Dân Việt

Nhiều tỉnh thờ ơ giải cứu lợn, người nuôi chìm sâu trong thua lỗ

Đình Thắng 16/05/2017 18:30 GMT+7
“Trong thời điểm nước sôi lửa bỏng như thế này mà vẫn còn nhiều tỉnh thờ ơ với việc giải cứu lợn, các chính sách hỗ trợ tín dụng chưa đến tay người dân. Có tỉnh thì đang họp bàn đưa ra giải pháp, có tỉnh thì đang xem xét triển khai. Với cách làm chậm chạp như thế thì không biết đến bao giờ người dân mới hết khổ”.

Chia sẻ với Dân Việt chiều nay (16.5), ông Nguyễn Văn Trọng – Cục Phó Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) đã bức xúc trước sự vào cuộc giải cứu lợn thiếu quyết liệt của các địa phương.

img

Nhiều địa phương thờ ơ trong việc giải cứu lợn, các hộ chăn nuôi vẫn chìm trong khó khăn thua lỗ. Ảnh: IT

-Trong nhiều ngày qua, Bộ NNPTNT đã có nhiều đoàn đi địa phương kiểm tra đôn đốc giải cứu lợn. Đánh giá của ông về sự vào cuộc của các địa phương?

Trong những ngày qua, Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi đã liên tục có các đoàn đi kiểm tra nắm bắt tình hình thực tế ở rất nhiều địa phương trong cả nước, đồng thời đốc thúc, họp bàn với các địa phương và các sở ban ngành liên quan để đưa ra những giải pháp giải cứu lợn khẩn cấp. Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, Thứ trưởng Vũ Văn Tám liên tục dẫn đầu đoàn đi TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, Bình Định, Quảng Nam, Thái Bình, Thanh Hóa, Hải Dương để đốc thúc chỉ đạo các địa phương vào cuộc rốt ráo.

Chúng tôi ghi nhận TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai là hai địa phương vào cuộc nhanh chóng, cả hệ thống chính trị vào cuộc, họ có nhiều giải pháp kịp thời, kết nối DN, các hợp tác xã, các hộ chăn nuôi, chính vì thế hiệu quả giải cứu lợn rất cao. TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều DN tiến hành mua 300 con lợn mỗi ngày để giết mổ, cấp đông, các DN hạ giá bán, tăng giá thu mua cho các hộ nuôi, các DN thú y, thức ăn hạ giá bán. Ở Đồng Nai, đến thời điểm này đã mở 11 điểm thu mua, giết mổ tiêu thụ lợn tập trung, giá thu mua 30.000-31.000 đồng/kg. Với những hành động quyết liệt đó, các hộ nuôi lợn đã phần nào được chia sẻ, vơi bớt khó khăn.

img

Trong hơn 2 tuần vừa qua, Hội Nông dân TP. Hải Phòng đã giúp nông dân bán hàng trăm con lợn thông qua các điểm bán thịt lợn bình ổn giá. Ảnh: Ngân Phạm.

Tuy nhiên vẫn còn nhiều tỉnh vào cuộc giải cứu rất chậm chạp. Trong lúc nước sôi lửa bỏng mà họ thờ ơ với người dân như thế thì thật không hiểu nổi.

-Địa phương vào cuộc chậm chạp, vậy các hộ nuôi lợn ở đó đang trong tình cảnh như thế nào thưa ông?

Ngoài Đồng Nai, tôi có đi Bình Dương, Tiền Giang, Bến Tre, tôi đã làm việc với lãnh đạo các tỉnh, đã đến các hộ nuôi lợn, các chợ, siêu thị khảo sát và nắm bắt tình hình. Người nuôi lợn gần như chưa nắm bắt được thông tin các chính sách hỗ trợ về tín dụng vừa ban hành, họ còn rất khó khăn và rất cần vốn, giá thu mua lợn trong dân vẫn rất thấp, trong lúc đó giá bán lợn tại các chợ, siêu thị vẫn rất cao.

Ngay như tỉnh Bình Dương chưa có động thái gì về giải cứu lợn, mặc dù sát cạnh Đồng Nai – một tỉnh vào cuộc rất quyết liệt. Tỉnh Tiền Giang cũng tương tự vậy, ở đây giá thuốc thú y, vắc xin ngoại vẫn tăng, thuốc thú y, thức ăn nội không hạ giá. Lúc này một miếng khi đói bằng một gói khi no, nên rất cần các tỉnh vào cuộc giải cứu lợn một cách quyết liệt nhất rốt ráo. Các hộ nuôi cần vốn để duy trì đàn giống, đàn nái và đàn lợn chưa đến tuổi giết thịt, giờ duy trì như thế nào cũng rất khó khăn, nếu không cung cấp giống đủ thì sẽ dẫn tới nguồn cung thiếu trong 6-7 tháng tới, lúc đó giá sẽ tăng đột biến.

Hiện nay có những địa phương như Tiền Giang, Bình Dương – là hai thủ phủ chăn nuôi lợn ở miền Nam, số đàn nái đã giảm 50%, nếu giảm nái nhiều quá sẽ khủng hoảng về giống. Tỉnh Bến Tre có khá hơn nhưng chưa có động thái nhiều, người chăn nuôi cũng chưa được hưởng những chính sách của nhà nước.

Người nuôi họ tự tìm mọi phương án để tự giải cứu cho lợn nhà mình. Ở Bình Dương, các hợp tác xã chăn nuôi lợn đề xuất tỉnh tổ chức các điểm bán, thu mua giết mổ giải cứu, tuy nhiên Bình Dương cũng đang nghiên cứu.

-Vậy Bộ NNPTNT đã làm gì trước sự thờ ơ của các địa phương trong vấn đề giải cứu lợn thưa ông?

Các tỉnh thờ ơ là những tỉnh có nguồn thu từ công nghiệp là chính. Các tỉnh ĐBSCL gặp khó ở chỗ họ không có kho lạnh cấp đông cho thịt lợn, họ chỉ có kho lạnh cấp đông cho hải sản.

4 tỉnh tôi đi kiểm tra, tôi đều yêu cầu Sở NNPTNT phải có đề xuất UBND tỉnh để có giải pháp kịp thời ủng hộ các tổ hợp tác hợp tác xã giúp họ giải quyết khó khăn, các địa phương phải kịp thời mở các địa điểm bán thịt giải cứu, hạ giá bán. Đồng thời tỉnh cần làm việc với ngân hàng, Sở Công thương tiến hành triển khai khoanh giãn nợ cho hộ nuôi, có kế hoạch duy trì, giảm có lộ trình đàn lợn nái, không giảm sâu sẽ thiếu nguồn giống.

Lãnh đạo Bộ NNPTNT, Cục Chăn nuôi đang tiếp tục đốc thúc các địa phương, liên tục đi kiểm tra cơ sở để nắm bắt tình hình, cùng địa phương đưa ra những giải pháp hiệu quả nhất để giải cứu lợn tốt nhất có thể.

-Xin cảm ơn ông!

Đến lúc này rồi mà có tỉnh vẫn đang loay hoay với các ý tưởng giải cứu, có tỉnh đang nghiên cứu xem xét, các tỉnh chưa có giải pháp giải cứu trực tiếp, lúc này mà còn nghiên cứu thì đến bao giờ mới giải cứu?

Ông Nguyễn Văn Trọng – Cục Phó Cục Chăn nuôi