Cục Nghệ thuật biểu diễn (Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch) vừa có văn bản "phổ biến rộng rãi" cho hơn 300 ca khúc trong đó chủ yếu là các ca khúc nhạc cách mạng.
Bên cạnh bài Như có Bác trong ngày vui đại thắng còn có rất nhiều ca khúc quen thuộc khác: Chào em cô gái Lam Hồng, Biết ơn Võ Thị Sáu, Bộ đội về làng, Trường Sơn Đông Trường Sơn Tây, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó...
Đặc biệt, ngay cả bài Tiến quân ca của cố nhạc sĩ Văn Cao cũng vừa được Cục này đưa vào danh sách "phổ biến rộng rãi".
Việc cấp phép có thể được hiểu là khi và chỉ khi được cho phép, tác phẩm âm nhạc ấy mới được sử dụng chính thức ở các chương trình, sự kiện, sân khấu biểu diễn cộng đồng, mới được in, xuất bản, sang băng đĩa.
Như vậy, trước khi có quyết định "phổ biến rộng rãi" thì hàng loạt ca khúc cách mạng và cả bài Tiến quân ca là đang sử dụng trái phép hay theo cách nói nôm na là hát… “chui” hay sao?
Cần phải nói rõ, bài Tiến quân ca từ năm 1976, sau khi Quốc hội biểu quyết thông qua việc lựa chọn làm Quốc ca của Nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tác phẩm mặc nhiên trở thành tài sản Quốc gia, trở thành một tác phẩm âm nhạc được sử dụng nghiêm cẩn trong Lễ chào cờ, khánh tiết ngoại giao, không ai được cho phép hay không cho phép phổ biến rộng rãi tác phẩm âm nhạc này.
Bài hát Tiến quân ca vừa mới được Cục Nghệ thuật biểu diễn đưa vào diện phổ biến rộng rãi.
Hành động cho phép "phổ biến rộng rãi" bài Tiến quân ca của Cục nghệ thuật biểu diễn thể hiện rõ ràng ý thức và nhận thức chính trị rất có vấn đề.
Cùng với đó, hàng loạt những ca khúc: Nối vòng tay lớn, Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng, Tiếng hát giữa rừng Pác Bó...đã trở thành những bài hát quen thuộc, nằm lòng, đã trở thành tài sản âm nhạc của cả dân tộc trong suốt chặng đường lịch sử từ ngày thành lập nước đến nay, không lẽ bây giờ Cục Nghệ thuật đưa vào danh sách "phổ biến rộng rãi" thì mới được sử dụng? Còn dằng dặc thời gian qua là sử dụng vi phạm?
Cục Nghệ thuật biểu diễn đã thể hiện năng lực quản lý của mình ở mức dưới âm, vì đến như nhận thức của học sinh tiểu học cũng có thể giải “bài toán” đơn giản này: Chỉ cần công bố những bài hát bị cấm phổ biến, nghĩa là những bài hát còn lại mặc nhiên được sử dụng, thay vì lâu lâu lại làm ra vẻ quản lý, đưa ra một số quyết định vô lối, như trò đùa với dư luận, làm nhiều người phẫn nộ.
Như vậy, trong chưa tới vài tháng, với hàng loạt các hành động kỳ quặc trong quản lý nhà nước về cấp phép và cho phép phổ biến ca khúc đã đi vào lịch sử, Cục Nghệ thuật biểu diễn đã trượt một bước quá xa, khó kiểm soát về năng lực quản lý nhà nước của mình - ra những quyết định thừa thãi, vô giá trị, làm nhiễu loạn bầu không khí văn nghệ cả nước.
Trách nhiệm đó trước hết thuộc về ông Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương.
Đã tới lúc, Bộ chủ quản cần xem xét lại vị trí của người đứng đầu Cục này bởi suốt một quá trình dài vừa qua, với những lùm xùm quanh chuyện cấp phép rồi đổ lỗi cho cấp dưới, ra văn bản chữa cháy đã cho thấy năng lực của ông Cục trưởng Nguyễn Đăng Chương đang rất có vấn đề!