Dân Việt

Đây là 4 cách Mỹ có thể điều tra quan hệ giữa Trump và Nga

Hồng Vân 14/05/2017 19:30 GMT+7
Trump đang đứng trước áp lực phải đối mặt một cuộc điều tra độc lập về mối quan hệ của ông với Nga, nước bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ

imgTổng thống Mỹ Donald Trump. 

Khắp Washington, các nhà chính trị đang kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập về nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ và mối quan hệ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump với Moscow. Nhiều hướng điều tra được đề xuất song theo cây bút Rosalind S. Helderman từ Washington Post, có 4 phương án khả thi.

Công tố viên đặc biệt

Bộ Tư pháp Mỹ có thể bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt, người chịu trách nhiệm xử lý các vấn đề được cho là xung đột quyền lợi hoặc có nguy cơ bị thành kiến trong quá trình điều tra.

Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã tuyên bố rút khỏi cuộc điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ, vậy nên giờ đây, mọi chuyện chỉ còn phụ thuộc vào việc Thứ trưởng Tư pháp Rod J. Rosenstein có quyết định bổ nhiệm một công tố viên đặc biệt hay không.

Quốc hội Mỹ không có quyền bổ nhiệm công tố viên đặc biệt dù một số nghị sĩ Dân chủ công khai kêu gọi ông Rosenstein làm điều này.

Một khi được bổ nhiệm, công tố viên đặc biệt sẽ hợp tác với Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cùng hệ thống tòa án để tống đạt các trát yêu cầu cung cấp tài liệu, thực hiện những cuộc thẩm vấn hay xem xét đưa ra các quyết định khởi tố.

Trong bê bối nghe lén Watergate năm 1972, bộ trưởng tư pháp Mỹ Elliot Richardson đã bổ nhiệm Archibald Cox làm công tố viên đặc biệt điều tra cáo buộc Nhà Trắng đứng sau vụ đột nhập vào văn phòng Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ bên trong tòa nhà Watergate, Washington, nhằm đặt thiết bị nghe lén. Lúc bấy giờ, thượng viện Mỹ coi quyết định bổ nhiệm như điều kiện để phê chuẩn chức vụ cho ông Richardson.

Thời điểm đó, có rất ít quy định chi phối tiến trình bổ nhiệm công tố viên đặc biệt. Công tố viên đặc biệt cũng không thực sự độc lập vì có thể bị sa thải bởi bộ trưởng tư pháp hoặc tổng thống. Thực tế, tổng thống Mỹ Richard Nixon đã ra lệnh sa thải Cox vào đêm 20/10/1973. Sau quyết định này, bộ trưởng tư pháp Elliot Richardson và thứ trưởng tư pháp William Ruckelshaus cũng từ chức.

Ngày nay, những quy định chính thức do Bộ Tư pháp ban hành chi phối phương thức hoạt động của các công tố viên đặc biệt và cung cấp cho họ khả năng độc lập cao hơn. Tuy nhiên, còn một điều chưa thay đổi: Bất kỳ tổng thống nào đối mặt với một cuộc điều tra vẫn có quyền sa thải công tố viên đặc biệt.

img

Người dân Mỹ biểu tình trước cổng Nhà Trắng, yêu cầu điều tra mối quan hệ giữa Trump và Nga hôm 10.5 sau quyết định sa thải giám đốc FBI James Comey. Ảnh: UPI

Công tố viên độc lập

Một đạo luật đặt ra quy trình bổ nhiệm luật sư nhà nước độc lập, hay còn gọi là công tố viên độc lập, được thông qua vào năm 1978, sau vụ bê bối Wategate nhưng đã hết hạn vào năm 1999, giữa lúc cuộc điều tra độc lập nhằm vào bê bối tình ái của tổng thống Mỹ Bill Clinton với một nữ thực tập sinh Nhà Trắng gây tranh cãi gay gắt.

