Nhà nghiên cứu Nguyễn Trần Bạt. Ảnh: V.V.T
Hội nghị Trung ương 5 vừa phát đi thông điệp về phát triển kinh tế tư nhân. Ông nghĩ sao về chuyển động này?
- Trong quá khứ, đã có lúc nhiều người sai lầm trong việc nhìn nhận về kinh tế tư nhân, nhưng rất may là xã hội đã nhận ra và đang trong quá trình đúng dần lên của các quan điểm kinh tế.
Kinh tế tư nhân là công cụ để giúp con người hình thành kế hoạch kinh doanh của mình. Nó động viên, khai mở năng lực và làm bật dậy tất cả tính năng động của họ. Tất cả các mức độ phát triển khác nhau của khu vực này làm nở rộ những khát vọng làm ăn và đó chính là động lực của sự phát triển kinh tế. Con người ngủ gà, ngủ gật không muốn làm gì thì không có động lực.
Bây giờ mọi người hay nói đến nhà nước kiến tạo nhưng chưa ai nói cụ thể. Khôi phục và xây dựng các điều kiện để cho kinh tế tư nhân phát triển một cách lành mạnh, là một trong những biểu hiện cơ bản nhất trong hoạt động kiến tạo của nhà nước.
Vấn đề mấu chốt để phát triển kinh tế tư nhân hiện nay là gì, thưa ông?
- Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một không gian chính trị, phải xây dựng thể chế để mọi thành phần kinh tế, bao gồm khu vực tư nhân, phát triển được trong không gian ấy. Và đó phải là một không gian tập hợp các lực lượng mạnh nhất của khu vực kinh tế tư nhân, để các đại công ty đồng hành phục vụ chương trình phát triển kinh tế chung.
Muốn vậy, nhà nước cần thiết sửa chữa, xây dựng các tiêu chuẩn của thể chế kinh tế để lôi cuốn con người vào thực tế kinh doanh, đồng thời tiếp tục cải cách chính trị để duy trì tính ổn định trong cảm hứng sản xuất và kinh doanh của xã hội. Nghĩa là kinh tế tư nhân phải được đảm bảo các điều kiện và khẳng định về mặt chính trị.
Đây sẽ là công cuộc cải cách xã hội khổng lồ, nó xác lập địa vị hoạt động kinh tế cho mỗi người dân và đổi mới cách nhìn nhận giá trị của các khu vực khác nhau. Mỗi lần đổi mới là thêm khó khăn cho các nhà quản lý, vì họ phải đối mặt với một xã hội khó quản lý hơn, đòi hỏi nhiều hơn về quyền. Chúng ta không có con đường nào khác.
Các tiêu chuẩn của thể chế mà ông vừa đề cập, cụ thể là vấn đề gì ?
- Đến chào hàng và bán hàng ở thị trường là nhiệm vụ của giới kinh doanh, còn làm cho cái chợ ấy sạch sẽ, nghiêm túc, minh bạch là công việc của nhà nước. Tôi nghĩ nhà nước phải làm bằng mọi cách để đảm bảo sự bình đẳng tiếp cận tất cả nguồn tài nguyên, nguồn quyền lực và nguồn tín dụng của các doanh nghiệp. Nếu không thì đấy vẫn là một cái chợ đặc quyền.
Khu vực tư nhân mà dính dáng đến cái chợ đặc quyền thì khó chữa hơn nhiều so với khu vực nhà nước. Khu vực nhà nước thì Đảng có thể ra chỉ thị đối với đảng đoàn trong doanh nghiệp. Chẳng hạn, chấn chỉnh đạo đức kinh doanh trong một tập đoàn thì Đảng có thể can thiệp được, nhưng Đảng không thể ra nghị quyết cho tiểu thương ở chợ Đồng Xuân được.
