Sản xuất tại Nhà máy Gỗ Trường Thành. (Ảnh: IT)
Hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành bắt đầu tụt dốc từ biến cố khoản lỗ “đột biến” hơn nghìn tỷ đồng trong quý II.2016. Sau khi ra quyết định chấm dứt tư cách thành viên Hội đồng Quản trị và phê duyệt phương án khắc phục hậu quả theo đơn đề xuất của cha con ông Võ Trường Thành, TTF đã bổ nhiệm hàng loạt nhân sự cấp cao mới đến từ Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Tân Liên Phát (một công ty con của Vingroup). Lần "thay máu" này đã khiến cổ phiếu TTF tăng trong một thời gian khá dài.
Tuy nhiên, bước sang hết quý 1.2017 (ngày 31.03), Tân Liên Phát đã quyết định “chia tay” Gỗ Trường Thành, bán đi 36,2 triệu cổ phiếu, giảm số lượng sở hữu xuống còn 7 triệu cổ phiếu (khoảng 4,84% vốn điều lệ) và không còn là cổ đông lớn của Gỗ Trường Thành. Biến cố này ít nhiều lại tác động chao đảo đến thị giá cổ phiếu TTF trên thị trường, chưa kể khả năng TTF sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc khiến nhà đầu tư thêm thất vọng.
Đến giữa tháng 4, một lần nữa cổ đông TTF lại đón tin vui khi công ty tiếp tục “thay máu” dàn lãnh đạo bằng việc thông qua đơn từ nhiệm của Chủ tịch HĐQT Vũ Tuyết Hằng và bổ nhiệm thay thế chức danh Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc và Kế toán trưởng. Đơn vị mua cổ phiếu TTF từ Tân Liên Phát cũng dần lộ diện là Công ty Xây dựng U&I (U&I Construction) với số vốn điều lệ là 20,054%.
Sở dĩ, U&I Construction khiến nhà đầu tư có thêm hy vọng mới là bởi đây là công ty thành viên của Công ty CP Đầu tư U&I (U&I Investment Corporation) do ông Mai Hữu Tín là Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc. Ông Tín hiện cũng giữ chức vụ thành viên HĐQT độc lập Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank).
Hàng loạt thông tin thay đổi lãnh đạo, nhà đầu tư khiến cổ phiếu TTF nhiều phiên trồi sụt khó nắm bắt. Dù vậy, khi kết quả báo cáo tài chính quý 1.2017 được công bố, dù tình hình cũng chưa mấy khả quan nhưng kết quả lại cho thấy tình hình hoạt động của Gỗ Trường Thành đang dần phục hồi sau khi có dàn nhân sự mới tiếp quản công ty.
Cụ thể, theo báo cáo, doanh thu thuần của TTF trong quý I đạt 212 tỷ đồng, tăng 7% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận âm gần 17 tỷ đồng.
“Dù tiếp tục lỗ nhưng kết quả này cho thấy dấu hiệu khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của Gỗ Trường Thành bởi nhờ tiết giảm đáng kể giá vốn bán hàng, chi phí tài chính và quản lý doanh nghiệp nên lợi nhuận sau thuế đã tăng gấp 10 lần kỳ báo cáo liền kề trước đó. Lỗ sau thuế chưa phân phối của công ty là 1.432 tỷ đồng, tăng nhẹ so với thời điểm đầu năm”, đại diện Công ty Chứng khoán Rồng Việt nhận định.
Thực tế, gỗ Trường Thành dù gặp nhiều trắc trở gần đây nhưng vẫn là thương hiệu doanh nghiệp nội thất số 1 Việt nam trên trường quốc tế.
Điều này lý giải vì sao một công ty âm vốn chủ sở hữu thế mà có những cá nhân và tổ chức sẵn sàng cho vay hàng trăm tỷ đồng, sẵn sàng đứng ra bảo lãnh nợ cho TTF để được quyền mua cổ phiếu phát hành thêm trong tương lai.
Mới đây nhất ngày 05.05.2017, Tập đoàn Vingroup đã ký thỏa thuận nguyên tắc trong thời hạn 5 năm, Tập đoàn này sẽ đặt hàng TTF sản xuất các mặt hàng đồ gỗ với tổng trị giá là 16.000 tỷ đồng.
Chưa kể, TTF còn được giới đầu tư đánh giá là đầy tiềm năng khi có quỹ đất rừng hơn 100.000 ha; trong đó có 14.000-16.000 ha rừng trồng 10 năm tuổi, sắp đi vào khai thác.
TTF mới đây cũng bật mí, một nhà đầu tư đã ký thoả thuận hỗ trợ và sẵn sàng đảm bảo khả năng thu hồi các khoản nợ phải thu với tổng số tiền dự kiến là 400 tỷ đồng. Đổi lại, nhà đầu tư này được quyền ưu tiên mua cổ phiếu khi công ty phát hành trong tương lai.
Vingroup đã bảo lãnh cho TTF? Kết thúc quý 3.2016, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM đã từng gửi công văn cảnh báo Tập đoàn Gỗ Trường Thành về việc hủy niêm yết bắt buộc cổ phiếu TTF nếu kết thúc năm 2016 vẫn có lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp. Cụ thể, theo quy định thì chứng khoán sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc trong các trường hợp: Kết quả sản xuất, kinh doanh bị thua lỗ 3 năm liên tục hoặc tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong báo cáo tài chính kiểm toán năm gần nhất trước thời điểm xem xét. Do đó, nếu quý 4.2016 TTF không khắc phục được số lỗ lũy kế trên thì cổ phiếu này sẽ bị huỷ niêm yết bắt buộc rời sàn HOSE. Tuy nhiên, đến hết quý 4.2016, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ tại TTF lại âm 145 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ lũy kế năm 2016 âm tới 1.621 tỷ đồng, dẫn đến lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại thời điểm 31.12.2016 âm 1,767 tỷ đồng, vượt quá vốn điều lệ thực góp của TTF là 1.446 tỷ đồng. Chính vì vậy, giới đầu tư đã đồn đoán khả năng Vingroup đã “bảo lãnh” cho TTF với HOSE nên mã cổ phiếu này đến thời điểm hiện tại vẫn giao dịch trên thị trường dù thời gian giao dịch chỉ diễn ra vào buổi chiều của các phiên. |