Đạo luật năm 1978 quy định bộ trưởng tư pháp khởi động tiến trình điều tra, trong khi đó, một hội đồng thẩm phán liên bang từ Tòa phúc phẩm quận Columbia sẽ ra quyết định bổ nhiệm và giám sát hoạt động của công tố viên độc lập. Cũng theo luật trên, công tố viên độc lập chỉ bị sa thải với "lý do chính đáng".

Song theo các luật hiện hành, không có cơ chế nào để bổ nhiệm một công tố viên độc lập. Về mặt giả thiết, quốc hội Mỹ có thể thông qua luật để bổ nhiệm công tố viên độc lập hoặc thiết lập một quy định bổ nhiệm các công tố viên độc lập phụ trách chung hay bổ nhiệm một công tố viên độc lập cụ thể để điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ.

Nhưng cây bút Rosalind S. Helderman cho rằng nhiều khả năng quốc hội Mỹ sẽ không làm vậy vì bất cứ đạo luật nào nếu muốn thông qua cũng cần nhận được sự ủng hộ từ lưỡng viện, hiện do đảng Cộng hòa nắm quyền kiểm soát, cũng như chữ ký của Tổng thống Trump.

Ủy ban điều tra đặc biệt của quốc hội

Quốc hội Mỹ có quyền lực rộng lớn để điều tra những vấn đề mà công chúng quan tâm. Những ủy ban trực thuộc quốc hội có thể ra lệnh cung cấp tài liệu, lời khai từ các nhân chứng liên quan, đưa ra báo cáo kết luận điều tra hoặc thậm chí khởi động tiến trình luận tội quan chức chính quyền.

Nhưng các ủy ban của quốc hội không có quyền ra quyết định khởi tố. Hiện nay, cả Ủy ban Tình báo Thượng viện lẫn Hạ viện Mỹ đều đang điều tra nghi án Nga can thiệp bầu cử tổng thống Mỹ.

Ngoài ra, một phương án khác là quốc hội bổ nhiệm một ủy ban đặc biệt với các thành viên là những nghị sĩ từ hạ viện hoặc thượng viện. Thông thường, các ủy ban đặc biệt như vậy được thành lập bởi một nghị quyết do thượng viện hoặc hạ viện bỏ phiếu thông qua.

Việc thành lập ủy ban đặc biệt của quốc hội có khả năng gây chú ý hơn đối với vấn đề được điều tra nhưng không có gì bảo đảm ủy ban này sẽ không bị tính đảng phái ảnh hưởng, Helderman nhận xét.

Ủy ban điều tra độc lập

img

Chính phủ Nga bị nghi ngờ can thiệp cuộc bầu cử tống thống Mỹ để giúp ông Trump đắc cử. Ảnh minh họa: AP

Quốc hội Mỹ cũng có thể thành lập một ủy ban điều tra độc lập gồm thành viên không phải các nghị sĩ. Quốc hội Mỹ có quyền đặt ra những quy định đối với ủy ban này, bao gồm cả tiêu chuẩn để được ngồi vào ghế thành viên ủy ban.

Việc thiết lập một ủy ban như vậy đòi hỏi quốc hội phải thông qua luật và cần tổng thống Mỹ ký ban hành. Cũng giống ủy ban điều tra đặc biệt của quốc hội, ủy ban độc lập không có quyền đưa ra quyết định khởi tố.

Năm 2002, khi thành lập ủy ban đặc biệt điều tra vụ tấn công khủng bố 11/9, quốc hội Mỹ đặt ra yêu cầu là các thành viên trong ủy ban phải gồm 5 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 5 nghị sĩ đảng Dân chủ.

Ủy ban trên đã tổ chức các phiên điều trần thu hút sự quan tâm của dư luận với lời khai từ những quan chức cấp cao để rồi cuối cùng công bố một báo cáo đồ sộ tường trình chi tiết về vụ tấn công và cách chính phủ phản ứng.