Dân Việt

Bài văn 4,75 điểm nói về lý do ghét Sử

Nghiêm Huê 18/05/2017 15:59 GMT+7
Bài kiểm tra ngữ văn của cậu học trò thông minh, có một tâm hồn phong phú cùng với một giọng văn khá “già” so với lứa tuổi về lý do học sinh ghét sử đang thú hút sự chú ý của nhiều người.

“Nhâm nhi một cốc trà nóng hổi và tưởng tượng về lịch sử trong một buổi chiều hoàng hôn mát rượi quả thú vị biết chừng nào. Nó cũng thú vị như toán. Nếu trong đầu chúng ta luôn hình thành những câu hỏi vì sao, tại sao, như thế nào khi đọc sử, ta có thể thấy được sự logic và khả năng phán đoán kỳ diệu đến nhường nào”!

Đó là những dòng tâm sự rất thật của cậu học sinh lớp 8 ở một trường THCS tại Hưng Yên khi được cô giáo giao làm bài kiểm tra môn ngữ văn với đề bài: “Bình luận về tình trạng chán ghét môn sử của học sinh".

Tiền Phong xin đăng nguyên văn bài viết của cậu học trò thông minh và có một tâm hồn phong phú cùng với một giọng văn khá “già” so với lứa tuổi của em.

Bài văn được cô giáo chấm 4,75/5 điểm

“Dân tộc Việt Nam đang đứng trên một bề dày lịch sử của quá trình dựng nước, giữ nước hào hùng, bi tráng và vĩ đại. Chúng ta đang hít thở cái khí trời của tự do và hòa bình của nền độc lập, thứ được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và xương máu của cha ông ta. Vậy mà, học sinh chúng ta đang làm lung lay cái gốc ấy, cái bề dày lịch sử ấy bằng việc coi thường và không thích môn sử. Họ có ít hiểu biết về truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng và vẻ vang của dân tộc. Họ đang đạp đổ cái bề dày lịch sử, nguồn cội ấy.

Vậy lịch sử là gì và tầm quan trọng của nó lớn nhường nào? Lịch sử là quá khứ, là nguồn cội. Học lịch sử là học về quá khứ, học về cha ông ta và công lao của họ. Học sử là học về cái gốc của chúng ta, nhớ về những năm tháng xưa cũ, nhớ về những chiến công oanh liệt của quá trình xây dựng và bảo vệ đất nước, bảo vệ nền độc lập của dân tộc. Và lịch sử là công cụ rõ nét giúp ta nhìn nhận lại hành trình ngàn năm của đất nước, phân tích những thất bại trên quá trình đó và biến chúng thành những bài học kinh nghiệm, chìa khóa cho những thành công mai này.

Trong quá trình giữ nước bảo vệ nền độc lập dân tộc ngàn năm nay, cũng không thiếu bóng dáng của những bài học xương máu từ lịch sử, những vốn quý kinh nghiệm. Nhưng ngày nay, học sinh đang xao nhãng vốn quý ấy. Họ chán ghét môn sử và bỏ lại quá khứ, dân tộc. Họ đã quên một điều rằng, nền hòa bình họ đang đứng lên là mồ hôi và xương máu của tổ tiên họ, những tháng ngày tự do họ đang tận hưởng là những đêm dài kìm hãm của chủ nghĩa thực dân đè nặng lên đôi vai xương xẩu thấm đẫm mồ hôi của gian khổ, của bóc lột mà cha ông họ đã phải gánh chịu. Công lao to lớn của ông cha ta đang dần bị lãng quên theo năm tháng, bởi chính những đứa con, đứa cháu của họ, hay đáng trách hơn, bởi cả một thế hệ học sinh và cả dân tộc mà họ đã cống hiến – những người đang hưởng hạnh phúc của tự do, hòa bình nhờ họ. Tất cả chỉ vì nhiều thế hệ học sinh không thích môn sử và sự thiếu ý thức, trách nghiệm trong việc nghiên cứu sử.

img

Bài văn của học sinh lớp 8 về lí do ghét học sử khiến nhiều người phải ngẫm nghĩ.

Rất nhiều trường hợp gần đây đã minh chứng cho thực trạng đó. Điển hình như, vào năm 2013, khi học sinh biết sử là môn tự chọn trong kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông và xét tuyển đại học, nhiều học sinh đã xé đề cương lịch sử rồi rải trắng sân trường. Hay gần đây hơn, trong năm 2015, môn lịch sử bị ghét đến nỗi tại trường Phổ Thông Yên Thành 2 ( Nghệ An ), chỉ có duy nhất một thí sinh thi môn sử, trong khi nhà trường vẫn phải bố trí 66 cán bộ coi trông và làm đề thi. Đây không phải là vấn đề chỉ riêng một trường, một cơ sở giáo dục hay một vùng gặp phải, mà là một thực trạng chung, một vấn nạn mà cả ngành giáo dục và xã hội đang phải đương đầu.

Sự thờ ơ, lạnh nhạt của học sinh dành cho môn sử còn thể hiện rõ nét qua phỏng vấn mới đây của VTV. Trong cuộc phỏng vấn này, rất nhiều em học sinh được hỏi đã trả lời rằng Quang Trung, Nguyễn Huệ là hai anh em, hoặc nực cười hơn là hai bạn thân cùng chiến đấu. Thậm chí có em còn quả quyết nói rằng Quang Trung chính là Nguyễn Du - là nhà thơ. Chẳng nhẽ lịch sử đã bị bóp méo trắng trợn đến thế sao? Cả đối với những người đang ngồi trên băng ghế nhà trường đó sao?

