏi quan trọng đang nổi lên xung quanh việc ông Trump bất ngờ sa thải ông Comey.

Có động cơ chính trị nào khác trong vụ sa thải không?

img

Tổng thống Mỹ Donald Trump 

Việc ông Comey bị sa thải vì từng điều tra bê bối email của bà Clinton gây ra phản ứng dữ dội từ nhiều thành viên đảng Dân chủ trong Quốc hội. Những người này cho rằng, lý do trên chỉ là một cái cớ.

Chỉ một thời gian ngắn trước khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ diễn ra năm ngoái, Giám đốc FBI Comey bất ngờ thông báo trước Quốc hội rằng họ đang mở lại cuộc điều tra về cáo buộc bà Clinton làm rò rỉ thông tin mật qua các email cá nhân. Tuy nhiên, 2 ngày trước cuộc bầu cử, ông Comey lại tuyên bố rằng FBI không tìm thấy các bằng chứng mới để truy tố bà Clinton.

Bà Clinton và nhiều thành viên đảng Dân chủ cho rằng, chính hành động này của ông Comey đã khiến cựu Ngoại trưởng Mỹ thất bại trước ông Trump. 

Ông Trump cũng từng ca ngợi Comey vì đã "dũng cảm" theo đuổi vụ bê bối của bà Clinton trong suốt chiến dịch tranh cử.

Theo đó, câu hỏi lớn vẫn còn bỏ ngỏ là tại sao, vào đúng thời điểm này, khi ông Comey đang điều tra mối liên hệ giữa ông Trump và Nga, thì chính quyền Trump lại quyết định sa thải người đứng đầu FBI vì một vụ ông ta từng "dũng cảm" theo đuổi.

Cho đến nay, các quan chức Nhà Trắng vẫn bác bỏ cáo buộc về việc có thể có động cơ chính trị nào đó trong quyết định sa thải ông Comey của Tổng thống Trump. Tuy nhiên, nhiều người vẫn nghi ngờ rằng, quyết định này rõ ràng có liên quan đến vụ điều tra của FBI về mối liên hệ giữa ông Trump và Nga. 

Giám đốc bị sa thải, FBI có tiếp tục điều tra cáo buộc Nga can thiệp bầu cử Mỹ?

img

Giám đốc FBI James Comey

Dưới sự dẫn dắt của ông Comey, FBI đã đưa ra kết luận rằng Tổng thống Vladimir Putin đã đứng sau một chiến dịch trên nhiều phương diện để giúp ông Trump có lợi trong cuộc bầu cử năm ngoái.

Tuy nhiên, Nga nhiều lần bác bỏ cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ đồng thời chính quyền Trump cũng liên tục phủ nhận mọi cáo buộc có liên quan đến Nga. 

Một số thành viên đảng Dân chủ - những người tin rằng Nga có can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ - đã lên tiếng quan ngại rằng, cuộc điều tra của FBI có thể sẽ dừng lại sau khi ông Comey bị sa thải.

Thượng nghị sĩ Chuck Schumer của New York, lãnh đạo đảng Dân chủ nhấn mạnh, trừ phi chính phủ chỉ định một công tố viên độc lập đặc biệt điều tra tiếp về Nga, bằng không "mọi người dân Mỹ sẽ nghi ngờ quyết định sa thải ông Comey là nhằm để nhấn chìm vụ bê bối".  Theo đó, ông Trump, Tổng chưởng lý và Phó Tổng chưởng lý của Mỹ đang đối mặt với áp lực phải trấn an công chúng bằng việc xác nhận liệu cuộc điều tra có tiếp diễn hay không.

Nếu cuộc điều tra tiếp diễn, với một công tố viên độc lập được chỉ định, bản thân Tổng thống Trump và các đồng mình của ông sẽ phải đối mặt với áp lực bị rơi vào một tình thế nguy hiểm hơn.

Tổng chưởng lý Jeff Sessions có vai trò gì trong vụ sa thải không?

img

 Tổng chưởng lý Jeff Sessions

Vụ sa thải ông Comey đã đặt ra câu hỏi về vai trò của Tổng chưởng lý Jeff Sessions, cựu thượng nghị sĩ bang Alabama và là một trong những người ủng hộ ông Trump sớm nhất. 

Ông Sessions vừa thoát khỏi một vụ điều tra liên quan đến cáo buộc "đi đêm" với Nga hồi tháng 3 sau khi có thông tin rằng, ông đã "giấu nhẹm" Quốc hội về các cuộc gặp của mình với Đại sứ Nga tại Mỹ, Sergey Kislyak.

Hiện cuộc điều tra hiện nay nhắm vào cấp phó của ông, Phó Tổng chưởng lý Rosenstein - người đã nêu ra lý do chính thức để sa thải ông Comey.

Ông Sessions hôm nay đã viết thư cho ông Trump bày tỏ sự ủng hộ đối với lý do mà cấp phó nêu ra. Trong thư, ông Sessions nhấn mạnh rằng: "Một sự khởi đầu mới là cần thiết trong giới lãnh đạo FBI".

Phát biểu với tờ New York Times, chủ tịch chiến dịch của bà Clinton, John Podesta bày tỏ sự nghi ngờ rằng, Tổng chưởng lý Sessions là người vừa thoát vụ điều tra liên quan đến Nga giờ đây lại ủng hộ sa thải giám đốc FBI vì điều tra các vấn đề về Nga. Do đó, theo ông  Podesta "Hơn bao giờ hết, giờ đây điều người Mỹ cần là một cuộc điều tra độc lập".