Dân Việt

Bao Công và vụ án lưỡi trâu nổi tiếng trong lịch sử

Lan Hương 19/05/2017 06:30 GMT+7
Theo truyền thuyết, Bao Công là Văn Khúc Tinh Quân trên trời giáng trần. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ. Vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.

Bao Công tên thật là Bao Chửng (11.4.999 – 20.5.1062, chữ Hán: 包拯; 999–1062), tự Hy Nhân (希仁). Ngoài ra, ông còn được gọi là Bao Thanh Thiên, Bao Thị Chế, Bao Hắc Tử, Bao Học Sĩ hay Bao Long Đồ. Ông nổi tiếng là một vị quan "thanh liêm, chấp pháp nghiêm minh, không khiếp sợ quyền uy hay vị nể tư tình" dưới thời hoàng đế Tống Nhân Tông (1022-1063).

Bao Chửng, người Hợp Phì, Lư Châu (nay là thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, Trung Quốc). Cha ông là Bao Nghi, từng giữ chức đại phu trong triều. Sau khi qua đời, Bao Nghi được phong Hình bộ thị lang.

Lúc nhỏ, Bao Công đã nổi tiếng là đứa con hiếu thảo, đôn hậu, sống mực thước. Năm 1027, ông thi đậu tiến sĩ, được cử đến nhậm chức Tri huyện Kiến Xương (nay thuộc tỉnh Giang Tây), nhưng vì song thân già yếu, ông không thể làm quan xa nên xin khoan nhận việc, để ở nhà chăm sóc cho cha mẹ.

img

Nhân vật Bao Thanh Thiên trong bộ phim truyền hình dài tập cùng tên.

Sau khi cha mẹ qua đời, ông mới đi nhậm chức Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy), sau đó là Tri phủ Đoan Châu (nay thuộc TP. Triệu Khánh, tỉnh Quảng Đông).

Nghe tiếng Bao Công tận tụy và thanh liêm, nhà vua cho triệu ông về kinh giao cho chức Trung thừa, rồi lần lượt thăng các chức Giám sát ngự sử, Trực học sĩ Long đồ các, Tam tư Hộ bộ Phó sử, đến Thiên Chương các Thị chế (nên người đời sau còn gọi ông là Bao Thị Chế).

Theo truyền thuyết, Bao Công là Văn Khúc Tinh Quân trên trời giáng trần. Vì vậy, ngoài việc xử án ban ngày ở dương gian, ban đêm, ông còn phải xử án ở âm phủ. Vầng trăng trên trán ông tựa như ánh trăng soi sáng công lý ngay cả ở những nơi tăm tối nhất.

Năm 1052(?), vì giúp đỡ người thân là Trương Nghêu Tá làm phật lòng hoàng đế Nhân Tông, ông bị thuyên chuyển đến Hà Bắc làm Nhậm đốc chuyển vận sử. Bốn năm sau, ông mới được triệu về kinh nhậm chức Phủ doãn phủ Khai Phong. Bao Công làm quan phủ doãn phủ Khai Phong chỉ trong vòng 1 năm. Thời gian còn lại, ông được thăng chức Thừa tướng, Ngự sử đài. Chức vụ cao nhất là Bao Công đảm nhận ở cuối đời là Xu mật Phó sử, tương đương với chức Phó tể tướng.

Năm 1062, ông lâm bệnh mất ở nơi làm việc, hưởng thọ 64 tuổi, điều đáng nói ở đây, là thời gian từ lúc lâm bệnh cho đến khi mất chỉ có 13 ngày, nên người ta vẫn cho rằng ông mất một phần do thuốc của hoàng đế ban cho, do lúc sinh thời Bao Chửng từng xử những vụ án vạch mặt bọn thái y, nên bị bọn chúng căm ghét (từ lúc uống thuốc đến khi phát bệnh mất chỉ là 9 ngày). Hoàng đế Tống Nhân Tông đích thân làm chủ lễ truy điệu, phong cho Bao Công là Lại bộ Thượng thư, ban cho thụy hiệu "Hiếu Túc", có nghĩa là hiếu đạo và thiết diện vô tư, đồng thời phái một đoàn ngự lâm quân hộ tống linh cửu ông về mai táng ở quê nhà ông.

img

Chân dung Bao Thanh Thiên - vị quan thanh liêm được người đời ca tụng.

