Dân Việt

Tăng 8000 đồng thuế BVMT: Giá xăng Việt Nam đắt hay rẻ?

A.T 17/05/2017 16:15 GMT+7
Báo điện tử Dân Việt đã có bài viết: “Tăng 8000 đồng thuế BVMT: Không đơn giản như lời phát biểu của ông Ruệ!” phân tích những ảnh hưởng của quyết định tăng thuế BVMT. Trong bài viết này xin phân tích thêm một số tiêu chí liên quan đến giá xăng dầu.

img

Liên quan đến vấn đề sử dụng xăng dầu, các quốc gia quan tâm đến 3 tiêu chí: giá bán lẻ xăng RON-95 (price), giá xăng so với thu nhập bình quân (affordability), và mức chi tiêu mua xăng hàng tháng (income spent). Một trong những tiêu chí mà Bộ Tài chính đưa ra để tăng thuế BVMT là giá xăng dầu Việt Nam đang ở mức thấp.

VN đang chịu giá xăng dầu quá cao so với thu nhập bình quân

Theo bảng xếp hạng của trang web Global Petrol Prices vào đấu tháng 4. 2017 thì giá bán lẻ xăng dầu của Việt Nam đang ở mức thấp (trong 180 nước thì Việt Nam đứng thứ 44 từ thấp đến cao và 136 nước có giá bán lẻ xăng dầu cao hơn Việt Nam, trong đó Philippines đứng thứ 55, Campuchia đứng thứ 58, Thái Lan đứng thứ 88, Lào đứng thứ 97).

Theo đó mức giá bán lẻ xăng Ron92 vùng 1 của Việt Nam cập nhật đến ngày đầu tháng 4 là 17.230 đồng/lít, thấp hơn Lào là 4.806 đồng/lít, thấp hơn Campuchia là 2.826 đồng/lít, thấp hơn Thái Lan là 1.166 đồng/lít, thấp hơn Singapore là 16.175 đồng/lít, thấp hơn Philippines là 3.375 đồng/lít, thấp hơn Hồng Kông là 26.518 đồng/lít. Nhưng những người am hiểu về kinh doanh xăng dầu đều biết rằng, không thể đơn thuần so sánh con số giá bán lẻ để công bố xăng dầu Việt Nam đắt hay rẻ. Chúng ta, cần tính giá xăng so với thu nhập bình quân (affordability) chúng ta mới biết được theo chính xác giá xăng đắt hay rẻ.

Theo phương pháp tính toán của Bloomberg, giá xăng RON-95 hiện tại của Việt Nam khoảng 0,75 USD. Đây là mức giá tương đối thấp so với hầu hết các nước trong bảng xếp hạng, như Thái Lan (0,91 USD), Trung Quốc (0,97 USD), Mỹ (0,68 USD), Đức (1,145 USD). Nước có giá bán lẻ xăng rẻ nhất là Venezuela (0,01 USD), đắt nhất là Hongkong (1,88 USD).Tuy nhiên, nếu so với mức thu nhập bình quân hàng ngày của người dân (tính theo GDP/người/ngày), thì giá xăng Việt Nam lại thuộc hàng đắt nhất thế giới. Tạm tính, GDP của Việt Nam là 1.879 nghìn tỷ đồng, còn dân số là 92,7 triệu người. Như vậy, thu nhập bình quân mỗi ngày của người dân là khoảng 111.000 đồng, và giá một lít xăng hiện nay tương ứng 14,9% mức thu nhập này.

Theo bảng xếp hạng của Bloomberg, với mức 14,9% này, giá xăng Việt Nam đang đắt thứ 3 thế giới, chỉ thua Ấn Độ (21,19%) và Pakistan (14,98%). Các nước láng giềng của Việt Nam đều có chỉ số này ở mức thấp hơn nhiều, như Indonesia (5,91%), Thái Lan (5,77%), Trung Quốc (4,45%) và Singapore (0,91%).

Theo cách tính toán này thì người dân Việt Nam đang phải chịu giá xăng dầu quá cao so với thu nhập bình quân. Điều này khiến cho chỉ số cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam giảm, đời sống người dân thấp hơn so với mặt bằng khu vực.

Tận thu thuế không bao giờ là giải pháp tối ưu

Đúng là mọi việc không đơn giản như phát biểu của ông Phan Thế Ruệ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Thương Mại, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt”. “Do thuế nhập khẩu xăng dầu tới năm 2020 rồi sẽ giảm tới mức 0% làm Nhà nước bị hụt thu và sẽ cần các nguồn thu khác để bù vào. Từ đó, người dân đương nhiên sẽ phải chịu khoản thuế này, vì đơn giản, ‘đây là trách nhiệm của công dân với đất nước’”. Lập luận như ông Ruệ, với những người dân không sử dụng xăng dầu thì không có trách nhiệm của công dân với đất nước chăng?

Tưởng rằng, với giá xăng so với thu nhập bình quân (affordability)của Việt Nam đang cao, khi thuế nhập khẩu xăng dầu giảm người dân, doanh nghiệp sẽ được hưởng lợi giảm chi phí sản xuất, tăng sức cạnh tranh. Nhưng với quan điểm của ông cựu Thứ trưởng Bộ Thương Mại mọi thứ sẽ diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Nếu tăng thuế BVMT thêm 8.000đ/lít thì chi phí vận chuyển tăng, khi đó giá cả hàng hóa tất sẽ tăng theo, người tiêu dùng phải gánh chịu.

Thuế là nguồn thu để phát triển đất nước và mọi công dân điều phải có nghĩa vụ nộp thuế là điều không có gì bàn cãi. Nhưng vấn đề là, nhà nước phải quản lý và sử dụng tiền thuế sao cho hiệu quả và tạo ra một hệ thống an sinh và phúc lợi xã hội phục vụ người dân. Thuế là công cụ điều tiết kinh tế của nhà nước nhưng không phải bao giờ tận thu thuế cũng là giải pháp tối ưu.

Chúng ta vẫn cần nuôi dưỡng nguồn thu, tạo cho doanh nghiệp phát triển bền vững, tạo sức cạnh tranh trong nước và quốc tế. Từng là Thứ trưởng Bộ Thương mại, hơn ai hết ông Ruệ hiểu giá xăng dầu đang chiếm tới 4% trong cơ cấu tính CPI sẽ tác động đến nền kinh tế thế nào nếu chúng ta quyết tăng thuế BVMT.