Dân Việt

Giá nông sản hôm nay 11.5: Dự báo hồ tiêu toàn cầu 2017 màu xám xịt

Minh Huệ 11/05/2017 05:30 GMT+7
Tập đoàn chế biến gia vị Nedspice (Hà Lan) cho rằng, thị trường hồ tiêu năm 2017 có thể biến động mạnh, khi không còn các kênh cung cấp hàng nhưng sản lượng dự báo tăng mạnh, nhất là từ Việt Nam. Trong khi đó, đối với mặt hàng nông sản chủ lực khác của Việt Nam là cà phê, sau khi tăng giá với mức 500 đồng/kg thì ngày hôm qua lại giảm mất 100 đồng/kg.

img

Nông dân Tây Nguyên thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: TTXVN

Nguồn cung hồ tiêu toàn cầu tăng gây áp lực lên giá

“Trong suốt năm 2016, tỷ lệ dự trữ tiêu toàn cầu ở mức rất thấp, điều này có nghĩa là thị trường không còn các kênh cung cấp hàng và yếu tố cung – cầu dễ mất cân bằng. Hơn nữa sang năm 2017, sản lượng tiêu toàn cầu có khả năng sẽ tăng rất mạnh,” Nedspice nhận định.

Trước đó, Hiệp hội Hồ tiêu Quốc tế (IPC) dự đoán, sản lượng tiêu toàn cầu năm 2017 sẽ tăng lên 418.604 tấn (năm 2016 là 397.153 tấn). Trong đó, sản lượng tiêu năm nay của Ấn Độ ước tăng lên 55.500 tấn từ 48.500 tấn của năm ngoái, với nhu cầu tiêu thụ ước tăng lên 51.500 tấn.

Thị trường hồ tiêu Ấn Độ một số phiên gần đây liên tiếp giảm giá và dự báo, giá có thể giảm sâu hơn vì áp lực nguồn cung từ thị trường trong nước và từ nhập khẩu ngày càng lớn. Hiện, giá tiêu tại thị trường Ấn Độ đã giảm khoảng 100 rupee/kg so với giá trung bình của mùa vụ trước.

Trong khi đó, giới thương lái và các nhà buôn hồ tiêu Ấn Độ cũng đang "nhòm ngó" hồ tiêu từ Việt Nam vì nguồn cung từ Việt Nam đang tăng mạnh, giá bán lại rẻ hơn nhiều so với tiêu Ấn Độ. Theo ước tính, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam năm nay đạt khoảng 200.000 tấn và trong 4 tháng đầu năm 2017, Việt Nam đã xuất khẩu được 75.000 tấn.

"Nhiều doanh nghiệp Ấn Độ đang hoạt động tại Việt Nam có thể sẽ đàm phán để nhập khẩu tiêu từ nước này,” ông Joan Malayil, đại diện của Công ty Bafna (Kochi, Ấn Độ) cho hay. Ông cho biết, hiện giá tiêu Việt Nam đang giao dịch trong khoảng 280 – 300 rupee/kg, mức giá khá hấp dẫn đối với các doanh nghiệp chế biến Ấn Độ.

Thực tế cho thấy, giá hồ tiêu nguyên liệu tại Việt Nam những ngày gần đây liên tục giảm. Trong phiên giao dịch ngày 10.5, giá tiêu đã tiếp tục giảm thêm từ 1.000 - 2.000 đồng/kg, chỉ còn dao động từ 92.000 - 94.000 đồng/kg. 

Tỉnh khảo sát Giá ngày 9.5 (VNĐ/kg) Giá ngày 10.5 (VNĐ/kg) Thay đổi (VNĐ/kg)
Đăk Lăk 93.000 92.000 -1.000
Gia Lai 93.000 92.000 -1.000
Đăk Nông 95.000 94.000 -1.000
Bà Rịa - Vũng Tàu 94.000 92.000 -2.000
Đồng Nai 94.000 93.000 -1.000

Bảng giá hồ tiêu tham khảo tại thị trường Việt Nam. Nguồn: tintaynguyen.com

Ngoài ra, nhiều khu vực trồng tiêu mới ở Việt Nam, Campuchia và Brazil cũng sắp bắt đầu bước vào vụ thu hoạch, theo tin tức từ Nedspice. Theo đó, giá tiêu Ấn Độ sẽ giảm thêm 100 rupee/kg trong bối cảnh sản lượng tiêu tại Việt Nam tăng mạnh, ông Joan Malayil, đại diện của Công ty Bafna (Kochi, Ấn Độ) dự báo.

Ấn Độ là nước tiêu thụ hồ tiêu lớn nhất thế giới và cũng là nước sản xuất tiêu lớn thứ hai thế giới, sau Việt Nam.

Giá cà phê giảm nhẹ 100 đồng/kg

img

Hôm qua (10.5), thị trường cà phê nhân xô các tỉnh Tây Nguyên sụt giảm nhẹ 100 đồng/kg, chốt ở 43.800 – 44.300 đồng/kg. Cụ thể, giá cà phê tại Lâm Đông dao động từ mức 43.500 - 43.700 đồng/kg; tại Đăk Lăk giá từ 44.000 - 44.400 đồng/kg; tại Gia Lai và Đăk Nông giá cà phê cùng ở mức 44.400 đồng/kg. 

Tại cảng TP.HCM, giá cà phê robusta theo giá FOB phiên 10.5 cũng giảm nhẹ 7 USD xuống mức 1.935 USD/tấn.

Giá cà phê arabica kỳ hạn tháng 7 chốt phiên giảm 1,75 cent, tương đương 1,3% xuống mức 1,3515 USD/lb. Giá robusta kỳ hạn tháng 7 đóng cửa cũng giảm 7 USD, tương đương 0,4% chốt tại 2.020 USD/tấn.

Trong báo cáo hàng tháng của Tổ chức Cà phê quốc tế ICO, triển vọng nguồn cung cà phê vụ 2017/18 ngày càng tích cực. Tuy nhiên, trữ lượng cà phê ở Brazil thấp, nên bất kỳ thời tiết bất lợi nào trong tháng tới cũng sẽ ảnh hưởng đến nguồn cung của nước này. Mối đe dọa bùng phát dịch nấm cây ăn lá ở các quốc gia nhỏ hơn như Honduras cũng góp phần ảnh hưởng đến nguồn cung cà phê.

Brazil đã có 4 yêu cầu hạn chế để cho phép nhập khẩu cà phê từ Việt Nam mà sau đó phải được xuất khẩu như cà phê hòa tan, theo Bộ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại nước này.

Bộ trưởng cho biết Brazil đã cho phép nhập khẩu 5.893 bao (loại 60kg) cho đến nay, nhưng không một bao cà phê nào được đưa vào Brazil. Trong khi đó, các công ty cà phê hòa tan đã tìm cách nhập khẩu cà phê do thiếu hụt trong nước, nhưng không thể nhập quá 500.000 bao.

Theo Hải quan Việt Nam, trong tháng 4 vừa qua, Việt Nam – nước sản xuất robusta hàng đầu thế giới đã xuất khẩu được 135.000 tấn cà phê (tương đương 2,25 triệu bao loại 60kg), giảm 19,8% so với cùng tháng năm trước, song vẫn cao hơn một chút so với dự đoán của thị trường (khoảng 100.000 - 130.000 tấn).