Dân Việt

Thuốc có tiền chất PSE đồng loạt tăng giá

19/09/2011 06:17 GMT+7
(Dân Việt) - Sau những thông tin trên một số báo gây hiểu lầm về tiền chất peudoephedrine (PSE) là chất gây nghiện, dù Bộ Y tế đã có văn bản đính chính nhưng thị trường thuốc tân dược vẫn rúng động.

Hàng loạt thuốc điều trị cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang có tiền chất PSE đã đồng loạt tăng giá.

Thuốc ngoại nhập lậu tràn lan

Qua tìm hiểu tại thị trường thuốc tân dược, tất cả các loại thuốc điều trị cảm cúm, viêm mũi, viêm xoang có tiền chất PSE đã đồng loạt tăng giá. Actifed trước đây giá 600 đ/viên thì nay tăng lên 4.400đ/viên. Tương tự, Woaheader giá trước đây 300 đ/viên thì nay tăng lên 4.500 đ/viên.

img
Giá thuốc tăng mạnh khiến người bệnh thêm khốn khó (ảnh minh họa).

Các loại thuốc tương tự trong nước sản xuất cũng tăng chóng mặt, có loại tăng đến 18 lần. Bình quân trên thị trường các loại thuốc như Eruvipharm, savipharmed (Công ty Dược Savipharm), Glotifed (Dược Glomed), Acdiral (Dược Tiền Giang) đều tăng 8 lần nhưng các đầu nậu phải đăng ký từ sáng đến chiều mới có thuốc.

Theo ông N.N.P – một “trùm” phân phối thuốc tân dược tại thị trường Việt Nam, khoảng từ năm 2007-2008, khi Việt Nam chưa có visa sản xuất thuốc có tiền chất PSE thì mỗi năm các loại thuốc ngoại có PSE tràn vào Việt Nam khoảng 1,2 tỷ viên. Đến năm 2009-2010, khi trong nước có Công ty OPV được cấp visa sản xuất thuốc Activefed thì doanh số thuốc ngoại bị giảm xuống còn khoảng 800 triệu viên/năm.

Đến năm 2011, khi Công ty cổ phần BV Pharma và hàng chục doanh nghiệp khác trong nước được cấp visa sản xuất thuốc có tiền chất PSE. Ông Cao Minh Quang với cương vị là Thứ trưởng Bộ Y tế kiêm Chủ tịch Hội đồng xét duyệt Thuốc (Bộ Y tế) đã đồng ý cho cấp 116 visa có chứa tiền chất PSE cho 38 công ty sản xuất trong nước. Riêng BV Pharma được cấp 5 visa sản xuất thuốc có PSE.

Khi trong nước được cấp phép sản xuất hàng loạt thuốc có PSE thì doanh số thuốc ngoại nhập qua hệ thống phân phối của “ông trùm” N.N.P bị rớt thê thảm, chỉ còn khoảng từ 300-400 triệu viên/năm. Nhưng gần đây, sau khi một số báo đưa thông tin gây hiểu nhầm tiền chất PSE là chất gây nghiện như phát biểu của ông Cao Minh Quang, cùng với việc tạm dừng nhập khẩu nguyên liệu PSE thì lập tức thị trường khan hiếm thuốc do các đầu nậu thu gom để trục lợi. Chỉ trong vòng gần 1 tháng trở lại đây, “ông trùm” N.N.P đã bán được gần 54 triệu viên thuốc có PSE.

“Họ đã giết chúng tôi”

Không chỉ 2 loại thuốc trị cảm cúm của BV Pharma là Biviflu – Night và Activenose có tiền chất PSE bị đại lý từ chối giao dịch mà theo ông Nguyễn Quốc Dũng - Tổng Giám đốc BV Pharma, các loại thuốc thông thường khác của công ty ông cũng lâm vào tình trạng tương tự.

Dư luận đang đặt câu hỏi ai được hưởng lợi trong phi vụ làm thị trường thuốc tăng giá và làm cho các loại thuốc ngoại nhập lậu tràn lan thị trường? Phải chăng là do những phát biểu thiếu trách nhiệm của Thứ trưởng Bộ Y tế Cao Minh Quang?

Ông Nguyễn Quốc Dũng nói: “Những tuyên bố của Thứ trưởng Cao Minh Quang đã “giết” chết doanh nghiệp chúng tôi. Hàng loạt đại lý đã trả hàng và hiện nay chúng tôi bị tồn kho 10 triệu viên thuốc cảm cúm có tiền chất PSE, bán không ai dám mua dù giá của nó chỉ 230 đồng/viên”.

Ông Dũng cho hay, công ty ông đang lâm vào tình trạng khốn khó, các đối tác từ chối giao dịch và nhiều công nhân đã nộp đơn xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau.

Được biết, hiện BV Pharma đang tiến hành các thủ tục để khởi kiện những người có liên quan ra tòa vì hành vi vu khống, xuyên tạc sự thật khiến BV Pharma thiệt hại nặng nề.