Nông dân Tây Nguyên thu hoạch cà phê. Ảnh: Internet
Diễn biến thị trường từ 8.5 - 13.5: Giá kỳ hạn giảm, các quỹ đầu tư tập trung bán ra
Thêm một nỗ lực tăng giá nữa thất bại trong tuần qua, vào ngày 09/05, khi cả hai sàn cà phê robusta London và arabica New York không vượt khỏi điểm chạm 50% theo cách tính Fibonacci.
Đó là các mức 2042 Usd/tấn trên sàn kỳ hạn robusta London của khung dao động 2213 với 1871 Usd/tấn và 137.50 cts/lb thuộc sàn arabica New York của khung 146.40 cts/lb với 128.65 cts/lb.
Trên thị trường hàng thực, nhu cầu mua mới của các nhà nhập khẩu không mạnh vì đang vào hè, là mùa tiêu thụ cà phê ít nhất trong năm.
Đóng cửa cuối tuần London chốt tại 1994 Usd/tấn và New York 134.95 cts/lb. Kết quả cả hai sàn giảm nhẹ so với tuần trước đó: London mất 8 Usd/tấn và New York giảm 0.75 cts/lb (xem biểu đồ phía trên).
Nguồn: Số liệu của sàn kỳ hạn và tác giả tổng hợp
Dự báo tuần này 15.5 - 20.5: Hiếm thấy yếu tố tích cực
Giao dịch hàng thực yếu, cộng với tỷ lệ đặt cược lên đến 70% của giới kinh doanh tài chính cho rằng ngân hàng trung ương Hoa Kỳ sẽ tăng lãi suất căn bản đồng Usd vào tháng 06/17, căng thẳng địa chính trị khi có tin Bắc Triều Tiên bắn thử thành công tên lửa đạn đạo và rơi xuống vùng biển Nhật bản vào sáng sớm ngày 14/05... toàn là những tin không vui cho giá trên các sàn kỳ hạn hàng hóa trong đó có cà phê.
Chỉ trừ một trường hợp nếu các sàn cà phê được các quỹ đầu tư tài chính chọn làm nơi trú ẩn an toàn cho vốn kinh doanh nông sản kỳ hạn, giá cà phê mới may có cửa tăng lên trong tuần này.
Thật ra, đã có ít nhất hai lần trong điều kiện thuận lợi về mặt kỹ thuật ở hai tuần vừa qua khi chạm mức Fibonacci để kiếm cách đi lên, nhưng giá kỳ hạn cà phê trên hai sàn đã không chọn hướng tăng mà quay về vùng âm do các quỹ đầu cơ tiếp tục bán mới hoặc bán thanh lý lượng dư mua trên sàn robusta London.
Trên sàn London, với lượng dư mua hàng giấy nay ước vẫn còn quanh mức 20.000 lô (10 tấn x lô), lực hấp dẫn đang hút xuống lỗ hỗng từ 1974-1965. Nhiều nhà kỹ thuật đang tăng tỷ lệ dự đoán tăng/giảm của họ là 30/70 nghiên về giảm vì giá giao dịch ngày 11/05 đã có lúc chạm 1974 nhưng tạm dừng ở đó.
Thị trường cà phê trong nước: Khó tăng mạnh vì tồn kho bên người tiêu thụ còn nhiều
Giá cà phê nguyên liệu trên thị trường nội địa tại các tỉnh Tây nguyên tuần qua đã có lúc quay về 42,6 triệu đồng/tấn, tuy nhiên đã nhanh chóng phục hồi về trên 44 triệu đồng/tấn để cuối tuần giao dịch quanh mức 43,2 triệu đồng/tấn.
Mua bán không mạnh, chỉ trao đổi với nhau trên thị trường trong nước với mức lãi chừng 100.000 đồng/tấn cho mỗi lần chuyền tay. Chào bán xuất khẩu rất hạn chế vì giá trong nước đang còn khá căng, không cân đối được đầu vào và đầu ra.
Với tình hình như thế, giá cà phê nguyên liệu trong nước tuần này (hết ngày 20/05) khó tăng trên 45 triệu đồng/tấn dựa trên mặt bằng giá hiện nay.
Bộ phận thống kê thuộc Tổng cục Hải quan ước xuất khẩu cà phê tháng 04/17 của Việt Nam đạt 134.819 tấn, giảm 19,8% so với tháng trước. Xuất khẩu 4 tháng đầu năm ước đạt 588.121 tấn, giảm 11,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Xuất khẩu giảm một phần do chất lượng cà phê niên vụ này giảm sút do mưa nhiều ở giai đoạn cao điểm thu hoạch. Tuy nhiên, lý do chính là vì tồn kho tại các nước tiêu thụ không ngừng tăng và tồn kho cà phê nằm trong tay các nhà nhập khẩu trong lãnh thổ Việt Nam còn rất lớn, nghe đâu trên 400.000 tấn.