Người phát ngôn Cảnh sát quốc gia Piya Uthayo cho biết cụ thể là chính phủ sẽ huy động 14.880 cảnh sát và binh sĩ để ứng phó với kế hoạch biểu tình lớn nói trên. Ông Piya nói: "Mục tiêu của chúng tôi là ngăn chặn bất cứ vụ bạo lực hay đụng độ nào".
Các nhà ngoại giao nước ngoài tại cuộc họp ngày 8.1 để thông báo về các giải pháp an ninh ở Bangkok.
Thủ tướng Yingluck đã kêu gọi tiến hành bầu cử sau nhiều tuần diễn ra làn sóng biểu tình đường phố do phe đối lập phát động. Tuy nhiên, những người biểu tình đã thề sẽ ngăn chặn cuộc bỏ phiếu này. Người biểu tình tuyên bố họ sẽ chiếm thủ đô từ ngày 13.1 cho tới khi đạt được mục đích lật đổ chính quyền hiện nay. Trước đó chính quyền Bangkok đã yêu cầu 146 trường học đóng cửa vào ngày 13.1 để đề phòng nguy cơ bạo lực. Hãng hàng không Singapore Airlines cũng đã hủy 19 chuyến bay tới Bangkok từ ngày 14 đến 25.2.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Thái Lan đã tổ chức một cuộc họp với các nhà ngoại giao nước ngoài để trấn an các nhà ngoại giao rằng họ sẽ đi lại một cách an toàn trong ngày 13.1. Có khoảng 50 đại diện đại sứ quán, trong đó có đích thân 28 đại sứ tại Bangkok đã bày tỏ sự lo ngại về nguy cơ an ninh. Tổng cộng có 20 đại sứ quán trên các tuyến phố Silom, Sathorn, và đường Witthayu dự kiến sẽ bị ảnh hưởng.
Các quan chức cho biết chính quyền Thủ tướng Yingluck Shinawatra sẵn sàng ban bố tình trạng khẩn cấp nếu bạo lực nổ ra. Một số nhà phân tích dự báo lực lượng biểu tình của cựu Phó Thủ tướng Suthep Thaugsuban sẽ cố tình kích động bạo lực để quân đội buộc phải đảo chính lật đổ chính phủ. Mới đây, Tư lệnh quân đội Prayuth Chan-ocha cảnh báo chính phủ sẽ phải chịu trách nhiệm nếu có đổ máu. Tuy nhiên, bà Yingluck đã khẳng định sẽ không có đảo chính.