Tiêu chết rụi, ông Nguyễn Văn Hải (thôn Kinh Môn, Trung Sơn) lo lắng không có tiền lo cho con ăn học. Ảnh: Ngọc Vũ
Tương lai mù mịt vì hồ tiêu chết như ngả rạ
Mấy tháng nay, không khí u buồn bao trùm khắp xã Trung Sơn (huyện Gio Linh). Tiêu chết như ngả rạ khiến từ lãnh đạo địa phương đến nông dân đều đứng ngồi không yên.
Ngôi nhà ông trước đây luôn rộn rã tiếng cười, nay im ắng lạ thường. Đang lúi húi thu dọn vườn tiêu chết rụi, ông Đào Đăng Yến (thôn Kinh Môn, xã Trung Sơn) nghẹn ngào nói: “Gia đình tôi dựa cả vào cây tiêu để sống. Nay tiêu chết hết rồi, không biết làm sao, con cái ăn học thế nào”.
17 tuổi, trong lúc giúp bố mẹ dọn cỏ trồng tiêu, ông Yến đụng phải một quả bom bi phát nổ cắt cụt hai tay. Cuộc sống của chàng thanh niên ngày ấy thoát được bế tắc, tự ti nhờ sự động viên của gia đình, xã hội. Vượt lên nghịch cảnh, ông Yến tập dần với những công việc ngày thường như ăn uống, sinh hoạt cho đến cuốc đất, dọn cỏ, thu hoạch vườn tiêu… Nhờ 206 gốc tiêu luôn xanh tốt nên gia đình ông Yến có đồng ra, đồng vào lo cho con cái ăn học.
Thế nhưng, tháng 1.2017 vườn tiêu gia đình ông Yến đột ngột chết rụi không sót gốc nào. “Nhanh lắm, như ai đổ nước sôi khiến lá rụng nhanh, thối rễ. Năm nay thấy tiêu được mùa, nhà tôi sắm thêm 2 cái thang đợi ngày thu hoạch. Nay thang còn đó, nhưng có tiêu đâu nữa mà hái. Xin hãy cứu chúng tôi” – ông Yến khẩn thiết.
Trước đây, với từng đó gốc tiêu mỗi năm ông Yến thu khoảng 3 tạ, bán được 50 triệu đồng. Nay người đàn ông 58 tuổi bị cụt hai tay do bom đạn chiến tranh đang gánh cú sốc lớn, thu nhập chính đã mất.
Ông Đào Đăng Yến (thôn Kinh Môn, Trung Sơn, Gio Linh) bị bom nổ cắt cụt hai tay, thu nhập nhờ vườn tiêu nhưng nay không còn. Ảnh: Ngọc Vũ
Vườn tiêu 240 gốc mỗi năm cho thu nhập 60 triệu đồng của gia đình ông Nguyễn Văn Hải (50 tuổi, trú thôn Kinh Môn) cũng chết trụi trong vòng 1 tuần. Nay ông Hải đang tìm cách xoay xở lo tiền ăn học cho hai đứa con ở xa.
Tìm cách cứu nông dân
Ông Phan Văn Nghi - Phó Chủ tịch UBND huyện Gio Linh cho biết, tiêu là cây mang hiệu quả kinh tế cao, cải thiện đời sống nhân dân nhưng nay tiêu chết, nhân dân lao đao theo. Vì vậy, cấp trên cần hỗ trợ nông dân về mặt khoa học kĩ thuật, cách xử lý vườn tiêu đảm bảo phòng bệnh.
Ông Nguyễn Văn Lương - Chủ tịch Hội ND huyện Vĩnh Linh đề nghị ngoài thuốc, các cấp cần hỗ trợ thêm phân bón để nông dân tái sản xuất.
Bà Nguyễn Hồng Phương - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Quảng Trị cho biết, địa bàn tỉnh có 373ha hồ tiêu nhiễm bệnh chết nhanh, diện tích nhiễm nặng 57ha, trong đó nhiều vườn cây chết hàng loạt với diện tích quy đông đặc 21,1 ha. So với năm 2016, diện tích nhiễm bệnh chết nhanh trên cây hồ tiêu tăng 188ha. Ước tính thiệt hại cho người trồng hồ tiêu do bệnh chết nhanh gây ra khoảng 10 tỉ đồng.
Nguyên nhân chủ yếu do năm 2016 mưa quá nhiều, độ ẩm đất trong các vườn tiêu quá cao, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh phát sinh và gây hại, trong đó 2 loài nấm Phytophthora tropicalis và Phytophthora capsici gây hại với đặc điểm lây lan rất nhanh qua đường nước.
Hiện nay, Chi cục đang xây dựng kế hoạch phục hồi hồ tiêu, đề nghị tỉnh hỗ trợ vôi, chế phẩm xử lý đất trồng hồ tiêu nhiễm bệnh. “Việc đầu tiên phải làm là đào gốc tiêu bị chết đem tiêu hủy, xử lý đất đúng quy trình để diệt mầm bệnh. Nếu xử lý đúng quy trình thì tháng 9 tới đây bà con có thể tái sản xuất” – bà Phương nói.
Riêng những đề nghị hỗ trợ về giống, phân bón bà Phương cho biết rất khó vì ngân sách tỉnh hạn hẹp, chưa công bố dịch thì trung ương cũng không hỗ trợ.