Hiện nay đền thờ của ông có hai câu liễn: "Lý Oan Ngục, Quan Tiết Bất Thông, Tự Thị Diệm La Khí Tượng. Chẩn Tai Lê, Từ Thiện Vô Lương, Y Nhiên Bồ Tát Tâm Trường". Đại ý nói về phẩm chất cao quý của ông...

Là một vị quan thanh liêm có tiếng trong lịch sử Trung Quốc cổ đại, Bao Chửng - Bao Thanh Thiên đã khiến Hoàng đế Tống Anh Tông cũng phải kính nể.

“Long đồ Bao Chửng, tâm can băng tuyết, hung thứ sơn hà. Báo quốc tận trung, lâm chính vô a, cảo cảo thanh danh, vạn cổ bất ma”, đó là những câu thơ, thể hiện sự tán dương của dân chúng dành cho Bao Chửng, được lưu truyền trong nhân thế.

(Dịch nghĩa: Bao Chửng một đời trong sạch liêm khiết, tấm lòng trong sáng như sông núi, quốc gia luôn trong tim, tận trung báo quốc. Có thể hình dung là người chí công vô tư, chấp pháp như núi, lưu lại thanh danh muôn đời).

Theo Tô Dũng – tác giả bài viết “Bao Chửng xử hơn 30 trọng thần, nước miếng bắn cả lên mặt Hoàng đế” được đăng trên trang Phượng Hoàng (Trung Quốc), câu thơ cho thấy, là trong lòng bách tính, ông là một hình tượng sừng sững cho sự công bằng, liêm chính.

Đó cũng là lý do, ông được người đời ngợi ca, gọi là “Bao Thanh Thiên”.

Vụ án đầu tiên trong cuộc đời làm quan của Bao Chửng

Bao Chửng sinh ra tại một thôn quê miền núi, có tên là Thông Bao, chính là thị trấn Bao Công, huyện Phì Đông, thành phố Hợp Phì ngày nay.

Bao Chửng về sau từng nói “sinh ra trên cỏ”, ý nói mình sinh ra trong một gia đình nhà nông ở huyện Phì Đông ngày nay.

Tuy nhiên, cha ông là Bao Lệnh Nghi là người có học thức. Sau khi đỗ tiến sĩ, làm quan tri huyện không lâu đã chuyển gia đình đến nội thành Hợp Phì.

Trình Như Phong – một chuyên gia dành nhiều thời gian nghiên cứu về cuộc đời Bao Chửng cho biết, từ nhỏ ông đã được hưởng một nền giáo dục nho gia tốt đẹp, là một thanh niên có chí.

Năm 29 tuổi, ông đỗ Tiến sĩ giáp khoa, nhậm chức Tri huyện Kiến Xương. Theo như cách nói hiện nay, chức vụ đó ngang bằng với lãnh đạo cao nhất của huyện Thủy Tú, tỉnh Giang Tây.

Tuy nhiên, do huyện Kiến Xương cách xa quê hương, ông đã xin Hoàng đế được làm việc gần phụ mẫu, giữ chức trông coi, giám sát lương thực, thuế vụ ở Hòa Châu (nay là huyện Hòa ở An Huy).

img

Bao Chửng là một biểu tượng sừng sững của công lý và nghiêm minh.

Trở về nhà báo tin mừng, tuy nhiên song thân vừa không muốn rời gia nghiệp để thích nghi với cuộc sống mới, vừa không nỡ để con trai một mình phải bươn trải xa gia đình.

Thấy phụ mẫu tuổi đã cao, Bao Chửng dứt khoát từ chức, yên tâm ở nhà phụng dưỡng cha mẹ già.

Ông ở nhà hơn 5 năm thì phụ mẫu qua đời. Báo hiếu đủ 3 năm, Bao Chửng vẫn chưa có ý định trở lại chốn quan trường, vì không muốn rời xa nơi song thân yên nghỉ.

Ông quyết định ở lại quê nhà thêm 2 năm. Nhờ có sự giúp đỡ và động viên của xóm làng và họ hàng thân thích, Bao Chửng mới quyết định lên đường, chính thức bước chân vào quan lộ, trở thành Tri huyện Thiên Trường (nay thuộc tỉnh An Huy).

