Hiện có 6 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang thu mua, chế biến, xuất khẩu cà phê trên địa bàn tỉnh Đăk Lăk, gồm Dakman, Amazaro VN, chi nhánh Newman Group, Olam VN, Hà Lan VN và Công ty Vĩnh An.
Nông dân Đăk Lăk thu hoạch cà phê niên vụ 2010 - 2011. |
Mở đường cho doanh nghiệp nước ngoài
Theo thống kê của Sở Công Thương Đăk Lăk, trong năm 2010 và 5 tháng đầu năm 2011, các DN ngoại nói trên đã thu mua khoảng 195.000 tấn cà phê. Như vậy, một nửa sản lượng cà phê tại Đăk Lăk đã rơi vào tay 6 doanh nghiệp nước ngoài nên hàng chục DN xuất khẩu của VN “đói” hàng là chuyện dễ hiểu.
Về hoạt động thu mua, các cơ quan chức năng của Đăk Lăk cho rằng, cơ bản DN nước ngoài vẫn thực hiện đúng Nghị định 23/2007, chưa phát hiện DN nào thu mua cà phê trực tiếp từ người nông dân (theo Nghị định 23, DN nước ngoài chỉ được thu mua cà phê thông qua các DN hoặc đại lý của người VN, tức là các cơ sở có tư cách pháp nhân).
Nhưng trên thực tế, DN nước ngoài vẫn có thể mua cà phê của những nông dân có đăng ký kinh doanh, hoặc thành lập các hợp tác xã để lách luật. Vì vậy, rất khó xác định đường đi nước bước của hàng trăm nghìn tấn cà phê đã rơi vào tay DN nước ngoài trong mỗi năm.
Ngày 9.9.2011, UBND tỉnh Đăk Lăk còn có công văn gửi Bộ Công Thương, đề nghị xem xét cho Công ty Man - Buôn Ma Thuột (Dakman) được trực tiếp thu mua cà phê của nông dân. Lý do, theo UBND tỉnh là Man - Buôn Ma Thuột đã liên kết với nông dân trồng 3.676ha cà phê sạch 4C với sản lượng khoảng 12.000 tấn/năm, nếu không cho trực tiếp thu mua thì DN này bị thiệt thòi.
UBND tỉnh Đăk Lăk cũng cho biết sẽ yêu cầu DN này đăng ký với Sở NNPTNT, Sở Công Thương, Cục Thuế tỉnh và chính quyền các huyện, thị xã, thành phố để theo dõi, kiểm soát chặt chẽ.
Thâu tóm xong mới giở quẻ?
Dễ thấy là nếu đề nghị của UBND tỉnh Đăk Lăk được Bộ Công Thương chấp thuận, đồng nghĩa với việc sẽ mở ra một kênh chính thống cho DN nước ngoài tư do thâu tóm cà phê VN mà không cần lách luật. Bởi với tiềm lực tài chính mạnh mẽ, lãi suất vay vốn thấp, các DN nước ngoài hoàn toàn có thể vung tiền đầu tư cho nông dân để độc chiếm vùng nguyên liệu.
Theo ông Trần Trọng Lưu - Phó phòng Quản lý thương mại, Sở Công Thương Đăk Lăk, thì việc DN nước ngoài trực tiếp thu mua cà phê sẽ đem lại một số lợi ích cho nông dân như nâng cao chất lượng sản phẩm nhờ làm cà phê sạch, có thể truy nguyên nguồn gốc, giá mua cũng cao hơn...
Nhưng ông Lưu cũng thừa nhận, trước mắt là như vậy, còn về lâu dài thì không biết như thế nào. Có nhiều ý kiến lo ngại rằng, sau khi thâu tóm toàn bộ vùng nguyên liệu thì DN nước ngoài mới bắt đầu giở quẻ, quay lại ép giá nông dân.
Đè bẹp DN VN bằng tiềm lực tài chính, công nghệ chế biến, khả năng thao túng thị trường là chuyện “biết rồi, khổ lắm...”, nhưng trực tiếp đầu tư cho nông dân rồi thu mua cà phê mới là “đòn” quyết định của các DN nước ngoài trong “cuộc chơi” vốn đã không cân sức.
Đồng Nguyên