Đình làng còn là cái "trụ sở" của thôn, là nơi để các cụ tiên chỉ và chức sắc của thôn bàn việc, xử các rắc rối trong thôn theo hương ước. Rồi việc làng còn có cả khoản... cỗ bàn đánh chén tại đình.
Thôn tôi dăm bảy chục hộ cũng có một cái đình. Đình làng tôi thờ tướng Bạch Sam - bộ tướng của Ông Gióng, có công đánh đuổi giặc Ân và được phong ấp, lập thôn...
Xét như vậy, đình làng (chứ không phải chùa) chính là cuốn sử làng. Có thể coi từ khi có Thành hoàng mới là có thôn ấp vậy.
Đến nhiều làng quê Việt, hầu như các làng cổ đều có đình. Những Thành hoàng được thờ trong đình cũng rất nhiều sắc thái công trạng, thông thường là tổ nghề: Nghề rèn đúc, nghề vàng nghề bạc, nghề tằm tơ canh cửi, nghề may, nghề chài lưới... Mỗi vị thần được thờ đều có ghi rõ công trạng ở ngọc phả được cất giữ cẩn thận trong hương án hậu đình cùng với sắc phong của các triều vua. Mỗi ông vua lên là một lần hạ sắc phong ghi nhận công quả các Thành hoàng như đời vua trước đã làm. Việc đó có nghĩa là khẳng định lại một giá trị và cũng là thêm một lần tôn vinh thành hoàng, vị thần cai quản thôn ấp đó.
Đó cũng chính là văn hiến quốc gia.
Đình nào thì mỗi năm cũng có hội đình, có ngày mở cửa đình cho dân làng sở tại dâng lễ thắp hương cúng tế. Trong văn tế có lời kể lại công đức của Đức thành hoàng và thông báo lễ vật dâng hàng năm.
Kháng chiến, có nơi tiêu thổ cả đình. Ở Bắc Ninh, một làng kia có đình bị phá trong đợt tiêu thổ rồi sau đó không được khơi dựng lại. Làng đó coi như đánh mất lịch sử làng.
Đình làng trong ký ức dân gian là vậy nên cộng đồng dân cư của làng đi làm ăn xa khi đủ vật lực thường đóng góp với nhau lập đình thờ vọng về quê để mong Thành hoàng tiếp tục che chở cho mình dù sống trên đất khác. Uống nước nhớ nguồn, tập quán dân gian đó thật đáng quý. Làng xóm bền vững thì quốc gia bền vững là như vậy.
Đỗ Đức