Không cần kho chứa
Theo dự thảo trên, một số điều kiện kinh doanh XK gạo không còn phù hợp về kho chứa, cơ sở xay xát, dự trữ lưu thông, hợp đồng XK gạo tập trung... sẽ được bãi bỏ. Thay vào đó, các điều khoản trong dự thảo quy định điều kiện kinh doanh XK gạo theo hướng không quy định quy mô kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo, chỉ quy định các cơ sở phải đáp ứng quy chuẩn chung do Bộ NN-PTNT ban hành. Ngoài ra, các cơ sở phải đáp ứng đủ điều kiện và được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm.
Sản lượng gạo XK năm nay được dự báo là tương đương với năm 2016.
Dự thảo nghị định cũng bổ sung quy định thương nhân đã xây dựng vùng nguyên liệu hoặc liên kết SX, tiêu thụ thóc, gạo theo lộ trình do Bộ Công thương ban hành thì không cần điều kiện về kho chứa, cơ sở xay xát thóc, gạo. Đối với mặt hàng gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng, gạo dược liệu, thương nhân được XK không hạn chế về số lượng, chỉ phải thông báo hợp đồng XK.
DN cũng được tạo điều kiện tối đa để đẩy mạnh XK gạo khi trong dự thảo đã bãi bỏ quy định tiêu chí đăng ký hợp đồng XK gạo và quy định về giá sàn; giảm quy định lượng gạo dự trữ lưu thông của thương nhân từ 10% xuống còn 5%.
Thêm nữa, quy định về đăng ký hợp đồng tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cũng được bãi bỏ, thay vào đó, DN chỉ cần thông báo hợp đồng XK gạo trực tuyến trên Cổng thông tin điện tử Bộ Công thương. Như vậy, sắp tới, “quyền” của VFA sẽ bị hạn chế, thay vào đó là DN chủ động với kế hoạch XK của mình, thông qua đăng ký trực tuyến.
Tăng cường liên kết SX, nâng cao chất lượng gạo
Điểm quan trọng nhất trong dự thảo nghị định lần này là quy định hàng loạt các điều khoản về đảm bảo chất lượng gạo XK, đồng thời tăng cường liên kết SX, xây dựng vùng nguyên liệu, mở rộng thị trường XK.
Theo đó, gạo XK phải bảo đảm phù hợp với tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia tương ứng và các quy định về mức tối đa dư lượng hóa chất, chất kháng sinh, thuốc BVTV do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành. Gạo XK cũng phải đáp ứng yêu cầu về chất lượng, bao bì, ghi nhãn, đóng gói, bảo quản, truy xuất nguồn gốc theo quy định của nước NK.
Nhằm thúc đẩy xây dựng vùng nguyên liệu, tăng cường liên kết từ SX đến tiêu thụ lúa gạo, Bộ Công thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành ban hành lộ trình xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết SX và tiêu thụ thóc, gạo; Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan ban hành hoặc xây dựng, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chính sách hỗ trợ cụ thể đối với thương nhân kinh doanh XK gạo đầu tư xây dựng vùng nguyên liệu hoặc thực hiện liên kết SX và tiêu thụ thóc, gạo. Thương nhân kinh doanh XK gạo, người SX lúa có trách nhiệm thực hiện cam kết trong hợp đồng liên kết SX, tiêu thụ thóc, gạo đã ký.
Bộ Công thương cũng có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành và cơ quan liên quan đàm phán mở cửa thị trường; chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác thông tin thị trường, thực hiện chương trình, hoạt động giao thương, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại...