Ngoài việc dùng hoa lục bình và đọt non làm thức ăn, thân lục bình còn được sử dụng trong việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm vì giảm chi phí đầu tư thức ăn và bổ sung thêm rau cho các loài vật nuôi giúp chúng tăng trọng nhanh.
Lục bình hay còn gọi là bèo sen, bèo tây, bèo Nhật Bản. Cây thân thảo, sống lâu năm lênh đênh trên các ao hồ hay các dòng sông, vì đặc tính của chúng nổi trên mặt nước và có thể sống tốt ở những nơi đất lung, bàu, đất nhão, bộ rễ của lục bình khá dài, độ lớn của lục bình tùy thuộc vào môi trường sống, nếu sống trên sông, rạch ít di chuyển và vào những tháng mùa mưa thì thân lục bình cao gần 1m và gặp đất tốt chúng lớn rất nhanh, sự phát triển thay đổi theo từng ngày.
Lục bình trôi trên sông được nhiều người dân ở xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) dùng sào cắm lại để lấy thân cây bán.
Thường vào những tháng trời nắng hạn là thời điểm lục bình ra hoa, nhiều người dùng hoa lục bình để chấm mắm kho, nấu canh chua, cá rô đồng hay xào tép kể cả đọt non của cây đem lát mỏng nấu canh ăn rất ngon. Ngoài việc dùng hoa lục bình và đọt non làm thức ăn, thân lục bình góp phần rất lớn trong việc chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm vì lấy lục bình dùng làm thức ăn cho chúng nên giảm chi phí đầu tư thức ăn và việc bổ sung thêm rau cho các loài vật nuôi giúp chúng tăng trọng nhanh.
Bên cạnh đó, theo đông y, lục bình còn có tác dụng chữa sưng bắp chuối ở bẹn, sưng nách, tiêm bị áp xe, viêm khớp ngón tay… Đồng thời, lục bình còn được dùng để tạo nên các loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, như đan giỏ xách tay, đan ghế, đan bình hoa. Chính từ hiệu quả kinh tế cây lục bình đem lại nên vài năm trở lại đây, nhiều địa phương đã tạo điều kiện để phát triển cây lục bình trên các dòng kênh làm nguồn nguyên liệu.
Hiện tại, trên địa bàn xã Mỹ Phước (Mỹ Tú) đã có vài hộ dân tận dụng lục bình trôi tự nhiên trên sông dùng sào cây ven giữ lại nhằm thu hoạch bán cho các cơ sở sản xuất.
Hoa lục bình được dùng để ăn rau sống, chấm mắm kho, nấu canh chua...
Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Phước Lê Vũ Phương thông tin: “Khoảng 1 tháng nay, người dân của xã đã dùng cây bảo quản số lục bình trôi trên sông để bán. Tôi nhận thấy cây lục bình lớn khá nhanh chỉ 2 tuần quan sát chúng cao lên thấy rõ, mặc dù nhiều người cho rằng cây lục bình phiền toái khi tràn đầy ra các kênh, rạch, cản trở lưu thông của các loại ghe thuyền đi lại nhưng nếu người dân địa bàn xã có dự định thực hiện mô hình bảo quản lục bình trên sông bán tăng thu nhập, địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi để hỗ trợ phát triển mô hình. Bên cạnh đó, yêu cầu người nuôi lục bình phải bảo quản tốt số lục bình nuôi, đồng thời đảm bảo sự lưu thông đi lại của các loại ghe xuồng trên sông”.