Thông tin này được ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá công bố. Trong hơn 135.000 tỷ đồng được rót vào, có 76.500 tỷ đồng dành cho công nghiệp chế biến, chế tạo; 12.000 tỷ đồng cho nông nghiệp; 22.800 tỷ đồng cho du lịch; 2.500 tỷ đồng cho y tế và 21.500 tỷ đồng cho phát triển hạ tầng, đô thị.
Toàn cảnh Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2017. Ảnh: HĐ
Theo thống kê, hiện nay tỉnh Thanh Hóa có 50 dự án kêu gọi vốn đầu tư trực tiếp (FDI, DDI) đến năm 2020, trong đó có 13 dự án thuộc lĩnh vực công nghiệp; 12 dự án lĩnh vực nông nghiệp; 9 dự án lĩnh vực đô thị, khu công nghiệp, cụm công nghiệp; 8 dự án du lịch; 5 dự án năng lượng, môi trường và 3 ự án thuộc lĩnh vực khác.
Ông Nguyễn Đình Xứng - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, cho biết: Đến nay, hệ thống giao thông của tỉnh bao gồm cả đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không hết sức thuận lợi, có cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn tàu 100.000 tấn có thể ra vào; tiếp tục triển khai xây dựng tuyến đường bộ cao tốc đoạn Ninh Bình - Thanh Hóa, tuyến đường bộ ven biển, các tuyến đường kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với Cảng hàng không Thọ Xuân, cảng nước sâu Nghi Sơn và các cửa khẩu quốc tế nối với nước bạn Lào...
“Tại Hội nghị này, có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD, trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng”- ông Xứng nói.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chứng kiến lễ ký kết đầu tư giữa tỉnh Thanh Hóa và các nhà đầu tư. Ảnh: HĐ
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Dịp này, đã có 32 dự án lớn được ký kết và trao giấy phép đầu tư với tổng mức trên 6 tỷ USD. Đây là một kết quả rất đáng trân trọng.
“Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư, thông qua các điều kiện sau: Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; tăng cường tính minh bạch cộng đồng kinh doanh; đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong các doanh nghiệp…Đi liền với vấn đề tiềm năng và điều kiện là xác định các lĩnh vực phát triển ở Thanh Hóa. Lĩnh vực công nghiệp cần tối ưu hóa các điều kiện của nền tảng sẵn có để phát triển. Nghiên cứu phát triển nông nghiệp nước đến nền nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn… ”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Trước đó, chiều cùng ngày, Thủ tướng đã có buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa về tình hình kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng…
Ông Lê Anh Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đang giới thiệu về tiềm năng cảng biển Nghi Sơn với các nhà đầu tư. Ảnh: HĐ
Cũng trong sáng 18.5, tỉnh Thanh Hóa đã mời các nhà đầu tư đi tham quan thực tế tại Khu kinh tế Nghi Sơn, thăm Di sản Văn hóa Thế giới thành Nhà Hồ, Khu di tích lịch sử đặc biệt Quốc gia Lam Kinh để các nhà đầu tư tìm hiểu cơ hội đầu tư vào tỉnh này.