Khá ngạc nhiên là, ông chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam không những đề xuất tăng thuế môi trường mà còn hào hứng:“Tăng thuế bảo vệ môi trường lên 8.000 đồng/lít chưa có lộ trình cụ thể. Nhưng chúng tôi ủng hộ sớm điều chỉnh thuế nội địa lên, ít nhất là đưa thuế tiêu thụ đặc biệt và bảo vệ môi trường lên chiếm trên 50% cơ cấu giá để đảm bảo thu ngân sách Nhà nước”.
Hiện nay, Việt Nam đã và đang tham gia 11 Hiệp định thương mại tự do. Theo cam kết trong các hiệp định thương mại tự do thì Việt Nam phải thực hiện cắt giảm dần thuế nhập khẩu. Để xăng dầu đến tay người tiêu dùng có 4 loại thuế, bao gồm thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế bảo vệ môi trường, thuế giá trị gia tăng. Theo Bộ Tài chính tỷ lệ thuế trên giá cơ sở của Việt Nam đang ở mức thấp (37,24% đối với xăng; 21,14% đối với diesel; 11,5% đối với dầu hỏa; và 18,4% đối với mazút) so với nhiều nước (Hàn quốc là 70,3%; Campuchia khoảng 40%; Lào khoảng 56%).
Theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung Luật Thuế bảo vệ môi trường, khung thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu sẽ tăng từ mức hiện tại là 1.000 - 4.000 đồng/lít lên 3.000 đồng - 8.000 đồng/lít.
Thực tế, Hiệp hội Xăng Dầu đã nhiều lần đề xuất điều chỉnh tăng thuế nội địa đối với sản phẩm xăng dầu. Lập luận của Hiệp hội cho thấy việc tăng thuế nội địa không chỉ bù đắp phần hụt thu do cắt giảm thuế nhập khẩu theo cam kết quốc tế, mà còn hài hòa được lợi ích của 3 bên: Nhà nước, người tiêu dùng, doanh nghiệp. Theo Hiệp hội xăng dầu, điều này nhất quán với đường lối phát triển thị trường xăng dầu trong trước mắt và dài hạn.
Đại diện cho Hiệp hội Xăng dầu, trong lập luận của mình, ông Ruệ khẳng định, nếu giảm thuế nhập khẩu mà tăng thuế nội địa thì giá bán lẻ xăng dầu vẫn thế. Trong khi các chuyên gia phân tích dẫn chứng rằng: Theo cập nhật giá xăng A92 giao dịch hôm qua, ngày 15-5, là 60,24 USD/thùng, thì giá nhập khẩu CIF (tức đã gồm chi phí vận chuyển, bảo hiểm) về đến cảng VN, dùng để tính giá xăng là 62,74 USD/thùng.
Với mức thuế nhập khẩu hiện nay là 10,21%, số tiền thuế nhập khẩu trong một lít xăng A92 khoảng 900 đồng/lít. Thuế bảo vệ môi trường của xăng A92 hiện nay là 3.000 đồng/lít. Cộng với tất cả các loại thuế phí khác, giá xăng sẽ vào khoảng gần 17.000 đồng/lít. Trong khi đó, nếu khi thuế nhập khẩu về 0% và thuế môi trường tăng lên 8.000 đồng/lít thì giá xăng A92 sẽ phải là 21.400 đồng/lít.
Rõ ràng là giảm thuế này, tăng thuế kia đã làm thay đổi giá xăng dầu chứ không thể nói như ông Ruệ là giá vẫn không thay đổi.
Mặt khác, Bộ Tài chính lý giải thu thuế bảo vệ môi trường (BVMT) với xăng dầu để phục vụ cho mục đích bảo vệ môi trường. Năm 2016, số thu từ thuế BVMT là hơn 42.000 tỷ đồng, trong khi số chi cho sự nghiệp BVMT chỉ khoảng hơn 12.000 tỷ đồng. Nhưng, cụ thể chi như thế nào, khoản còn lại sẽ để làm gì đều chưa được làm rõ và công khai.
Thuế là công cụ quan trọng để tăng nguồn thu BVMT, nhưng không phải là công cụ duy nhất. Cùng với thuế, cần tính đến các công cụ khác, nhất là xử phạt thật nặng với hành vi gây tổn hại đến môi trường. Mặt khác, Chính phủ đang chủ trương tái cơ cấu thu chi ngân sách, nếu chỉ tăng thu mà không chú trọng giảm chi hợp lý thì không hẳn đã hiệu quả. Trong khi đó, chắc chắn việc tăng thuế sẽ gây nhiều hệ lụy là giá nguyên liệu đầu vào cao làm giảm năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khiến họ khó khăn hơn trong kinh doanh và không còn nguồn tiền để đóng thuế.
Rõ ràng, mọi việc không đơn giản như lời ông Chủ tịch Hiệp hội Xăng Dầu Việt Nam là tăng thuế để “đảm bảo thu ngân sách nhà nước”. Khi tăng thuế môi trường Bộ Tài chính cần tính toán hiệu ứng và tác động của việc điều chỉnh tăng khung thuế BVMT với xăng, dầu. Bởi, khi thuế tăng thì giá xăng, dầu sẽ sớm được điều chỉnh tăng, từ đó khiến lạm phát tăng, hệ quả sẽ khó lường.