Dân Việt

Cạn lao động nông nghiệp: Nhà nông bỏ tiền triệu mua máy thay người

Trần Đáng 14/05/2017 13:15 GMT+7
Lấy phi nông nghiệp làm đầu để phát triển kinh tế, các tỉnh vùng kinh tế trọng điểm phía Nam như Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương… đang tìm mọi cách đẩy nhanh quá trình này. Nhưng để giải quyết tình trạng thiếu nhân công mùa vụ thì các tỉnh này lại chưa có hướng ra.

Đồng Nai là một trong những tỉnh thuộc tốp đầu của khu vực, có sự chuyển dịch mạnh mẽ ở khu vực nông thôn. Những năm qua, Đồng Nai luôn định hướng chuyển dịch lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp, dịch vụ ngay trên địa bàn nông thôn theo phương châm “ly nông bất ly hương”. Kết quả, số hộ ở nông thôn tăng, nhưng số lượng và tỷ lệ nhóm hộ làm nông, lâm, thủy sản lại giảm mạnh vì sự chuyển dịch dần sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Lấy phi nông nghiệp làm đầu

img

Hàng nghìn lao động nông thôn bị hút vào khu công nghiệp khiến các mùa vụ ở miền Đông Nam Bộ thiếu hụt nhân công gay gắt. Ảnh: T.Đ

Theo ông Phạm Minh Đạo-nguyên Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, số lượng máy móc nông dân đầu tư còn quá hạn chế so với hàng trăm ngàn ha đất sản xuất nông nghiệp có thể ứng dụng máy móc. Liên kết hình thành vùng chuyên canh, sản xuất theo mô hình cánh đồng lớn để ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa, giảm chi phí, tăng sức cạnh tranh, hạn chế sử dụng nhân lực là yêu cầu rất cấp bách trong giai đoạn hiện nay. 

Cụ thể, theo số liệu từ cuộc tổng điều tra nông thôn, nông nghiệp và thủy sản năm 2016, tỉnh Đồng Nai hiện có hơn 481.000 hộ ở khu vực nông thôn, trong đó hơn 136.000 hộ làm nông, lâm, thủy sản, giảm hơn 18.600 hộ đã chuyển sang các lĩnh vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Theo ông Phạm Minh Phước - Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Cửu, trong năm 2016, huyện có thêm 72 doanh nghiệp mới đi vào hoạt động. Huyện cũng đã hình thành được một số điểm du lịch sinh thái, đầu tư chợ, trung tâm thương mại... tạo đà cho ngành dịch vụ phát triển. 

Ông Nguyễn Xuân Quang - Cục trưởng Cục Thống kê Đồng Nai khẳng định, Đồng Nai là một trong những tỉnh đứng đầu cả nước trong việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông, lâm, thủy sản sang các lĩnh vực phi nông nghiệp.

Trong khi đó, nhằm phát triển kinh tế, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cũng chọn công nghiệp và kinh tế biển nhờ hệ thống thương cảng quốc gia và quốc tế. Theo Phòng NNPTNT huyện Châu Đức, trong 10 năm tới, huyện sẽ dành một quỹ đất phi nông nghiệp khoảng 11.000ha, trong đó cho công nghiệp khoảng hơn 3.000ha; thương mại dịch vụ khoảng 700ha, đất cho phát triển hạ tầng cơ sở khoảng 4.400ha. “Trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, về cơ cấu kinh tế huyện sẽ chuyển dịch theo hướng khu vực I (nông – lâm - ngư nghiệp) sẽ giảm dần, khu vực II (công nghiệp và xây dựng) và III (dịch vụ) ngày càng tăng. Đến năm 2020, khu vực I chỉ còn 9,85%, khu vực II là 53,86% và khu vực III là 36,29%” - đại diện Phòng NNPTNT huyện cho biết.

Khát nhân công vẫn chưa có hồi kết

Theo ông Lê Văn Gọi – Phó Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Đồng Nai, việc công nghiệp tràn về nông thôn và tình trạng thiếu hụt công lao động mùa vụ là khó tránh khỏi. Để giải quyết vấn đề này, ông Gọi cho rằng, nông dân phải đưa khoa học, kỹ thuật vào đồng ruộng.

Thực tế, trước tình hình lao động nông nghiệp ngày một khan hiếm, một số hộ khá giả chấp nhận vay vốn ngân hàng mua máy móc cơ giới hóa một số khâu trong sản xuất để giảm bớt lao động thủ công và áp lực thiếu lao động mùa vụ. Nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái, cây công nghiệp đã mạnh dạn đầu tư lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm, giảm được 80% công tưới và bón phân hóa học. Nhiều hộ nông dân đã đầu tư máy móc cho một số khâu trồng trọt như làm đất, tưới, thu hoạch nhằm giảm bớt khó khăn do thiếu lao động thời vụ. Tuy nhiên, máy móc phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đa dạng nên tình trạng thiếu lao động vẫn diễn ra.

Bà Bùi Thị Xuân (xã Long Mỹ, Đất Đỏ, Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, bà đang sử dụng máy gieo đậu phộng. Với 3,5 sào đất, từ khi sử dụng máy gieo đậu phộng giúp bà giảm được thời gian, cũng như chi phí thuê nhân công.

Theo Sở NNPTNT tỉnh Đồng Nai, hiện toàn tỉnh có hơn 9.000 máy làm đất các loại, đáp ứng trên 90% diện tích đất; hơn 2.200 máy thu hoạch và máy xay xát, đáp ứng trên 65% nhu cầu sản xuất… Tuy nhiên, máy móc, thiết bị phục vụ nông nghiệp chủ yếu vẫn nhập khẩu, trong đó đa phần là máy móc đã qua sử dụng. Việc ứng dụng cơ giới hóa trong khâu thu hoạch còn hạn chế, nhất là với các cây trồng có chiều cao, tán rộng tỷ lệ cơ giới hóa hầu như bằng… 0.