Những tác động vào thị trường phải đi qua trật tự hành chính. Không xác lập được độ minh bạch, sạch sẽ của của khu vực hành chính thì không có cách gì xây dựng thị trường tốt được. Đấy là công việc mà hằng ngày, những người có trách nhiệm phải suy nghĩ.
"Các tập đoàn lợi ích bẻ gãy mặt tích cực của chính sách"
Ông Nguyễn Trần Bạt cho rằng "phát triển kinh tế tư nhân là cuộc cải cách khổng lồ". Ảnh minh hoạ: VIR
Trong khi nói đến phát triển kinh tế tư nhân, ông có suy nghĩ như thế nào về các mặt hạn chế của nó?
- Cả tư nhân và quốc doanh đều sử dụng nguồn lực từ xã hội. Ở đâu dùng có hiệu quả thì ở đấy tích cực chứ không phải cứ tư nhân là sẽ sử dụng tích cực. Bát súp của tư nhân hay của nhà nước đều múc trong một cái nồi, đó là dự trữ tài chính của xã hội.
BOT giao thông phát triển đường xá, đó là mặt tích cực. Nhưng dư luận cũng nói đến các trạm thu phí mọc lên trên những tuyến đường được tráng lớp nhựa mới. Như vậy, chỉ cần thay áo là tuyến đường đã trở thành một dự án mới. Nếu không cảnh giác, người ta có thể chuyển từ sự ăn cắp dưới hình thức tham nhũng thành cướp đoạt công khai có bảo hộ của pháp luật. Khi đó chúng ta sẽ học được bài học lớn là chống tham nhũng trong khu vực tư nhân khó hơn nhiều so với ở khu vực nhà nước.
Nếu để các tập đoàn hình thành một cách không rõ ràng và không lành mạnh, đất nước sẽ có một khu vực tư nhân nhiều mảng tối. Nó sẽ trở thành sự trộn lẫn giữa quyền lực chính trị và các lợi ích kinh tế không lành mạnh. Những tập đoàn tư nhân theo kiểu ấy dần dần sẽ biến xã hội thành chỗ kiếm tiền bất chính chứ không phải xã hội là đối tượng phục vụ của nó.
Truyền thông vẫn dùng từ doanh nghiệp "sân sau", nhưng hiện tượng gần đây cho thấy một số trường hợp đang trở thành "sân trước", thành "đại lộ" của các nhóm lợi ích hiểu theo nghĩa tiêu cực. Các tập đoàn lợi ích bẻ gãy mặt tích cực của chính sách, vì vậy không chống tham nhũng thì không thể nào phát triển, không thể nào xây dựng đất nước.
Như ông nói ở trên là trong khu vực kinh tế tư nhân đã hình thành một số tập đoàn lớn. Tuy nhiên, giáo sư Trần Văn Thọ từ Nhật Bản cho hay là 8/10 người giàu tại đây thành công nhờ đầu tư vào sản xuất công nghiệp, chứ không chỉ dựa vào bất động sản. Ông chia sẻ như thế nào về xu hướng ngược lại ở Việt Nam?
- Phần lớn sự giàu lên của người Việt là nhờ đất đai, nhưng cũng không thể đem câu chuyện này ra so với các nước phát triển như Nhật Bản được. Nhiều người thắc mắc tại sao không kinh doanh các sản phẩm như robot? Việt Nam làm gì có những nhà khoa học như thế? Ở đây chưa có văn hóa đầu tư vào khoa học. Hệ thống quản lý chưa đủ năng lực để có thể bảo hộ các sáng chế cỡ như thế.
Trong khi Việt Nam chưa kịp công nghiệp hóa thì nền công nghiệp thế giới đã hoàn chỉnh và đang bước sang giai đoạn phát triển mới, không dễ để một nước đi sau tìm được không gian nho nhỏ nào đó để chen chân. Người Việt hô hào một cái là sẵn sàng đổ xô đi học kinh tế, học tài chính ngân hàng. Ai cũng có thể làm nhà tài chính được, nhưng làm công nghiệp thì hầu như không có.