Khi vừa nhậm chức, có một người nông dân khóc lóc, chạy đến huyện nha kêu oan, rằng có người xấu nhẫn tâm cắt lưỡi trâu nhà anh ta, mong quan huyện tìm ra hung thủ.

Đây chính là “Ngưu thiệt án” được sử sách Trung Quốc ghi lại sau này.

Dù chỉ là vụ án nhỏ, song ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất nông nghiệp. Sau khi hỏi kỹ sự tình, Bao Chửng nhận định đây là một vụ án gây ra do tư thù.

Suy nghĩ kỹ, ông nảy ra kế "dùng cần vàng câu cá" và nói với người nông dân:

“Lưỡi trâu bị cắt, con trâu đó sẽ chết, ngươi mau về mổ trâu bán thịt mà kiếm tiền. Có điều là nhà ngươi cứ yên lặng mà làm, không được nói cho ai biết chuyện bản huyện bảo ngươi giết trâu, vụ án sẽ được làm rõ”.

img

Tượng đài Bao Chửng được đúc bằng đồng.

Người nông dân nọ nghe vậy sợ quá nói: “Bao đại nhân, dù trâu không có lưỡi, nhưng trâu vẫn chưa chết, giết trâu là phạm pháp đấy ạ”.

Bao Chửng đáp: “Bản huyện sẽ đảm bảo cho ngươi”. Quả nhiên, phạm nhân thấy kẻ thù của mình mổ trâu, lập tức cho rằng thời cơ đã đến, liền chạy đến huyện nha tố cáo.

Bao Chửng khi đó mới thăng đường xét xử. Trước mặt “kẻ tố cáo”, ông quát lớn: “Điêu dân to gan, tại sao lại cắt lưỡi trâu, rồi lại đến đây tố cáo họ giết trâu? Ngươi ác độc vậy, sao còn chưa thành khẩn khai báo.”

Tội phạm vừa nghe thấy vậy, cho rằng sự việc đã bại lộ, đành cúi đầu nhận tội. Đây chính là vụ án đầu tiên trong cuộc đời làm quan của vị quan thanh liêm có tiếng dưới đời vua Tống Nhân Tông.

Cũng từ dây, tiếng tăm của ông được lưu truyền rộng rãi. Ngay cả trong các bộ phim truyền hình về Bao Công ngày nay, tình tiết ly kỳ của vụ án vẫn được sử dụng để tạo nên những thước phim hấp dẫn.

Dấu ấn đầu tiên sau khi vào triều đình nhậm chức

Phó Hội trưởng Hội nghiên cứu Bao Công phủ Khai Phong Lý Lương Học cho biết, Bao Chửng sau khi được vời vào kinh làm việc đã khiến Phạm Trọng Yêm – thất bại trong việc phát động “Khánh Lịch tân chính”.

Đây chính là người đứng đầu phe cách mạng, đề xuất cải cách công việc triều chính với các nội dung: bổ nhiệm, bãi miễn rõ ràng, thu thuế quân điền, tu sửa võ bị, bớt lao dịch.

Về lý mà nói, Bao Chửng vừa được điều chuyển từ cấp địa phương vào kinh thành nhậm chức, cần phục tùng phe phái cũ (phe bảo thủ) trong triều.

Tuy nhiên, ông không vội vàng bày tỏ thái độ, cũng không tham gia vào cuộc tranh chấp trong triều. Bên cạnh đó, phe phái cũ cũng không coi trọng một viên quan vô danh tiểu tốt, càng không hy vọng Bao Chửng có thể đả kích các hành vi của phe cách mạng.

Tuy nhiên, Bao Chửng đột ngột tấu lên Hoàng đế, công kích việc cải cách chế độ bổ nhiệm, bãi miễn nhân sự của Phạm Trọng Yêm, đặt ra nghi vấn đối với việc giám sát quyền lực của quan An Sát Sử ở cấp địa phương.

Bài tấu ngay lập tức gây xôn xao chốn triều đình. Hai phe phái lập tức tranh luận không ngừng về việc liệu chính sách mới có làm gia tăng tình trạng tham nhũng trong chốn quan trường.

img

Tượng đài Bao Chửng.

