Dân Việt

Giá nông sản 21.5: Hồ tiêu hết cơ hội trở lại thời "hoàng kim"?

Minh Huệ 21/05/2017 03:46 GMT+7
Trước thực tế giá hồ tiêu có chuỗi ngày giảm sâu suốt gần 1 tháng qua, bà Nguyễn Mai Oanh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) nhận định, giá hồ tiêu của năm 2017 sẽ không còn cao như 2 năm trước và khó có cơ hội cao trở lại như thời kỳ 2014 – 2015. Mặc dù vẫn còn những dấu hiệu tích cực đối với mặt hàng này, song bà Oanh cũng cho rằng giá tiêu sẽ còn biến động khó dự đoán.

img

Người dân tỉnh Gia Lai thu hoạch hồ tiêu. Ảnh: Duy Hậu

Giá tiêu đang tăng nhẹ

Trả lời phỏng vấn của phóng viên Dân Việt/NTNN về nguyên nhân khiến giá hồ tiêu sụt giảm mạnh trong thời gian dài, bà Nguyễn Mai Oanh cho biết, theo đánh giá sơ bộ của VPA, mặc dù có một số nơi hồ tiêu bị chết hàng loạt do nhiễm dịch bệnh, nhưng nhìn chung năm nay hồ tiêu Việt Nam được mùa.

Với tổng diện tích hồ tiêu hơn 100.000ha, trong đó có nhiều diện tích tiêu được trồng ồ ạt trong thời gian từ năm 2010-2012 và đến nay bắt đầu cho thu hoạch, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam đã tăng mạnh so với năm 2016, góp thêm khoảng 30.000 tấn cho nguồn cung toàn cầu.

Thêm vào đó, 2 nước sản xuất hồ tiêu lớn khác năm nay cũng tăng sản lượng là Ấn Độ và Brazil. Ước tính vụ 2017, sản lượng hồ tiêu của Ấn Độ tăng khoảng 7.000 tấn so với vụ 2016. Hồ tiêu Brazil cũng cho sản lượng cao hơn năm trước khoảng 10.000 tấn. Cộng thêm sản lượng khoảng 10.000 tấn của Campuchia, như vậy theo VPA, nguồn cung toàn cầu mặt hàng hồ tiêu năm 2017 có thể cao hơn năm trước 55.000 - 60.000 tấn.

Theo bà Oanh, thông tin truyền thông đều khẳng định Việt Nam - nước chiếm 50% sản lượng hồ tiêu toàn cầu được mùa nên các nhà buôn quốc tế, các nhà đầu cơ và khách hàng nước ngoài đã “lợi dụng” để gây áp lực, ép giá hồ tiêu. Kèm theo đó, ở trong nước, một số người mới trồng tiêu chưa có kinh nghiệm rất hoang mang với diễn biến thị trường nên đã vội bán tháo hồ tiêu... Những điều này đang khiến giá hồ tiêu trong nước sụt giảm sâu kéo dài. 

"Tuy nhiên tôi cho rằng giá hồ tiêu khó có thể giảm sâu nữa. Thực tế là nông dân hiện đang tích trữ hồ tiêu lại. Nông dân Việt Nam bây giờ rất giỏi nghe ngóng giá trên thị trường, nên khi thấy giá tiêu liên tục biến động, họ bán ra rất ít, trử những người thực sự cần tiền. Do đó áp lực nguồn cung lên thị trường không đáng kể" - bà Oanh nói.

Cũng theo bà Oanh, mặc dù giá tiêu niêm yết trên thị trường liên tục giảm, song các nhà buôn cũng mua vào rất ít. Trên thị trường thế giới, ngày 19.5 chỉ có khoảng 23 tấn tiêu được giao dịch trên sàn hàng hóa Ấn Độ, dù giá giao ngay giảm mạnh 600 rupee/tạ xuống 51.100 rupee/tạ (hàng chưa chọn lọc) và 53.100 rupee/tạ (hàng đã chọn lọc). Ở thị trường trong nước, sang ngày 20.5, giá tiêu đã nhích lên một chút, dao động từ 80.000 - 82.000 đồng/kg. 

"Giá niêm yết là như vậy song thực tế thu mua của doanh nghiệp không phải lúc nào cũng theo giá trên sàn. Ví dụ ngày 19.5, chia sẻ với tôi, Công ty Cổ phần Phúc Sinh cho biết đang mua hồ tiêu với giá 85.000 đồng. Mức giá dưới 80.000 có thể là tiêu xấu, tiêu nhiều hạt lép. Nhìn chung giá hồ tiêu năm nay sẽ khó tăng lên mức 120.000 đồng/kg, có thể đến cuối năm sẽ tăng lên khoảng 110.000 đồng/kg" - bà Oanh dự đoán.

Tiêu chết hàng loạt không ảnh hưởng đến sản lượng

Trước thực trạng người dân một số vùng hồ tiêu nguyên liệu đang lao đao vì dịch bệnh, chết hàng loạt, bà Oanh cho biết, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cũng đã nắm được thực tế này, hàng tháng các Sở NNPTNT địa phương cũng liên tục gửi báo cáo thống kê cho Hiệp hội.

"Thực tế là tình trạng tiêu chết không phải bây giờ mới xảy ra. Việc tiêu chết chủ yếu do sinh học, năm nào cũng xuất hiện ở một số vùng và chiếm tỷ lệ từ 2-5% tổng diện tích tiêu. Đây là hiện tượng bình thường của tất cả các loại cây trồng, chứ không riêng gì cây tiêu" - bà Oanh nói.

img

Tình trạng tiêu chết hàng loạt cùng với việc giá giảm sâu đã khiến nhiều nông dân mới trồng tiêu ở Tây Nguyên rơi vào hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Duy Hậu

Theo khảo sát của VPA, tình trạng tiêu chết hàng loạt xảy ra chủ yếu ở một số vùng đã trồng tiêu lâu năm, ví dụ như Chư Sê (Gia Lai) - nơi có những vườn tiêu nhiều năm tuổi. Trước đây, người dân vùng này trồng tiêu thường lạm dụng phân bón vô cơ, thuốc hoá học, dẫn đến đất đai bị chai cứng, thoái hoá, hệ quả làm cây tiêu chậm phát triển, dễ bị dịch bệnh tấn công và chết dần.

Tuy nhiên, những diện tích tiêu bị chết sẽ không làm ảnh hưởng nhiều đến sản lượng tiêu năm nay cũng như năm 2018, do những diện tích tiêu mới trồng sẽ đến kỳ thu hoạch và bù vào số tiêu chết. Bên cạnh đó, người dân đã có trình độ canh tác tốt hơn, sử dụng phân bón, kỹ thuật canh tác hợp lý nên năng suất tiêu trung bình cũng sẽ cao hơn.

“Trừ khi có diễn biến xấu về thời tiết, dự báo sản lượng hồ tiêu vụ tới sẽ không có biến động. Tuy nhiên, phải đến tháng 9 chúng ta mới có thể có cái nhìn rõ hơn về bức tranh hồ tiêu, bởi tháng 7-8.2017 sẽ có thêm 2 nước là Indonesia, Trung Quốc, bắt đầu vào vụ thu hoạch tiêu” – bà Oanh cho biết.