 Nhưng tại sao học sinh lại kém môn sử đến vậy?

Tất nhiên không phải vì họ muốn quên công ơn sâu nặng của cha ông ta và càng không phải họ muốn lãng quên những ngày tháng bi hùng, vang dội năm châu ấy. Họ ghét sử đơn giản chỉ vì sử dài dòng, khó nhớ và khô khan, rất khó học thuộc. Việc này hoàn toàn có thể khắc phục được nếu nhà trường tổ chức thêm nhiều cuộc tham quan bảo tàng, di tích lịch sử hay giáo viên dạy theo phương pháp sáng tạo và chủ động hơn dành cho học sinh. Nhưng thực tế ít trường làm được cả hai điều trên và học sinh Việt Nam ghét sử cũng vì nguyên nhân ấy. Thêm một lí do nữa khiến sử trở nên kém hấp dẫn ngày nay chính là đầu ra của sử. Học sinh ngày nay thường học các ngành có công việc ổn định sau khi ra trường và môn sử không phải là môn có tương lai ổn định cho lắm. Xét cho cùng, ra trường với tấm bằng xuất sắc giỏi lắm cũng chỉ làm ở viện sử học quốc gia. Đồng lương của sử gia cũng thật ít ỏi, eo hẹp. Nay học sinh lại thích những ngành năng động hơn và môn sử lại trở về cái cảnh cô đơn vốn có của nó.

Bên cạnh đó, bản thân học sinh cũng chính là cái nôi ghét sử. Họ vẫn chưa ý thức được tầm quan trọng của sử đối với sự phát triển của nước nhà. Họ không hiểu rằng, chính sử đã giúp ta chiến thắng được các đế quốc hùng mạnh như Pháp, Nhật, Mỹ. Bằng chính kiến thức lịch sử về sự hình thành xã hội chủ nghĩa tại Liên Xô và chủ nghĩa Mác Lê nin, Bác Hồ đã đúc kết ra những bài học xương máu để rồi áp dụng trong chiến tranh Việt Nam. Hay xa xưa hơn, áp dụng theo kế sách cắm cọc trên sông Bạch Đằng của Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt  đã đánh thắng quân Tống và Trần Quốc Tuấn đã hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông.

Sử không chỉ giúp ta có được những bài học kinh nghiệm quý giá mà còn là thước dây đo đếm sự phát triển của một dân tộc, hay một quốc gia nào đó. Từ sử, ta có thể thấy được sự phát triển đó nhanh hay chậm, lỏng lẻo hay bền vững.

Và quan trọng hơn, học sinh chưa hiểu được hết vẻ đẹp của lịch sử. Sử muôn màu muôn vẻ. Sử có hào hùng, có lúc lại bình yên, phẳng lặng, có lúc lại dữ dội đầy bi thương. Có những lúc sử chìm trong làn sương của bí ẩn, vô định và không lời giải. Sử cũng thú vị như văn, cũng cần trí tưởng tượng và sự sáng tạo. Khi học sử, chúng ta không nghĩ nhiều nhưng lại tưởng tượng nhiều. Với bản thân, tôi thích nhất điều này khi học sử. Nhâm nhi một cốc trà nóng hổi và tưởng tượng về lịch sử trong một buổi chiều hoàng hôn mát rượi quả thú vị biết chừng nào. Nó cũng thú vị như toán. Nếu trong đầu chúng ta luôn hình thành những câu hỏi vì sao, tại sao, như thế nào khi đọc sử, ta có thể thấy được sự logic và khả năng phán đoán kỳ diệu đến nhường nào!

Để giải quyết vấn nạn trên, nhà trường và bộ giáo dục cần nhanh chóng cải tiến đồng bộ phương pháp dạy và học. Học sử cần sát với thực tế, phải dạy học sinh vai trò căn bản của lịch sử. Một khi sử đã đi liền với thực tiễn, khi học sinh đã được trải nghiệm các vẻ đẹp của sử, được đắm mình trong những giờ học đầy sinh động khi đó sử sẽ là niềm vui, sự hào hứng đón chờ của học sinh mỗi khi đến trường.

Bên cạnh đó, xã hội cần tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên ngành sử và quan trọng hơn cần bảo tồn và phát triển các khu di tích lịch sử, phải làm cho mọi người dân ai ai cũng thông thạo sử, không chỉ lịch sử nước nhà mà cả lịch sử thế giới, đúng như Bác Hồ đã nói: “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Có thể nói, một dân tộc có vững mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào nền văn hóa tự cường của họ. Và truyền thống văn hóa có vững mạnh hay không phụ thuộc rất nhiều vào tình yêu sử, tình yêu dân tộc nước nhà.

Lịch sử là quá khứ, nhưng tồn tại song song với thực tại. Khi chúng ta nhìn về quá khứ, giở lại những trang sử hào hùng của dân tộc, chúng ta có thể viết nên những trang mới cao đẹp hơn. Một tương lai sáng lạn hơn, với mọi nét văn hóa truyền thống được bảo tồn, bằng một tình yêu lịch sử.

Chúng ta đang với dần tới xã hội ấy, nhưng câu hỏi cấp bách được đặt ra là: “Bao giờ?!’’.

*Title do Dân Việt đặt lại.