Cũng từ đây, sĩ khí phe bảo thủ mạnh lên hừng hực. Không lâu sau đó, biến pháp thất bại, đề xuất cải cách triều vì thế cũng tiêu tan.

Khi phe bảo thủ vừa trút được gánh nặng, Bao Chửng lại đột ngột thượng tấu, đề nghị Hoàng Thượng giữ lại một số chính sách cải cách của Nghiêm Trọng Yêm trong việc thi cử, tuyển chọn nhân tài.

Điều này khiến phe bảo thủ kinh ngạc, không biết hành động đó có mục đích gì. Tuy nhiên, điều này chỉ nói lên tính cách trời sinh, thanh liêm chính trực của Bao Chửng.

Sau vụ việc này, cuộc đời và sự nghiệp của Bao Chửng dần bước vào giai đoạn tốt đẹp. Ông trở thành một vị quan có tiếng trong thời kỳ Bắc Tống, dưới đời vua Tống Nhân Tông.

Xử tội hơn 30 trọng thần dưới thời vua Tống Nhân Tông

Theo sử sách Trung Quốc, điểm nổi bật nhất của vị quan thanh liêm này, đó là cả đời xử phạt những người có tội.

Thống kê ghi lại, những người bị Bao Chửng trừng trị không dưới 30 người. Tất cả đều là những đối tượng quyền qúy, hoàng thân quốc thích trong xã hội đương thời.

Thậm chí ngay cả quốc trượng Trương Nghiêu Tá – bố đẻ của Trương quý phi được vua Nhân Tông sủng ái cũng “ngã ngựa” trong tay Bao Chửng.

Theo sử sách ghi lại, Trương quý phi vì được Hoàng đế sủng ái, đã lợi dụng uy quyền, giao cho phụ thân Trương Nghiêu Tá 4 chức vụ quan trọng trong triều. Điều này đã khiến bá quan trong triều bất bình.

Trước việc này, Bao Chửng “nổ phát đạn đầu tiên” tố cáo Trương. Bá quan văn võ sau đó cũng đua nhau thượng tấu, bày tỏ quan điểm của mình trước vua Nhân Tông.

Tuy nhiên, chức vụ của quốc trượng không những không bị giáng, mà tiếp tục thăng tiến dưới sự “chống lưng” của Hoàng đế.

Thấy tình hình không suy chuyển, Bao Chửng tiếp tục tố cáo Trương Nghiêu Tá trong suốt 3 ngày liền, thậm chí còn lớn tiếng gọi quốc trượng là loại “rác rưởi, quỷ quyệt”.

Không thấy động tĩnh, ông tiếp tục tố cáo. Vua Nhân Tông vì vô cùng bực tức, tiếp tục đôn quốc trượng lên làm “tuyên huy sử”. Bao Chửng khi đó không nhịn được nữa, yêu cầu mở một cuộc biện luận ngay trong cung triều, trực tiếp lý luận với Hoàng đế.

Khi cuộc tranh luận lên đến cao trào, Bao Chửng kích động, đứng trước mặt Nhân Tông phẫn nộ, nói thao thao bất tuyệt, đến mức nước bọt bắn cả vào mặt vua.

Hoàng đế Bắc Tống khó xử, nhẫn nại đưa vạt áo lên lau. Sau khi về cung, ông bực tức hỏi Trương quý phi và xả cơn bực tức:

“Bao Chửng tranh luận, nhổ thẳng nước bọt vào mặt ta, nàng chỉ lo đến cái chức tuyên huy sử, lẽ nào nàng không biết đến ngự sử Bao Chửng?”

Về sau, vua Tống Nhân Tông đã nghe theo lời Bao Chửng, không cho phép người nhà các quý phi được đảm nhiệm đồng thời 2 chức vụ.

Nhà vua cũng ra quy định việc tấu tụng phải được xin phép trước khi thực hiện, không được phép tùy ý kéo nhau vào triều tranh luận gây kích động triều đình.

Trương Nghiêu Tá sau tự thấy không thể hòa hợp với số đông, xin rút lui khỏi chốn quan trường.

Nhà văn đời Tống Âu Dương Tú đã dành cho Bao Chửng những lời bình luận xác đánh nhất: “Thuở nhỏ hiếu thuận, tiếng thơm khắp xóm làng, cuối đời chính trực, lưu danh khắp triều đình”.