Xuất phát từ niềm đam mê nuôi chim bồ câu, sau khi học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt kỹ thuật, ban đầu ông Lưu Trọng Bộ mua 30 cặp chim bồ câu Pháp, với giá khoảng 250 ngàn đồng/cặp về nuôi thử nghiệm. Đến nay, đàn bồ câu của ông nhân lên gần 200 cặp, mang lại thu nhập khá từ việc bán chim thịt mỗi tháng, mở ra hướng phát triển kinh tế mới cho gia đình.
Ông Lưu Trọng Bộ (thôn Tân Lập, xã Lương Sơn, Ninh Sơn) tăng thu nhập từ mô hình nuôi chim bồ câu Pháp.
Vào thăm chuồng nuôi chim bồ câu Pháp của ông, chúng tôi ấn tượng khi thấy hàng trăm cặp bồ câu được nuôi nhốt trong lồng xếp thành một dãy dài, chia thành hai khu vực ngăn cách bồ câu non và bồ câu trưởng thành.Nhẹ nhàng sắp xếp tổ cho chim chuẩn bị đẻ, ông Bộ chia sẻ: Chim bồ câu vốn là loài dễ nuôi, lại ít bệnh, vốn đầu tư ban đầu không nhiều, thức ăn cho chim cũng dễ kiếm như bắp hạt, lúa và cám viên.
Phương pháp nuôi nhốt bồ câu giống Pháp mang lại hiệu quả hơn vì chung 1 con trống, 1 con mái trong mỗi lồng, không sợ bị lây bệnh từ bên ngoài hay bị mất như khi nuôi thả. Việc chăm sóc cũng rất đơn giản và không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ cần tận dụng thời gian rảnh vào buổi sáng và tối để cho ăn. Cho nên ngoài nuôi chim bồ câu, tăng thêm nguồn thu nhập, gia đình ông còn sản xuất 2 ha lúa và nuôi 5 con bò.
Cũng theo ông Bộ, chim bồ câu nuôi từ 4-5 tháng là bắt đầu đẻ trứng và tự ấp cho đến khoảng 17 ngày thì nở chim con, 15 ngày sau có thể bán. Chim trưởng thành đẻ trứng quanh năm, trung bình mỗi tháng. Với giá bán gần 60 ngàn đồng/cặp bồ câu ra ràng, mỗi tháng ông bán cho thương lái hơn 90 cặp, sau khi trừ chi phí, ông thu lợi hơn 3 triệu đồng/tháng.
Bà Nguyễn Thị Mai Hương, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lương Sơn cho biết, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp hứa hẹn mang lại hiệu quả kinh tế, nhưng chưa có nhiều hộ mạnh dạn đầu tư nuôi. Ông Lưu Trọng Bộ là người đi đầu trong mô hình nuôi bồ câu nhốt trong lồng, mở thêm hướng đi mới cho phát triển kinh tế hộ gia đình tại địa phương.